Thưa ông Đặng Văn Thanh, có thể thấy hiện nay trong xã hội có những nhóm người kém may mắn và không được phát triển về thể chất, tâm lý như người bình thường. Vậy, đối với những đối tượng là người khuyết tật, Đảng, Nhà nước ta đã có chính sách gì dành cho họ?
Phải nói rằng, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến người khuyết tật. Sự quan tâm đó thể hiện bằng rất nhiều các chính sách mà Đảng, Nhà nước ta đã ban hành để hỗ trợ một cách tốt nhất cho người khuyết tật hòa nhập với cuộc sống, tạo bình đẳng trong xã hội.
Nổi bật là hưởng ứng lời kêu gọi của Đại Hội đồng Liên hợp quốc lấy năm 1981 là năm Quốc tế đầu tiên về người khuyết tật, ngày 18 tháng 4 năm 1980, Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ủy ban Năm quốc tế những người tàn tật của Việt Nam. Năm 1998, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh về người tàn tật, theo đó quyết định lấy ngày 18 tháng 4 hằng năm là Ngày bảo vệ, chăm sóc người tàn tật. Đến năm 2010, Quốc hội đã thông qua Luật Người khuyết tật.
Đặc biệt là năm 2014, Quốc hội đã phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền của Người khuyết tật. Sau đó, Chính phủ đã ban hành Đề án trợ giúp Người khuyết tật giai đoạn 2015 - 2020. Năm 2021, Chính phủ ban hành Chương trình trợ giúp Người khuyết tật giai đoạn 2031 - 2030.
Có thể thấy, chính vì vậy, đời sống của người khuyết tật Việt Nam đang ngày một cải thiện, quyền của người khuyết tật cũng dần được bảo đảm.
Với người khuyết tật, họ mang những khiếm khuyết. Điều này có thể dẫn tới những mặc cảm, tự ti trong cuộc sống. Vậy, ông nhìn nhận như thế nào về sự hòa nhập của người khuyết tật hiện nay?
Tôi cho rằng, điều quan trọng nhất để người khuyết tật xóa đi mặc cảm của bản thân, xóa đi sự tự ti để hòa nhập vào cộng đồng xã hội, trước hết, cộng đồng xã hội cũng như là gia đình người khuyết tật luôn phải quan tâm, đồng hành, sẻ chia với họ. Cộng đồng xã hội cũng như gia đình người khuyết tật phải cùng và tạo mọi điều kiện tốt nhất giúp họ có thể hòa nhập một cách bình đẳng vào cộng đồng xã hội.
Như ông nói, cộng đồng xã hội và gia đình chính là điều quan trọng nhất để giúp người khuyết tật tiếp cận cuộc sống bình thường và từ đó hòa nhập với xã hội. Vậy, Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam đã có những chương trình, mô hình, cách làm gì để giúp đỡ người khuyết tật?
Trong những năm qua, Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam đã và đang triển khai rất nhiều các hoạt động để hỗ trợ các tổ chức của người khuyết tật và vì người khuyết tật trên quy mô toàn quốc. Nổi bật là Liên hiệp Hội đã đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực người khuyết tật.
Bên cạnh đó, Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam thúc đẩy thành lập các tổ chức của người khuyết tật ở các địa phương. Qua hoạt động này, chúng tôi thấy rằng, ở địa phương nào, thành phố nào, tỉnh nào có các tổ chức của người khuyết tật và các tổ chức vì người khuyết tật, các chính sách hỗ trợ người khuyết tật được triển khai tốt hơn. Các tổ chức đó cũng chính là mái nhà chung để người khuyết tật đến, được sẻ chia, hoạt động. Cũng chính mái nhà này là nơi người khuyết tật có thể gửi gắm tâm tư, nguyện vọng để cùng tìm ra tiếng nói chung. Từ đó, họ có thể họ truyền tải tới các tổ chức đó những bất cập, khó khăn để tìm ra hướng giải quyết.
Cũng thông qua đó, các tổ chức ở địa phương sẽ phản ánh lên Liên Hiệp hội. Từ đây, Liên hiệp hội sẽ là nơi truyền tải đến các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan chức năng để đưa ra các phương hướng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách. Từ đó giúp cho các chính sách phù hợp trong triển khai một cách tốt nhất.
