Cần có cơ chế khuyến khích, ưu đãi trong xử lý nước thải sinh hoạt

Kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, vượt qua ngưỡng nước nghèo và đang trong thời kỳ tăng trưởng, phát triển.

Tuy nhiên, do mặt trái của sự phát triển, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường nước trong những năm gần đây có xu hướng gia tăng. Vì vậy, cần có cơ chế khuyến khích, ưu đãi thu hút để các doanh nghiệp đầu tư xử lý nước thải sinh hoạt, nhất là nước thải sinh hoạt phi tập trung. 

Xử lý vẫn ở mức thấp

Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường (Tổng cục Môi trường) Vũ Ngọc Tĩnh đánh giá, một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường nước ở Việt Nam hiện nay là vấn đề về nước thải sinh hoạt.

Chú thích ảnh
Hệ thống xử lý nước thải tại Nhà máy xử lý nước thải Dĩ An. Ảnh: Nguyễn Văn Việt/TTXVN

Ở các đô thị lớn gồm đô thị đặc biệt và đô thị loại I, tỷ lệ lượng nước thải được xử lý cao hơn các đô thị vừa và nhỏ và ở nông thôn nhưng vẫn ở mức thấp, chưa đáp ứng được với tốc độ đô thị hóa hiện nay. Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến năm 2018, tại Hà Nội, mới có khoảng 20,62% tổng lượng nước thải sinh hoạt của thành phố được xử lý, trong khi tại TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ lượng nước thải sinh hoạt được xử lý chỉ khoảng hơn 10%.

Nước thải sinh hoạt đô thị ước khoảng 7,12 triệu m3, chiếm 30% tổng lượng nước thải xả trực tiếp ra sông, suối, ao, hồ. Hiện khu đô thị từ loại III trở lên có trạm xử lý nước thải tập trung mới đạt 39%, với tổng công suất thiết kế 926,000 m3/ngày (đáp ứng 13% nhu cầu). Nước thải sinh hoạt nông thôn ước khoảng 6,2 triệu m3, chiếm tỷ trọng lớn nhưng hầu hết không được xử lý, phân tán trên diện rộng nên khó thu gom.

Hiện vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập trong các quy định pháp luật về xử lý nước thải, cụ thể là việc không phải cấp phép xả thải nên khó khăn cho công tác quản lý. Hệ thống thoát nước đô thị nói riêng và thoát nước nói chung của Việt Nam còn tồn tại rất nhiều bất cập về hiệu suất hoạt động của trạm xử lý nước thải tập trung, mạng lưới thu gom chắp vá, thiếu đồng bộ, tổng chiều dài mạng lưới còn quá ngắn so với chiều dài đường phố, ngõ xóm. Hầu hết chưa có mạng lưới thu gom nước thải sinh hoạt nông thôn.

Hệ thống thu gom chưa hoàn chỉnh do đó nhiều nơi chỉ hoạt động khoảng 20% công suất thiết kế, quá tải mạng lưới thoát nước đô thị. Mật độ dân cư, tiêu chuẩn xả thải ở đô thị cao hơn hẳn so với các khu vực khác, do đó thường xuyên bị quá tải. Kinh phí đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung lớn, vẫn quá lớn với 833 đô thị lớn nhỏ ở Việt Nam và quá khó khăn với vùng nông thôn, miền núi và các khu vực khác.

Tìm giải pháp và công nghệ phù hợp

Gia tăng dân số, tốc độ đô thị hóa cao, mức sống, tiêu chuẩn nước thải tăng lên sẽ gia tăng áp lực đến môi trường trong tương lai nên cần phải có các giải pháp, công nghệ thu gom, xử lý nước thải phù hợp, đơn giản, có chi phí xây dựng và vận hành thấp, thuận tiện trong thu gom nước thải với đặc điểm của Việt Nam.

Theo Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường: Xử lý nước thải sinh hoạt phi tập trung ở Việt Nam là giải pháp phù hợp với tốc độ đô thị hóa cao với tỷ lệ 35%. Hiện Viện Khoa học và Kỹ Thuật Môi trường (Đại học Xây dựng), một số Trung tâm thuộc Bộ Xây dựng, Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường, Tổng Cục Môi trường và một số công ty của Nhật Bản, Hàn Quốc… đã nghiên cứu áp dụng thử nghiệm thành công một số mô hình xử lý nước thải sinh hoạt phi tập trung quy mô nhỏ cho các địa phương trên cả nước.

Mô hình này có ưu điểm phù hợp với đặc điểm về điều kiện tự nhiên và địa hình Việt Nam, áp lực thoát nước không đồng đều do mật đô dân cư có sự phân hóa; phù hợp với khả năng tài chính của các đô thị, điểm dân cư tập trung của Việt Nam; giảm chi phí đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải, giảm chi phí ban đầu do có thể phân kỳ đầu tư phù hợp với phát triển đô thị. Do nhiều ao hồ, sông suối, hệ thống thoát nước thường chia thành nhiều phân vùng nhỏ, thích hợp để xử lý phi tập trung.

Hạn chế là xây dựng thường trong nội đô hoặc gần các khu dân cư, dễ gây mất cảnh quan nếu thiết kế không hợp lý; thiết kế, vận hành không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật có thể gây mùi hôi thối ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Xử lý nước thải phi tập trung thường được xả ra sông suối, ao hồ nội thị hoặc hệ thống thoát nước chung, có thể gây hiện tượng phú dưỡng ao, hồ đô thị nếu hàm lượng Nitơ và Phốt pho trong nước thải còn cao, khó khăn vê quỹ đất cho việc xây dựng trạm xử lý nước thải trong nội thành.

Giải pháp xử lý nước thải phi tập trung tại Việt Nam được chia thành 3 loại gồm: xử lý nước thải phi tập trung tại chỗ, áp dụng đối với các hộ thoát nước riêng lẻ, có công suất 50m3/ngày đêm; xử lý nước thải phi tập trung theo cụm áp dụng đối với các hộ thoát nước ở gần nhau, công suất 50-200 m3/ngày đêm; xử lý nước thải phi tập trung theo khu vực áp dụng trong một địa giới hành chính, công suất 200-1000 m3/ngày đêm.

Tùy vào điều kiện quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch thoát nước, các điều kiện cụ thể của địa phương và các tiêu chí mà công nghệ áp dụng để xử lý nước thải phi tập trung sẽ có lựa chọn khác nhau giữa các địa phương, công trình. Tuy vậy, theo lý thuyết, các công nghệ xử lý nước thải phi tập trung có thể phân ra thành 4 phương pháp gồm cơ học, sinh học kỵ khí, sinh học hiếu khí và hóa học.

Hiện nay, một số các công nghệ hiện đang được Bộ Xây dựng hướng dẫn tại Thông tư 04/2015/TT-BXD để áp dụng xử lý nước thải phi tập trung như bể tự hoại, bể lọc kỵ khí có vách ngăn, bể tự hoại cải tiến có vách ngăn và ngăn lọc kỵ khí dòng hướng lên; hồ kỵ khí, hồ hiếu-kỵ khí, hồ ổn định; bãi lọc trồng cây; bể phản ứng theo mẻ...

Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường kiến nghị, để phát triển xử lý nước thải phi tập trung ở Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ ở cấp Trung ương giữa Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài nguyên và Môi trường về xây dựng cơ chế, chính sách quản lý và công nghệ của giải pháp xử lý nước thải phi tập trung; sớm ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật nước thải xả vào hệ thống thoát nước đô thị” và “Quy chuẩn kỹ thuật về nước thải xử lý phi tập trung xả vào nguồn tiếp nhận” theo Nghị định 80/NĐ-CP.

Cùng với đó cần có cơ chế khuyến khích, ưu đãi thu hút tư nhân tham gia vào lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải phi tập trung. Công nghệ khác tại Thông tư 04/2015/TT-BXD cần phải được ban hành quy trình thẩm tra, kiểm định, thử nghiệm kỹ khi nhân rộng hay áp dụng trên thực tế.

Các địa phương cần rà soát cân nhắc tiếp tục sử dụng, cải thiện hệ thống thoát nước tập trung hay áp dụng hệ thống phi tập trung cho khu vực ven đô, khu đô thị mới, nông thôn. Các quy định bắt buộc thực hiện các chương trình Thông tin - Giáo dục - Truyền thông và hỗ trợ tài chính, các hộ thoát nước phải đấu nối vào mạng lưới thu gom. Yêu cầu về công nghệ xử lý nước thải phi tập trung phù hợp với điều kiện thời tiết, đặc điểm nước thải của Việt Nam, đáp ứng tiêu chuẩn xả thải, yêu cầu của nguồn tiếp nhận, thích hợp với điều kiện địa điểm công trình, kích thước phù hợp với diện tích đất eo hẹp tại đô thị, chi phí toàn bộ vòng đời công trình chấp nhận được ở Việt Nam; dễ dàng nâng cấp, mở rộng đáp ứng tốc độ đô thị hóa nhanh chóng tại Việt Nam.

Giám đốc Vũ Ngọc Tĩnh cho rằng, phải thẩm tra, giám định đối với các công nghệ khác trong Thông tư 04/2015/TT-BXD trước khi áp dụng; cần thực hiện các thủ tục về môi trường đúng theo quy định của Chính phủ Việt Nam trước khi triển khai; thi công đồng bộ hệ thống mạng lưới thu gom và trạm xử lý nước thải nhằm đảm bảo khả năng đấu nối, giảm lãng phí trong đầu tư.

Đơn vị cung cấp ở Việt Nam đủ khả năng bảo trì, bảo dưỡng, thay thế thiết bị để xử lý khẩn cấp khi xảy ra sự cố; giảm chi phí đầu tư, vận hành, bảo dưỡng phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam; sản xuất, lắp đặt chuyển giao trong nước. Các phụ tùng vật tư dễ dàng thay thế, ít tiêu hao năng lượng, sử dụng tối đa nhân lực Việt Nam trong xây lắp, vận hành, bảo dưỡng.

Minh Nguyệt (TTXVN)
Chậm khắc phục sự cố Nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng, Thái Nguyên
Chậm khắc phục sự cố Nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng, Thái Nguyên

Từ cuối tháng 8/2019 đến nay, Nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng (thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) đã phải tạm ngừng hoạt động do gặp sự cố tại phòng điện điều khiển gây cháy toàn bộ 3 tủ điện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN