Anh Đặng Văn Tâm, chủ tàu cá Hùng Dũng cho hay, cuối tháng 9/2022, tàu cá đi từ biển vào cảng bị vướng vào dây truyền tải điện 22KV của công trình điện gió Tân Hoàng Cầu, dây điện bị đứt làm cháy ăng-ten định vị, định dạng của tàu. Sau đó, tàu đánh cá Trung Hiếu (đi sau tàu Hùng Dũng) bị dây điện đứt vướng vào tàu làm cháy hệ thống thông tin trên tàu. Anh Tâm chia sẻ, liên tục các tai nạn do ảnh hưởng từ đường dây điện truyền tải điện của dự án điện gió làm cho ngư dân lo lắng khi ra vào cảng.
Ông Phạm Văn Tuấn, xã An Thủy, huyện Ba Tri chia sẻ, đường luồng lạch (khu vực nước sâu tàu di chuyển) di chuyển của các tàu đánh cá được hình thành từ rất lâu, đây là lộ trình ra vào cảng của các tàu cá. Tuy nhiên, dự án điện gió cắm trụ tua bin ngay giữa luồng tàu, các tàu đánh cá phải nép sang nhường đường cho cắm trụ tua bin. Các trụ dây truyền tải điện cắm ngang luồng chạy của tàu làm tăng thêm mối đe dọa nguy hiểm cho việc lưu thông tàu ghe của ngư dân. Ông Tuấn lý giải, nếu tàu đánh cá đi về hướng Đông sẽ bị vướng vào cồn cạn, tàu bị mắc cạn không di chuyển được. Tàu di chuyển về phía Tây sẽ sát vào trụ điện gió vô cùng nguy hiểm khả năng va vào trụ điện gió rất lớn.
Bên cạnh đó, nếu tàu đi theo đường hiện nay, khả năng vướng đường dây truyền tải và va chạm vào các cột của đường dây truyền tải rất lớn. Ông Tuấn cho hay, ngư dân kiến nghị, đường dây truyền tải điện cần được đi âm sâu trong lòng đất, nhổ các trụ dây truyền tải điện tạo sự thông thoáng cho đường tàu di chuyển.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Tổ trưởng Tổ hợp tác khai thác Thuỷ sản 2 (xã An Thủy, luồng hàng hải tại cửa sông Hàm Luông (giáp ranh huyện Thạnh Phú và huyện Ba Tri) hơi chếch về hướng huyện Thạnh Phú, hướng về huyện Ba Tri đang bị bồi lắng, tàu thuyền không thể đi lại. Vì vậy, các tàu cá của ngư dân Ba Tri bắt buộc phải đi lại trên luồng hàng hải này hàng ngày. Tuy nhiên, ngay tại luồng tàu di chuyển đã mọc lên hàng chục trụ tua bin điện gió và trụ dây dẫn 22KV thuộc dự án điện gió, do Công ty cổ phần Tân Hoàn Cầu làm chủ đầu tư. Phía trên luồng, hai đường dây dẫn điện đi ngang luồng (hiện đã bị tàu cá vướng làm đứt một dây) chỉ cách mặt nước vài chục mét. Điều này khiến mỗi lần tàu cá đi ngang phải vất vả né tránh nhưng gặp thời tiết xấu không thể né được, phải chấp nhận rủi ro để đi qua hoặc phải neo đậu ngoài biển.
Ông Nguyễn Văn Dũng là một trong hàng chục người đứng đơn kiến nghị cơ quan chức năng tỉnh, Trung ương điều chỉnh lại thiết kế của dự án điện gió để đảm bảo an toàn tính mạng cho ngư dân đi đánh bắt xa bờ thường xuyên ra vào cửa sông Hàm Luông.
Trước đó, UBND tỉnh Bến Tre đã có văn bản xác định hệ thống trụ và đường dây 22KV băng ngang luồng chạy tàu của cửa sông Hàm Luông không đảm bảo an toàn cho tàu thuyền ra vào cửa sông Hàm Luông. Đồng thời, tỉnh đã đề nghị công ty ngưng ngay việc thi công hệ thống trụ và dường dây 22KV này và đưa ra hai phương án xây dựng nhằm đảm bảo an toàn hơn cho phương tiện thủy.
Phương án 1 là xây dựng đường dây ngầm, có độ sâu 12m xuyên qua luồng chạy tàu của sông Hàm Luông. Phương án 2 là xây dựng đường dây vượt luồng tàu nhưng phải đảm bảo chiều cao từ mặt nước đến dây là 48m và chiều rộng 2 trụ là 250m.
Mặc dù vậy, trên thực tế, đường dây được đi nổi bắt ngang luồng với độ tĩnh không không đảm bảo, khoảng cách giữa hai trụ quá hẹp khiến tàu thuyền qua lại gặp rất nhiều khó khăn. Tai nạn thủy đã xảy ra và đã có người bị thương, thiệt hại tài sản của ngư dân.
Bà Trần Thị Mỹ Châu, Phó Chủ tịch UBND xã An Thủy cho biết, qua nắm bắt dư luận, nhiều ngư dân địa phương bức xúc trước việc trụ điện gió và đường dây dẫn điện băng ngang giữa luồng tàu, gây tai nạn cho ngư dân địa phương. Tuy nhiên, thẩm quyền của địa phương không thể giải quyết mà chỉ thông báo với ngư dân về lịch đóng điện của dự án điện gió nói trên để ngư dân tránh xa các trụ điện gió, trụ dây dẫn. Những vấn đề ngư dân bức xúc, địa phương ghi nhận để báo cáo ngành chức năng có hướng xử lý phù hợp.