Liên hiệp hội còn tổ chức nâng cao năng lực, tổ chức tập huấn cho các tổ chức hội. Liên hiệp hội hướng dẫn các hội thành viên của người khuyết tật lập kế hoạch về những dự án nhỏ để vận động chính sách, giúp hội có nguồn lực để hoạt động trong dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật. Đặc biệt là chúng tôi đã vận động một số tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ xây dựng các mô hình về dạy nghề, tạo việc làm ở các địa phương có nghề truyền thống để giúp về đào tạo nghề, việc làm cho người khuyết tật.
Chúng tôi tập huấn xây dựng được mạng lưới truyền thông ở xã, phường để chuyển tải những chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về người khuyết tật. Cùng với đó là xây dựng những các mô hình về phục hồi chức năng cho đối tượng này. Bởi thực tế là hiện nay, nhiều trẻ khuyết tật không đủ điều kiện để đến trường. Có cháu không được học tại các trường chuyên biệt. Gia đình những trẻ khuyết tật này trực tiếp dạy các cháu về văn hóa, giáo dục. Đứng trước vấn đề đó, chúng tôi đang triển khai xây dựng mô hình về phục hồi chức năng cho đối tượng này ở một số tỉnh, thành như là Nghệ An, Hòa Bình, Cần Thơ và một số địa phương khác trên cả nước.
Có thể thấy, bên cạnh những chính sách trợ giúp của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của cả cộng đồng xã hội, chính người khuyết tật cũng tìm cách vươn lên, để không phải là gánh nặng của xã hội. Rất nhiều người trong số đó đã tạo ra những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Tuy nhiên, thực tế, chúng ta vẫn còn những khó khăn về kinh tế, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn và chưa thể đáp ứng thỏa đáng nhu cầu nguyện vọng của người khuyết tật. Ông có thể chia sẻ thêm về những rào cản nào tác động đến sự hòa nhập của người khuyết tật?
Tôi cho rằng một trong những rào cản, hạn chế chính là nhận thức của một bộ phận ngoài xã hội, thậm chí có cả gia đình của người khuyết tật, đồng thời nhận thức của chính người khuyết tật vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, một số cán bộ thực thi các chính sách nhận thức chưa đầy đủ về người khuyết tật.
Một trong những rào cản khác nữa là, mặc dù Đảng, Nhà nước có rất nhiều chính sách nhưng khi thực hiện lại gặp nhiều hạn chế, kể cả hạn chế về nguồn lực để hỗ trợ hiệu quả cho các hoạt động trợ giúp người khuyết tật. Thế nên, những rào cản hữu hình cũng như là vô hình vẫn còn đâu đó trong xã hội. Ví dụ như quyền của người khuyết tật được tiếp cận về giao thông, về công trình xây dựng, rồi tiếp cận một số chính sách vẫn còn rất hạn chế. Những hạn chế đã ảnh hưởng đến hoạt động của người khuyết tật, tạo ra rào cản đối với đối tượng này trong hòa nhập một cách đầy đủ vào cộng đồng xã hội.
Để cuộc sống của gần 7 triệu người khuyết tật ngày một tốt hơn, Liên hiệp hội sẽ có những giải pháp và kiến nghị gì, thưa ông?
Liên hiệp Hội luôn lấy người khuyết tật là trung tâm. Từ đó, chúng tôi thúc đẩy, giám sát việc thực hiện các luật rồi Công ước quốc tế cũng như một số chính sách hỗ trợ khác của người khuyết tật trong giai đoạn vừa qua, kể cả trong những năm tới đây. Chúng tôi luôn rà soát lại các chính sách đấy nhằm phát hiện những khoảng trống chính sách để khuyến nghị với các cơ quan hoạch định chính sách, với Quốc hội, với Chính phủ để sửa đổi chính sách, kể cả là Luật Người khuyết tật.
Trong thời gian tới đây, chúng tôi sẽ thu thập các thông tin từ các tổ chức, thông tin từ chính người khuyết tật để phản ánh, kiến nghị sửa Luật Người khuyết tật một cách tốt nhất, giúp người khuyết tật có thể tiếp cận được tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước.
Trân trọng cảm ơn ông!