Cần khẩn cấp bảo vệ vùng lõi Vườn Quốc gia Hoàng Liên

5 giờ ngày 26/12, Sa Pa vẫn ẩn mình trong tiết trời tê tái sau trận mưa tuyết lịch sử. Con gà trống chân chì còn rúc đầu vào cánh chưa buồn gáy, ngoài trời là một biển sương mù dày đặc, cũng là lúc chúng tôi cùng nhóm người dân bản địa tiến vào vùng lõi Vườn Quốc gia Hoàng Liên, để mục sở thị những “vết thương” loang lổ trên những cánh rừng Hoàng Liên giữa đại ngàn Tây Bắc.

Rừng đang bị chảy máu

Phải mất gần 2 giờ đồng hồ ngược dốc trên con đường trơn như đổ mỡ vì băng tuyết tan, đoàn người mới dừng lại tại khu vực Tiểu khu 280T, xã Tả Van (huyện Sa Pa). Tay trái quệt những giọt mồ hôi trên trán, tay phải vén lá cây bụi mở đường, bước chân chúng tôi va quệt vào từng hộc gỗ dẻ (thuộc nhóm V) đã bị lâm tặc chặt phá trước đó. Những gì còn sót lại chỉ là cánh rừng chằng chịt và cành cây con.

Một vụ cháy rừng ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Ảnh: tuoitre.vn


Hỏi người dẫn đường mới biết, khu vực này trước đó bị đối tượng Giàng A Sính là người dân thôn Giàng Tà Chải Mông, xã Tả Van dùng cưa xăng cắt trộm. Ngay sau đó, lực lượng kiểm lâm phát hiện và vây bắt, nhưng đồng bọn của Sính dùng vũ khí nóng giải cứu và làm bị thương 3 kiểm lâm viên. Vụ việc cho đến nay vẫn gây nhức nhối trong dư luận.

Ông Vàng Văn Khìn, Phó Chủ tịch HĐND xã Tả Van cho biết, các hộ dân tộc thiểu số sống trong vùng lõi Vườn Quốc gia Hoàng Liên đời sống rất khó khăn. Đơn cử như ở thôn Giàng Tà Chải Mông, hiện có trên 130 hộ, chủ yếu là người Mông, thì có tới 90% là hộ nghèo. Nhân dân từ lâu đã lệ thuộc vào rừng, sống nhờ rừng, nay lại chịu sức ép về dân số, chỗ ở, chất đốt, nên hiện tượng khai thác gỗ làm nhà, lấy củi để đun nấu, đốt than vẫn xảy ra. Công tác phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm địa bàn với chính quyền xã trong việc bảo vệ rừng tuy đã có, nhưng kết quả chưa cao.

Trời đã về chiều, chúng tôi tiếp tục men theo đường mòn tiến về hai thôn Séo Mí Tỷ và Dền Thàng (xã Tả Van, huyện Sa Pa), nơi có gần 103 ha nương rẫy thảo quả của 150 hộ, nằm trong vùng lõi Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Tại khu vực này, Hạt Kiểm lâm cũng đã điều tra nương rẫy thảo quả để lập hồ sơ gắn với cấp phát thẻ ra vào rừng đặc dụng để thuận lợi cho việc quản lý, bảo vệ rừng.

Tuy nhiên, thời gian qua công tác bảo vệ rừng ở khu vực này của lực lượng kiểm lâm vẫn vấp phải nhiều khó khăn. Tình trạng khai thác lâm sản trái phép và cản trở người thi hành công vụ vẫn xảy ra. Một số người dân bản địa chia sẻ, dù biết rằng khai thác gỗ trong rừng đặc dụng là không đúng, nhưng vì nhu cầu cuộc sống, miếng cơm manh áo hằng ngày, nên vẫn phải trông vào rừng. Do vậy, bên cạnh đội ngũ "lâm tặc" chuyên nghiệp, người dân cũng lũ lượt men theo các con đường mòn vào rừng để chặt phá, tận thu gỗ và mở lò đốt than ngay ở trong rừng, nên tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao.

