Hiện người dân vẫn sử dụng hình thức nuôi vịt chạy đồng, nhất là trong thời điểm thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân. Trong khi đó, việc quản lý đàn vịt chạy đồng cũng như tình hình dịch bệnh chưa được quan tâm đúng mức. Một số trường hợp gia cầm bị nhiễm bệnh dịch chết chưa báo cáo kịp thời tới các cơ quan chức năng đã khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh cao.
Lực lượng thú y phun thuốc tiêu độc khử trùng cho đàn vịt, tránh nguy cơ lây lan cúm gia cầm. Ảnh:TTXVN. |
Trước thực tế này, ông Hè cho rằng, để phòng, chống dịch cúm gia cầm đạt hiệu quả, lãnh đạo các quận, huyện tăng cường chỉ đạo cấp khu vực, xã, phường, thị trấn kiểm soát tình hình chăn nuôi, giết mổ gia cầm. Trường hợp phát hiện có dịch bệnh phải báo ngay tới các cơ quan chức năng để xử lý.
Thời gian qua, các cơ quan chuyên môn triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm có hiệu quả như: đẩy mạnh tiêm phòng; kiểm tra kiểm soát công tác giết mổ, phun thuốc dập dịch, tiêu độc khử trùng ở vùng có dịch để tránh lây lan... . Việc triển khai giải pháp phòng, chống tích cực giúp tình hình dịch cúm gia cầm kịp thời ngăn chặn và chưa lan ra diện rộng.
Từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã xảy ra 3 vụ gia cầm bị nhiễm bệnh cúm A H5N1 tại xã Thạnh Phú (huyện Cờ Đỏ), phường Thới Hòa (quận Ô Môn) và xã Nhơn Ái (huyện Phong Điền). Sau khi phát hiện các ổ dịch cúm, cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy cả đàn với tổng số gia cầm bị tiêu hủy 13.300 con; tiêu độc khử trùng tại các ổ dịch. Đến nay, chưa phát hiện thêm ổ dịch cúm gia cầm mới.