Bức tranh Hà Nội sau 5 năm mở rộng - Bài cuối

Hà Nội tăng dân số cơ học


Sau khi mở rộng địa giới hành chính, dân số Thủ đô đạt trên 7,1 triệu người. Đặc biệt trong vòng 4 năm (2008 - 2011) dân số Hà Nội đã tăng khoảng 43 vạn người, trong đó tăng dân số cơ học lên tới 5 vạn người/năm, chủ yếu thuộc các đối tượng trong độ tuổi lao động.


Áp lực lớn


Bên cạnh những tác động tích cực như phát triển lực lượng lao động trẻ, tạo điều kiện tập trung nguồn nhân lực có chất lượng cao, tăng dân số cơ học đang gây áp lực lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội và phát triển đô thị; cũng như công tác khám chữa bệnh và giáo dục đào tạo, gây ra tình trạng quá tải tại các bệnh viện, trường học.


Tăng dân số cơ học đang gây áp lực lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội và phát triển đô thị.

 

Ngoài ra, tăng dân số cơ học kéo theo không ít hệ lụy tác động xấu tới giao thông đô thị, môi trường, an ninh trật tự cũng như chất lượng sống của người dân. Tăng dân số cơ học còn ảnh hưởng tới sức khỏe người dân khi điều kiện sống, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường không được bảo đảm.


Cùng với thách thức về gia tăng dân số cơ học, chất lượng dân số thấp và không đồng đều giữa khu vực nông thôn - thành thị, khu vực ngoại thành - nội thành cũng đang là vấn đề đặt ra đối với công tác dân số của Hà Nội. Trên thực tế, tại các huyện ngoại thành, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh và tình trạng sinh con thứ ba trở lên, thường rất cao.


Để giảm áp lực nhập cư vào các quận nội thành, HĐND Hà Nội mới đây đã ban hành một số Nghị quyết, quy định điều kiện nhập cư vào nội thành như: Người muốn đăng ký hộ khẩu phải tạm trú liên tục từ 3 năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở có diện tích bình quân nhà thuê phải đảm bảo tối thiểu 15 m2/người. Với việc áp dụng tiêu chí về nhập cư mới, dự tính mỗi năm số người đăng ký thường trú vào nội thành Hà Nội sẽ giảm khoảng 30%. Việc siết lại điều kiện nhập cư tiến tới giảm tình trạng quá tải tại nội thành và nhằm làm cho cơ cấu dân số Hà Nội hợp lý, để có thể bảo đảm an sinh xã hội.


Tìm hướng nâng cao chất lượng dân số


Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, Chi cục đã đẩy mạnh tuyên truyền giảm sinh con thứ 3 tại các địa bàn trọng điểm có tỷ lệ sinh và sinh con thứ ba cao như Phúc Thọ, Ba Vì, Sóc Sơn... và các địa bàn có tỷ số giới tính khi sinh tăng mạnh như huyện Thường Tín, Ứng Hòa, Mê Linh... Nếu như năm 2008, đối với tỉnh Hà Tây, tỷ suất sinh thô là 16,88%, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 8,84. Tuy nhiên, chỉ số này hiện đã giảm rõ rệt (dưới 14%), nay chỉ duy nhất huyện Phúc Thọ có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao nhất là 19,02%.


Bên cạnh đó, để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS), Hà Nội đang xây dựng đề án và sẽ thực hiện trong giai đoạn từ năm 2013 đến hết năm 2020. Theo đó, sẽ xây dựng và hoàn thiện mô hình can thiệp tổng hợp, đồng bộ cả về lãnh đạo, chỉ đạo, truyền thông thay đổi hành vi, thanh tra xử lý vi phạm và thực hiện các chính sách hỗ trợ triển khai tại các địa bàn có tình trạng MCBGTKS cao. Trọng tâm của các hoạt động là huy động mọi lực lượng chính trị xã hội vào cuộc, kết hợp chặt chẽ vận động, truyền thông thay đổi hành vi với chăm sóc toàn diện về sức khỏe sinh sản, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm về lựa chọn giới tính thai nhi. Ngoài ra, tới đây Hà Nội cũng sẽ từng bước triển khai thử nghiệm một số mô hình, gói chính sách hỗ trợ trẻ em gái, phụ nữ và các gia đình sinh con một bề là gái, nhằm góp phần nâng cao vai trò và vị thế của trẻ em gái, phụ nữ trong đời sống gia đình và xã hội.


Trong thời gian tới, Hà Nội tập trung nâng cao chất lượng dân số - thu hẹp khoảng cách chênh lệch về chất lượng dân số. Hà Nội đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trong đó hướng mạnh về cơ sở, nhất là vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức các đợt tập huấn cho báo cáo viên dân số về kỹ năng truyền thông, cung cấp các thông tin, kiến thức về dân số - kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, để công tác truyền thông đạt hiệu quả cũng không hề dễ dàng, khi đội ngũ cán bộ làm công tác dân số tại các huyện ngoại thành còn mỏng, thiếu cán bộ chuyên sâu.


Bên cạnh đó, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố triển khai và thực hiện các mô hình nâng cao chất lượng dân số như mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng, mô hình tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân, mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản... Trong đó, đã triển khai thực hiện đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tiến hành lấy máu xét nghiệm tại 100% bệnh viện tuyến quận, huyện, một số bệnh viện Trung ương đóng trên địa bàn, bệnh viện thành phố và mở rộng thực hiện tại các trạm y tế xã, phường.

 

Công tác điều tra dân số, quản lý dân cư gặp nhiều trở ngại khi số người không đăng ký hộ khẩu thường trú khá lớn. Theo ước tính, mật độ dân số trung bình của Hà Nội gấp 8 lần mật độ chung của cả nước và có sự phân bố không đồng đều, chênh lệch lớn giữa khu vực ngoại thành và nội thành.



Tuyết Mai - X.M

Bức tranh Hà Nội sau 5 năm mở rộng - Bài 4
Bức tranh Hà Nội sau 5 năm mở rộng - Bài 4

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã đầu tư nhiều cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT) nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra ở một số nơi, chưa được xử lý, khắc phục hiệu quả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN