Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng lý giải, tại lớp nước trên mặt hồ thì lượng DO cao, nhưng tại lớp nước sâu 1,5 mét thì lượng DO chỉ dưới 0,5 mg/l (tiêu chuẩn là 2 mg/l). Nguyên nhân là ở lớp nước sâu có quá nhiều tảo phát triển. Khi có nắng thì tảo sẽ quang hợp, sinh ra oxy. Nhưng ở nơi nước sâu không có ánh sáng thì tảo sẽ có hiện tượng hô hấp, hút lấy oxy và thải ra khí CO2.
“Việc tảo hút quá nhiều oxy khiến cho cá không còn oxy để hô hấp. Đây là hiện tượng phú dưỡng” - ông Hùng cho biết.
Theo kết quả quan trắc môi trường mới nhất lúc 9h30 sáng 16/6 tại hồ Thạc Gián, ở vị trí giữa hồ, độ sâu 1,5 mét có chỉ số DO là 0,36 mg/l. Còn ở vị trí sát mép hồ, cùng độ sâu thì chỉ số DO là 0,35 mg/l, nước có mùi xanh rêu, mùi hôi thối.
Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng cho biết thêm: Xung quanh hồ Thạc Gián có một số cửa phai của cống bị hư hỏng, khiến nước thải dân sinh bị chảy tràn vào hồ. Những cửa cống này cần sớm được sửa chữa để bảo đảm vệ sinh môi trường cho nước hồ.
Theo Báo cáo số 449/BC-STNMT ngày 13/6 của Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng, hiện tượng cá chết tại hồ Thạc Gián xảy ra từ sáng 11/6. Để khắc phục tình trạng này, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất UBND thành phố Đà Nẵng giao sở Xây dựng chủ trì kiểm tra, khắc phục tình trạng nước thải chảy vào hồ qua các cửa phai.
Trong văn bản, Sở Tài nguyên & Môi trường cũng chỉ đạo Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải tiến hành vớt cá chết, xử lý môi trường để không làm ảnh hưởng đến người dân sống xung quanh. Nhưng đến ngày 16/6, hiện tượng cá chết tại hồ Thạc Gián vẫn tiếp tục tăng.