Theo quy định của Thông tư này, yêu cầu người dân đang có GPLX giấy bìa phải đổi sang vật liệu nhựa trước ngày 31/12/2016, nếu không sẽ phải thi lại lý thuyết và bị phạt khi cơ quan chức năng kiểm tra. Thông tin này nhiều ngày qua khiến người dân các địa phương đổ xô đi đổi GPLX, gây quá tải ở các điểm đổi GPLX.
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) Đồng Ngọc Ba cho biết, đơn vị đã kiểm tra Thông tư số 58/2015/TT - BGTVT và kết luận có một số điểm không rõ ràng, cần phải sửa đổi cho phù hợp với thực tế. Đối chiếu với các quy định hiện hành, các quy định tại Thông tư không có cơ sở pháp lý, không bảo đảm tính thống nhất và tính hợp pháp.
Hàng ngày có rất đông người dân đến điểm cấp đổi GPLX tại Hà Nội. Ảnh: Tiến Hiếu |
Cụ thể, Điều 57 Thông tư 58/BGTVT dẫn đến cách hiểu: Việc chuyển đổi GPLX, kể cả trường hợp GPLX không thời hạn hoặc còn thời hạn sử dụng, từ giấy bìa sang vật liệu nhựa là bắt buộc; GPLX không thời hạn hoặc còn thời hạn bằng giấy bìa không chuyển đổi sang vật liệu nhựa theo lộ trình quy định sẽ không còn giá trị sử dụng và không chuyển đổi sau 6 tháng theo lộ trình chuyển đổi, nếu muốn được cấp lại sẽ phải thi sát hạch lại lý thuyết. Quy định này không phù hợp với pháp luật hiện hành. GPLX là chứng chỉ cấp cho người điều khiển xe cơ giới có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Trong thời gian có giá trị, quyền sở hữu, sử dụng GPLX được pháp luật bảo đảm. Việc chuyển đổi, thu phí cần được xem là quyền của người dân và được thực hiện khi người dân có nhu cầu.
Đối với quy định buộc sát hạch lại lý thuyết đối với những người không đổi GPLX sang thẻ nhựa theo lộ trình, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cũng khẳng định “không bảo đảm tính hợp pháp và tính thống nhất”. Do đó, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đề nghị Bộ GTVT rà soát, xử lý, bãi bỏ những quy định chưa rõ ràng tại Thông tư 58/BGTVT.
Ngay sau khi nhận được đề nghị này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết đã lấy ý kiến và trình lãnh đạo Bộ GTVT về việc sửa đổi một số điều của Thông tư 58/BGTVT, trong đó bỏ quy định phải thi lại lý thuyết nếu chậm đổi GPLX. Người dân có thể sử dụng GPLX giấy bình thường và không bị phạt, nhưng khuyến khích người dân đổi GPLX sang vật liệu nhựa, để chống việc làm giả và tiện cho công tác quản lý. Dự kiến, Thông tư mới sẽ được Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành trong tháng 12/2016.
Liên quan tới vấn đề sửa thông tư, theo ông Nguyễn Văn Huyện, trước khi ban hành Thông tư 58/BGTVT với quy định về đổi GPLX từ vật liệu giấy sang vật liệu nhựa, Bộ GTVT đã lấy ý kiến của Bộ Tư pháp và Bộ Tư pháp đồng ý, Thông tư này mới được ban hành. Về việc nhiều người dân đang nhầm lẫn về thời hạn đổi GPLX của ô tô và xe máy, trong đó hạn đổi GPLX của ô tô là 31/12/2016 và mô tô là 31/12/2020, Tổng cục Đường bộ Việt Nam khuyến cáo người dân cập nhật đầy đủ thông tin để tránh việc đổ dồn đi đổi GPLX.
Ông Nguyễn Văn Huyện cho biết thêm, tính đến thời điểm này, việc chuyển đổi GPLX ô tô bằng giấy bìa sang vật liệu nhựa đã đạt gần 90%, tương đương gần 5 triệu GPLX. Số còn lại khoảng 300.000 GPLX dự kiến sẽ hoàn thành trước thời điểm 31/12/2016. GPLX nhựa có tính bảo mật cao, được cập nhật lên hệ thống dữ liệu dùng chung, người dân không cần phải đến đúng nơi được cấp GPLX ban đầu để đổi, mà có thể đến bất cứ điểm cấp đổi GPLX nào trên phạm vi cả nước. Lộ trình chuyển đổi đối với GPLX ô tô và GPLX hạng A4 thực hiện trước ngày 31/12/2016; đối với GPLX mô tô không thời hạn (các hạng A1, A2, A3) thực hiện trước ngày 31/12/2020. Việc các điểm đổi GPLX hiện nay rơi vào tình trạng quá tải là do sự hiểu nhầm về lộ trình của người sử dụng GPLX không thời hạn.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Sở GTVT các địa phương yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền và triển khai các giải pháp để thực hiện nghiêm túc lộ trình đổi GPLX. Trong đó, đề nghị các Sở GTVT đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai thủ tục, quy trình, lệ phí đổi GPLX tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ; hướng dẫn, tạo điều kiện để người dân không qua trung gian, nhằm loại bỏ các hiện tượng tiêu cực. Bên cạnh đó, các sở GTVT cần đầu tư bổ sung trang thiết bị, tăng cường cán bộ, chuyên viên, bố trí làm thêm giờ tại bộ phận tiếp nhận và in GPLX để tăng số lượng GPLX được cấp, đổi trong ngày, đáp ứng nhu cầu đang tăng cao của người dân.