Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Nghĩa Hùng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam cho biết, sau khi khảo sát, nguyên nhân sạt lở sơ bộ được xác định là do địa chất tại khu vực xây dựng công trình đã có sạt lở trước đây nên tầng đất yếu bị phá hoại; đồng thời, khu vực này luôn bị xói lở theo thời gian (phía thượng lưu của khu vực sạt lở, lòng sông bị xói lở khoảng 1m).
Bên cạnh đó, qua thí nghiệm hiện trường cho thấy, lớp đất ở độ sâu từ 12m đến 22m bị yếu dần theo độ sâu, dẫn đến địa chất tại vị trí này có sự bất thường cùng với xói lở ngoài lòng sông đã gây sụt lún như vừa qua.
“Lớp đất có độ sâu từ 12 - 22m thì càng xuống sâu càng yếu, cộng thêm điều kiện thủy văn thấp nhất trong năm, cộng hưởng các vết nứt cũ và túi bùn đã gây nên hiện tượng sụt lún ở khu vực này”, ông Nghĩa nói.
Kinh phí để xử lý vụ sạt lở do Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam đề xuất sau khi khảo sát là khoảng 8,45 tỷ đồng. Theo đó, chi phí xây dựng bổ sung là hơn 7,1 tỷ đồng, chi phí hỗ trợ di dời 1 tỷ đồng…
Ông Nguyễn Quý Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ, đại diện chủ đầu tư dự án cho biết, nơi xảy ra sạt lở là khu vực đang thi công dự án kè chống sạt lở sông Ô Môn để khắc phục hậu quả của vụ sạt lở xảy ra vào tháng 5 năm ngoái, với kinh phí 45 tỷ đồng. Đến thời điểm này, dự án đang gấp rút hoàn thiện trước mùa lũ năm nay. Tuy nhiên, từ khi vụ sạt lở xảy ra, việc thi công đã được tạm dừng.
Trao đổi với báo chí sau cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, ông Võ Thành Thống cho biết, thành phố đã yêu cầu chủ đầu tư, đặc biệt đơn vị tư vấn là Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam tiếp tục khảo sát để đánh giá chính xác nguyên nhân. Trên cơ sở đó, tham vấn cho thành phố phương án xử lý, làm sao dự án khi hoàn thành đảm bảo bền vững, an toàn cho người dân.
Cũng theo ông Võ Thành Thống, hiện nay vấn đề khó cho thành phố là còn khoảng 2 tháng nữa là tới mùa lũ, dự án phải hoàn thành trước khi lũ về nên đang gặp áp lực về thời gian. Do đó, yêu cầu đặt ra là các đơn vị liên quan làm sao phải vừa đảm bảo việc khảo sát, đánh giá chính xác, triển khai thi công kịp thời trước mùa lũ về mới đảm bảo an toàn cho người dân ở khu vực này.
Người đứng đầu UBND TP Cần Thơ cũng yêu cầu Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam trong 10 ngày tới phải có đánh giá cuối cùng, đồng thời tham vấn giải pháp để có điều chỉnh trong thiết kế, cũng như kỹ thuật thi công làm sao cho đảm bảo.
Mặt khác, ông Thống cũng yêu cầu nếu có điều chỉnh thiết kế cơ sở thì các sở, ngành liên quan thẩm định phải ưu tiên dành thời gian đặc biệt để hoàn thành các thủ tục một cách nhanh nhất để đảm bảo việc nối lại triển khai dự án. Đồng thời, chủ đầu tư phải theo sát diễn biến công tác tham vấn của đơn vị tư vấn cũng như nhà thầu thi công; phải có biện pháp để dự án triển khai lại trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, vào lúc 3 giờ 10 phút sáng ngày 24/4, tại vị trí đang thi công dự án kè chống sạt lở sông Ô Môn (khu vực Thới Lợi, phường Thới An, quận Ô Môn) đã xảy ra vụ sạt lở bờ sông nghiêm trọng. Vụ sạt lở đã làm 49 trên tổng số 61 cây cọc bê tông mà đơn vị thi công vừa đóng để làm kè bị sụt lún, xê dịch, 11 căn nhà của người dân bị ảnh hưởng.