"Bóng cười"gây đột quy thành trào lưu, Bộ Y tế cần sớm vào cuộc

Theo BS Nguyễn Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương, bóng cười đặc biệt nguy hại với người đang mắc bệnh hô hấp, tim mạch, huyết áp, gây ngừng tim, đột quỵ. Với trẻ chưa trưởng thành, bóng cười có thể dẫn đến tổn thương não nghiêm trọng…

Nên tránh xa


Quá trình bơm khí gây cười vào bóng. Ảnh: TM

Bóng cười (funkyball) là bóng được bơm khí nitrous oxide (N2O). Khi ngậm bóng và hít khí trong quá trình thổi bóng (lặp lại nhiều lần) thì khí N20 xâm nhập vào cơ thể, gây ra sự phấn khích, tiếng cười và ảo giác tức thời thú vị. Do đó, hiện nay, với giá chỉ khoảng 50.000 đồng/quả, nhiều bạn trẻ rất thích thú với mốt chơi bóng cười tại các bar; thậm chí, nhiều bạn đã “nghiện”, sử dụng đến 5 - 7 quả/lần chơi.


“Chơi bóng cười, cảm giác rất phê. Ban đầu tôi chỉ thấy tê tê, lâng lâng. Nhưng sau đó thì rất phấn khích và cười không kiểm soát, tự thấy rất thoải mái”, một dân chơi bóng cười (giấu tên) cho biết. 


Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về ẩn họa của trào lưu sử dụng bóng cười trong thanh niên nêu trên, BS Nguyễn Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương, cho biết, khí N2O (hay còn gọi khí gây cười) được sử dụng khá phổ biến trong công nghiệp; trong y học, nếu dùng ở liều cao còn có tác dụng gây tê, giảm đau… Chất khí này có tác dụng kích thích tâm thần, tạo sự hưng phấn nhưng nếu dùng quá nhiều dễ dẫn đến tình trạng hôn mê, tử vong.


“Với lượng khí (chưa quá liều) bơm trong bóng, chỉ sau khoảng 5 phút, người hít sẽ thấy thú vị, gây kích thích hệ thần kinh trung ương và tạo tiếng cười vô thức khiến các bạn trẻ thích thú. Đến nay, chưa trường hợp nào phải đi cấp cứu vì quá liều, hoặc bị nghiện bóng cười. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn khuyến cáo không nên sử dụng bóng cười, nhất là người mắc bệnh huyết áp, tim mạch, viêm gan, đặc biệt là trẻ em chưa đến tuổi trưởng thành”, BS Tuấn nhấn mạnh.


Thực ra, trên thế giới, việc sử dụng chất bay hơi và dung môi hữu cơ (như khí N2O trong bóng cười) rất phổ biến và xuất hiện sớm hơn nhiều so với Việt Nam. Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng khí gây cười này chỉ xếp sau các chất gây nghiện như cần sa. Ở Mỹ, có tới 1% thanh thiếu niên sử dụng các các chất bay hơi và dung môi hữu cơ.


Khí gây cười tác động trực tiếp đến hệ hô hấp, biểu hiện rõ nhất là ở trên phổi vì dẫn đến tình trạng thiếu ôxy, gây co thắt phế quản. Những người sử dụng khí này nhiều, lâu dài thì môi sẽ bị tím tái. Với người có bệnh hen, sự ảnh hưởng tới sức khỏe càng rõ rệt, gây rối loạn, mất nhịp và dẫn đến đột quỵ”, BS Tuấn khuyến cáo.


Bên cạnh đó, việc sử dụng bóng cười thường xuyên còn có thể gây suy tủy. Đặc biệt, còn rất nguy hiểm với trẻ chưa trưởng thành (dưới 16 tuổi), có thể gây tổn thương não nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ, giảm IQ… Với những trường hợp đang bị nhiễm độc kim loại nặng, việc sử dụng khí gây cười còn dẫn đến tình trạng teo não…


Cần sự vào cuộc của Bộ Y tế


Theo BS Nguyễn Minh Tuấn, trước những hậu quả nghiêm trọng mà trào lưu sử dụng khí gây cười có thể đem lại, Cơ quan phòng chống lạm dụng chất (hoặc lạm dụng ma túy và và rượu) tại nhiều nước đều đưa ra những khuyến cáo hữu ích, đặc biệt là trong các trường học. Đồng thời, cũng đưa ra những biện pháp nhằm ngăn chặn những tác hại có thể mang lại cho người sử dụng và cộng đồng.


“Do đó, Bộ Y tế cần sớm “lên tiếng” và khuyến cáo về trào lưu sử dụng bóng cười trong thanh thiếu niên hiện nay. Trước hết, cần sớm khuyến cáo để người dân, nhất là các bậc phụ huynh nhận biết những tác hại của bóng cười. Song song với đó, cần đề xuất các chính sách để cơ quan thực thi pháp luật có thể thực hiện được trong việc ngăn chặn, ví như: Cấm quảng cáo, cấm sử dụng nơi công cộng, xử phạt nhà hàng “bảo trợ” cho việc sử dụng…”, BS Tuấn nhấn mạnh.


Theo BS Tuấn, về nguyên tắc, người dân có quyền làm những điều mà luật pháp không cấm, như hiện nay, người dân vẫn có quyền bán, mua, sử dụng bóng cười hợp pháp. Trong khi, so với tác hại thuốc lá thì tác hại của việc sử dụng bóng cười còn nghiêm trọng hơn vì còn gây ảo giác, rối loạn tâm thần.


Do đó, cần sớm phải có quy định quản lý thì mới có thể hạn chế được trào lưu và ngăn chặn hậu quả tiềm ẩn từ sử dụng bóng cười. Thậm chí, cần phải cấm sử dụng khí gây cười khi điều khiển các phương tiện tham gia giao thông như lái xe máy, ô tô… Bởi lẽ, bóng cười gây ra ảo giác trong một thời gian nhất định (từ 30 phút đến hơn 1 tiếng) nên người sử dụng sẽ không kiểm soát được bản thân, dễ gây tai nạn nếu sau đó tham gia giao thông, vận hành máy móc, hoặc đứng ở cầu thang, lan can…

Phương Liên
Cai nghiện ma túy đá còn nhiều khó khăn
Cai nghiện ma túy đá còn nhiều khó khăn

Ngoài việc sử dụng những loại ma túy truyền thống như thuốc phiện, heroin, cần sa… số người nghiện ma túy đang có xu hướng chuyển dần sang sử dụng các loại ma túy tổng hợp, trong đó có ma túy đá.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN