Theo báo cáo UBND thành phố Đà Nẵng, trong 3 giờ qua (từ 3 giờ-6 giờ ngày 511) trên địa bàn đã có mưa, có nơi mưa to đến rất to, trong đó tổng lượng mưa của quận Sơn Trà 155.4mm, quận Cẩm Lệ 127.4mm... Đặc biệt, mực nước trên hai sông Vu Gia, Cẩm Lệ đang dao động và ở mức dưới báo động 1.
Dự báo, trong 3-6 giờ tới, nguy cơ xảy ra ngập úng trên các tuyến đường và khu vực thấp trũng. Thời gian ngập có khả năng diễn ra từ 7 giờ đến 10 giờ ngày 5/11. Độ sâu ngập lớn nhất từ 0.30-0.60m, có nơi sâu hơn.
Cảnh báo, tình trạng ngập xảy ra tại các khu vực, tuyến đường thấp trũng sẽ gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện, làm hư hỏng các công trình, tài sản của người dân, các hoạt động kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, một số khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở trong 6 giờ tới như: quận Sơn Trà (phường Thọ Quang); quận Liên Chiểu (phường Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Bắc, Hòa Hiệp Bắc); huyện Hòa Vang (xã Hòa Bắc, Hòa Ninh, Hòa Phú, Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Khương).
Theo ghi nhận của phóng viên, vào khoảng 7 giờ 30 phút, trên một số đường Lê Duẩn, 2-9,Trần Cao Vân, Nguyễn Thị Minh Khai đang xảy ra ngập cục bộ. Quân Sơn Trà cũng đã tạm ngăn đường lên bán đảo Sơn Trà do nguy cơ sạt lở có thể xảy ra.
Trước đó, để chủ động ứng phó với mưa lớn, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh đề nghị, lực lượng vũ trang, các sở ban ngành, địa phương cần khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 6; theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai; sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống thiên tai. Các địa phương, đơn vị rà soát các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét; đặc biệt chú ý nhân dân sống tại ven hai sông Túy Loan và Cu Đê; thông báo tình hình thiên tai đến người dân chủ động ứng phó.
Ngoài ra, các địa phương cần rà soát, sẵn sàng triển khai di dời dân tại các khu vực có nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm “bốn tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với thiên tai; vận động người dân chủ động kê cao tài sản, khơi thông cửa thu nước trước nhà, đảm bảo an toàn cho phương tiện đi lại và thu hoạch sớm các sản phẩm nông nghiệp (nếu có)…