Theo đó, cuối năm 2022, các lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành tổng kiểm tra bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy ở các cơ sở sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Qua đó, phát hiện ra nhiều bất cập và “lỗ hổng” lớn trong phòng cháy chữa cháy nói chung và tại các khu công nghiệp nói riêng.
Bài 1: Nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng quy định
Cuối năm 2022, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành rà soát việc đáp ứng tiêu chí phòng cháy, chữa cháy mới đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Theo đó, hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức khi bị xử phạt hàng trăm triệu đồng, buộc phải ngừng hoạt động vì chưa đáp ứng được các quy định mới về phòng cháy, chữa cháy.
Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Thương mại Khánh Phượng (Khu công nghiệp Tây Bắc Ga, thành phố Thanh Hóa) vừa bị xử phạt 80 triệu đồng do lỗi “đưa hạng mục công trình vào sử dụng, hoạt động khi chưa có giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy” và phải ngừng hoạt động từ 31/12/2022. Công ty ngừng hoạt động kéo theo hàng chục lao động phải nghỉ việc, thuế và các khoản chi phí khác vẫn phải chi trả đang khiến cho doanh nghiệp rơi vào tình trạng tiến thoái, lưỡng nan.
Chia sẻ về những khó khăn của công ty bà Nguyễn Thị Phượng, Giám đốc Công ty cho biết, công ty thuê mua đất về khu công nghiệp Tây Bắc Ga từ năm 2014, đến năm 2016 bắt đầu xây dựng các hạng mục nhà khung sắt, lợp tôn để sản xuất, kinh doanh. Năm 2017, công ty đã đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng hệ thống phòng cháy chữa cháy gồm bể chứa nước gần 100 m3, ba máy bơm, hệ thống phóng cháy chữa cháy tự động… Tuy nhiên, khi bị “chiếu” theo các tiêu chuẩn, quy định mới của Nghị định 136/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ 10/1/2021) thì một số hạng mục phòng cháy, chữa cháy không còn phù hợp. Theo đó, các cơ quan chức năng yêu cầu công ty phải sơn chống cháy toàn bộ hệ thống cột sắt U350 và xây tường bao quanh cao 9m (tường hiện tại 3m)… mới được thẩm định và hoạt động lại.
Cái khó của doanh nghiệp hiện tại là phê duyệt về xây dựng có trước, quy định mới về phòng cháy, chữa cháy mới được áp dụng nên rất khó để điều chỉnh về thiết kế. Theo giấy phép xây dựng công ty chỉ xây móng tường bao quanh tải trọng 3m, nhưng theo quy định mới về phòng cháy, chữa cháy thì công ty phải xây tường cao 9m. Bên cạnh đó, toàn bộ hệ thống cột của nhà xưởng làm bằng sắt, trên lợp tôn, nhưng quy định phải sơn chống cháy toàn bộ cũng rất khó cho doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng cần căn cứ trên ngành nghề sản xuất để phân loại những cơ sở nguy cơ cháy thấp và nguy cơ cháy cao để áp dụng các tiêu chuẩn. Với các hệ thống nhà xưởng có hóa chất, xăng dầu, kho hàng... nên áp dụng tiêu chuẩn cao và giám sát thật chặt chẽ. Còn như nhà kho chứa gạch men, chứa sắt thép, cơ quan chức năng cần nới lỏng các quy định áp dụng để giảm chi phí đầu tư cho doanh nghiệp…", bà Phượng chia sẻ thêm.
Ý thức được tầm quan trọng của phòng cháy, chữa cháy, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên In Đông Á (Khu Công nghiệp Tây Bắc Ga) đã đầu tư 350 triệu đồng cho hệ thống phòng cháy, chữa cháy trước khi đi vào hoạt động. Tuy nhiên, tháng 12/2022 khi lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tiến hành kiểm tra, công ty đã bị xử phạt hành chính 90 triệu đồng do đưa hệ thống phòng cháy, chữa cháy vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu, đồng thời áp dụng biện pháp tạm đình chỉ để bổ sung, đầu tư các hạng mục công trình phòng cháy, chữa cháy theo quy định mới.
Ông Lê Tất Thắng, Tổng Giám đốc Công ty chia sẻ, hiện công ty đang tháo dỡ các công trình vi phạm, không có trong thiết kế xây dựng ban đầu như nhà xe, nhà ăn để bảo đảm các lối thoát nạn, đường cho xe chữa cháy. Đồng thời, công ty đã thuê đơn vị tư vấn thiết kế hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, bể nước phục vụ chữa cháy 300 m3 và các hạng mục phụ trợ khác với dự toán kinh phí khoảng 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình thẩm duyệt, thi công và nghiệm thu cũng cần thời gian nhất định, việc bị đình chỉ sản xuất kéo dài sẽ khiến doanh nghiệp bị chậm trễ giao các đơn hàng đã ký kết, mất doanh thu, lao động không có việc làm và ảnh hưởng đến uy tín với đối tác.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 304 các cơ sở đang hoạt động trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, qua kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy cuối năm 2022, lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với 155 trường hợp với tổng số tiền phạt hơn 9 tỷ đồng và ra quyết định đình chỉ và tạm đình chỉ 117 trường hợp.
Các hành vi vi phạm chủ yếu là các cơ sở này chưa thực hiện việc thẩm duyệt, thiết kế về phòng cháy chữa cháy, chưa nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, trong quá trình hoạt động có cơi nới, cải tạo, sửa chữa, thay đổi sử dụng về công năng và tính chất sử dụng của công trình, không thực hiện việc thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy.
Ngoài ra, nhiều cơ sở không bảo đảm điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy như đường giao thông cho phương tiện chữa cháy, nguồn nước phục vụ chữa cháy, khoảng cách an toàn phòng cháy, chữa cháy giữa các công trình, giải pháp ngăn cháy lan, không bảo đảm bộ phận tường, vách ngăn, bậc chịu lửa... theo các tiêu chuẩn mới.
Bài cuối: Sớm hoàn thiện hạ tầng