Trả lời phóng viên về thực trạng nhức nhối này, cán bộ Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Hoàng Liên cho biết: Diện tích rừng đặc dụng trải dài trên lâm phần của hai tỉnh là Lào Cai và Lai Châu, địa hình chia cắt phức tạp, giao thông đi lại khó khăn. Công tác bảo vệ vùng lõi Vườn Quốc gia Hoàng Liên gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, trong vùng lõi Vườn Quốc gia hiện nay có 1.805 hộ dân với 10.287 nhân khẩu sinh sống, phân bố ở 19 thôn, bản thuộc các xã: Tả Van, Bản Hồ, Lao Chải, San Sả Hồ (huyện Sa Pa, Lào Cai) và Trung Đồng, Sơn Bình (tỉnh Lai Châu). Đồng bào dân tộc thiểu số khu vực này có trình độ dân trí hạn chế, tỷ lệ người mù chữ và không biết tiếng phổ thông còn nhiều, nên nhận thức về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng không đồng đều, dẫn đến công tác tuyên truyền gặp nhiều trở ngại.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của phong tục, tập quán lạc hậu, nên tình trạng phá rừng làm nương rẫy, đốt than, đặt bẫy, khai thác trái phép lâm sản, chăn thả gia súc trong vùng lõi Vườn Quốc gia vẫn xảy ra. Cụ thể, trên địa bàn các xã Tả Van, Bản Hồ, tình trạng xâm hại tài nguyên rừng diễn ra ngày càng phức tạp. Các đối tượng ngày càng trở nên liều lĩnh, manh động, khi bị phát hiện, sẵn sàng tấn công kiểm lâm, giải cứu người vi phạm, cướp lại lâm sản, thậm chí thu giữ cả súng và công cụ hỗ trợ của kiểm lâm… Ngoài ra, các công cụ hỗ trợ, trang thiết bị phục vụ công tác bảo vệ rừng của Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên vẫn còn thiếu thốn, ảnh hưởng không nhỏ tới công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Cần những giải pháp đồng bộ để bảo vệ rừng


Hiện vùng lõi Vườn Quốc gia Hoàng Liên phần lớn nằm trên địa bàn 4 xã: Tả Van, Bản Hồ, Lao Chải, San Sả Hồ (huyện Sa Pa) với khoảng 21.000 ha, chiếm gần 70% tổng diện tích Vườn Quốc gia. Đây là khu vực rừng tự nhiên đặc dụng, có nhiều loại gỗ quý, hệ động, thực vật phong phú, cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Để hạn chế, ngăn chặn tình trạng các đối tượng xâm hại tài nguyên rừng thuộc vùng lõi Vườn Quốc gia Hoàng Liên và cản trở người thi hành công vụ, cần có nhiều giải pháp đồng bộ.

Ông Vàng Văn Khìn, Phó Chủ tịch HĐND xã Tả Van cho rằng, để nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân, ngoài công tác tuyên truyền, cần có cơ chế tăng tiền hỗ trợ chăm sóc, bảo vệ rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống trong vùng lõi Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Khi người dân có lợi ích trong đó, họ sẽ có trách nhiệm hơn trong công tác bảo vệ rừng…

Bên cạnh đó, các bên liên quan cần thực hiện tốt hơn nữa Quy chế phối hợp giữa Vườn Quốc gia Hoàng Liên với UBND 4 xã vùng lõi. Quy chế phối hợp giữa Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên với Ban Chỉ huy Quân sự, Công an huyện Sa Pa trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cần được thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả và có trách nhiệm vì lợi ích chung.

Đặc biệt, công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cần được đẩy mạnh hơn nữa, để tới được với người dân. Cán bộ kiểm lâm ngoài công tác chuyên môn, cần được tham gia các lớp học tiếng dân tộc, từ đó có thể gắn bó mật thiết với người dân hơn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để có hình thức tuyên truyền hiệu quả. Các trạm kiểm lâm địa bàn tổ chức ký cam kết với các gia đình trong thôn với nội dung không đốt nương, không sử dụng lửa bừa bãi, nhất là trong những ngày khô hanh kéo dài; không khai thác lâm sản trái phép trong Vườn Quốc gia.

Cùng chung suy nghĩ ấy, ông Hoàng Kim Kế, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên cũng chia sẻ: Điều quan trọng là chính quyền các xã trong vùng lõi Vườn Quốc gia Hoàng Liên cần quan tâm hơn nữa tới đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, vận động người dân tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo; đưa nội dung bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng vào hương ước, quy ước của thôn, bản; đồng thời hỗ trợ người dân nâng cao chất lượng cuộc sống, hạn chế sự lệ thuộc vào rừng.

Đối với các hành vi khai thác lâm sản trái phép, cản trở người thi hành công vụ, không thể chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở mà cần xử lý nghiêm minh. Nếu đủ căn cứ có thể truy tố trước pháp luật để răn đe các đối tượng khác đang có ý định khai thác lâm sản trái phép. Như thế, mới có thể chung tay bảo vệ hiệu quả nguồn tài nguyên rừng quý giá của quốc gia.


Nguyễn Thắng
Phú Thọ phát triển rừng sản xuất

Tỉnh Phú Thọ vừa quyết định dành nguồn kinh phí khoảng 21 tỷ đồng để hỗ trợ cho chương trình phát triển rừng sản xuất trong hai năm 2014 và 2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN