Bệnh liên cầu lợn ở người là một bệnh lây truyền từ động vật sang người và rất nguy hiểm, có thể gây viêm màng não, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng, thậm chí có thể tử vong. Do đó, người dân cần có phương tiện bảo hộ khi chăn nuôi, giết mổ lợn, tránh ăn tiết canh, nội tạng lợn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...Bệnh nguy hiểm, nguy cơ mắc bệnh cao
Tuần qua, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đã tiếp nhận hai ca cấp cứu do mắc bệnh liên cầu lợn, trong đó một ca đã tử vong và một ca đang trong tình trạng nguy hiểm. Vậy là sau gần 1 năm tạm lắng thì nay bệnh liên cầu lợn lại có xu hướng “đến hẹn lại lên”.
Bán cháo lòng tiết canh cũng mắc bệnh
“Chỉ trong ngày 5/5, BV tiếp nhận hai trường hợp làm nghề bán cháo lòng, tiết canh nhiễm liên cầu lợn, một người ở Hà Tĩnh và một ở Thái Bình. Do bệnh nhân ở Thái Bình bị suy đa phủ tạng quá nặng, không thể phục hồi nên gia đình đã xin đưa bệnh nhân về. Còn đây là bệnh nhân ở Hà Tĩnh, sau 5 ngày điều trị tích cực anh đã qua được cơn nguy kịch song vẫn khó tiên lượng diễn biến sức khỏe sau này”, Ths. BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu- điều trị đặc biệt, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, vừa thăm khám cho bệnh nhân vừa cho biết.
Bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị cho một bệnh nhân liên cầu lợn. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN |
Nằm bất tỉnh trên giường bệnh, bệnh nhân Trần Quang Long ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh, vẫn ở trạng thái hôn mê, phải thở máy. Toàn thân bệnh nhân bị hoại tử với những ban hoại tử tím đen và nhiều nốt phỏng rộp khắp ngực, tay và chân. BS Cấp cho biết, bệnh nhân Long nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, có ban hoại tử khắp trên da, sốc, tụt huyết áp, suy đa phủ tạng (gan, thận). Bệnh nhân bị suy hô hấp nên phải mở nội khí quản, thở máy và được lọc máu, sử dụng thuốc vận mạch, các loại thuốc để bảo vệ dạ dày và các loại kháng sinh mạnh. Hiện tại, tình trạng suy đa phủ tạng đã được cải thiện, bệnh nhân đã đi tiểu được, đỡ suy thận, gan và đỡ rối loạn đông máu, nhưng vẫn hôn mê. “Đặc biệt, ở bệnh nhân này có tình trạng co, tắc mạch và hoại tử ở chi trầm trọng, có khả năng phải cắt một phần chi”, BS Cấp chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Đào, vợ bệnh nhân Long rơm rớm nước mắt: “Nhà tôi làm nghề bán cháo lòng, tiết canh nhưng chồng tôi đâu có ăn tiết canh. Mấy hôm đó, cả gia đình cùng ăn tai, mũi lợn nhưng không hiểu sao mỗi mình chồng tôi mắc bệnh. Giờ vẫn không nói được, mắt mở ra vẫn thấy đọng nhiều máu lắm. Mới mấy ngày nằm viện đã hết 60 triệu đồng, sắp tới có lẽ phải bán đất ở quê...”.
“Bệnh có thể lây truyền qua người khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn nấu không chín. Việc nhiễm bệnh cũng phụ thuộc sức đề kháng của từng người và mật độ vi khuẩn”, BS Cấp giải thích.
Vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn thường cư trú ở đường hô hấp trên, nhất là amidan và khoang mũi, đường sinh dục, tiêu hóa của lợn. Chúng có thể sống 10 phút ở 600 C, 2 giờ ở 500 C và 6 tuần trong xác súc vật ở 100C. Ở 00C vi khuẩn có thể tồn tại 1 tháng trong bụi và 3 tháng trong phân. Tuy nhiên, vi khuẩn dễ dàng bị tiêu diệt bởi các thuốc khử trùng như Cloramin B với nồng độ từ 1- 2%.
Không ăn và tránh tiếp xúc với lợn bệnh
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, hai thể bệnh lâm sàng hay gặp nhất sau nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn là viêm màng não mủ và nhiễm khuẩn huyết có sốc nhiễm khuẩn. Thời gian ủ bệnh thường trong vòng một tuần. Bệnh khởi phát thường cấp tính với sốt cao, có thể kèm theo rét run, đau đầu, buồn nôn, chóng mặt. Nhiều trường hợp đau mỏi các bắp thịt và tăng cảm giác đau ngoài da.
Đối với trường hợp viêm não đơn thuần, bệnh nhân có thể có rối loạn ý thức, đặc biệt trong tình trạng rất kích thích, kèm theo các biểu hiện khác như suy thận nhẹ, phát ban ngoài da, giảm thính lực, run đầu chi, liệt thần kinh sọ...
Liên cầu lợn là một bệnh nguy hiểm do bệnh thường diễn biến nặng và có tỷ lệ tử vong cao. Ngành y tế và nông nghiệp dù đã có những cảnh báo về nguy cơ nhiễm bệnh từ đàn lợn sang người nhưng trong điều kiện giết mổ, chế biến, tiêu thụ lợn của Việt Nam còn quá thủ công, tùy tiện như hiện nay thì nguy cơ mắc bệnh liên cầu lợn đối với người dân là rất cao. Hiện nay, cũng chưa có vắcxin phòng bệnh nên để phòng bệnh người dân cần cẩn trọng, không ăn tươi các sản phẩm từ lợn. Trong quá trình nuôi, giết mổ lợn nên có phương tiện phòng hộ. Tuyệt đối không tham gia ăn hoặc giết mổ lợn nhiễm bệnh. |
Đối với trường hợp nhiễm khuẩn huyết có sốc, thời gian khởi phát thường rất ngắn từ 1- 2 ngày rồi bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng sốc kèm theo tử ban toàn thân, tập trung nhiều ở mặt, ngực và chân, tay. Hầu hết bệnh nhân đều có rối loạn đông máu, suy thận, suy gan... “Một số bệnh nhân vừa bị nhiễm trùng huyết vừa bị viêm màng não. Phần lớn bệnh nhân khởi đầu bằng sốt cao, sau đó tri giác lơ mơ, li bì hôn mê, bệnh nhân sốc tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da. Nếu không được cấp cứu kịp thời, tỉ lệ tử vong rất cao. Do đó, khi thấy những dấu hiệu này, cần đưa người bệnh tới cơ sở y tế gấp để hạn chế những biến chứng đáng tiếc”, BS Cấp khuyến cáo.
Sau khi điều trị, di chứng thường gặp nhiều nhất là 25% - 40% bệnh nhân điếc tai, có một số bệnh nhân rất lâu chức năng thận mới hồi phục, hoặc phải cắt chi do hoại tử... Trung bình mỗi bệnh nhân thể viêm màng não mủ phải điều trị ít nhất là 3 tuần; còn thời gian điều trị cho bệnh nhân thể nhiễm trùng huyết tùy thuộc di chứng để lại trầm trọng hay không trầm trọng, có những bệnh nhân phải điều trị đến 2 tháng, chi phí điều trị tới 150 triệu đồng.
“Chi phí viện phí thì tùy vào biện pháp can thiệp đối với bệnh nhân. Nếu người bệnh phải lọc máu liên tục thì riêng chi phí cho lọc máu từ 10 - 12 triệu đồng/ngày, ngoài ra bệnh nhân còn phải dùng thuốc kháng sinh, truyền máu, truyền abumin...”, BS Cấp cho biết.
Phương Liên thực hiện