Bảo vệ bền vững môi trường tại Vân Đồn

Trong những năm qua, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đã tập trung nguồn lực và huy động xã hội hóa để bảo vệ bền vững môi trường.

Chú thích ảnh
Cảng Cái Rồng (Vân Đồn)

Vân Đồn có diện tích mặt nước biển rộng khoảng 1.600km2 (gấp 3 lần diện tích đất nổi của huyện), ôm trọn vịnh Bái Tử Long, thiên nhiên ưu đãi, thuận lợi để phát triển du lịch. Tuy nhiên, địa phương đang trong quá trình đô thị hóa cao, hạ tầng du lịch được đầu tư mạnh, nhất là tại xã đảo và khu vực ven biển, điều này đang là thách thức lớn đối với công tác bảo vệ môi trường.

Nhiều năm qua, huyện quan tâm ban hành các nghị quyết chuyên đề về công tác bảo vệ môi trường biển để tập trung chỉ đạo với từng giai đoạn phù hợp với sự phát triển thực tế tại địa phương; triển khai các giải pháp làm thay đổi nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường.

Một trong những thách thức đặt ra với vùng nước của huyện Vân Đồn đó là rác thải. Theo thống kê, huyện có gần 3.000 tàu, thuyền lớn nhỏ hoạt động thường xuyên với trên 5.000 lao động tham gia khai thác, đánh bắt trên biển, chưa kể hàng nghìn cư dân định cư, sinh sống trên các xã đảo, hàng vạn khách du lịch đến các xã đảo mỗi năm... Với số lượng người và phương tiện thủy như vậy, lượng rác thải phát sinh sẽ tương đối lớn.

Trước thách thức này, huyện đã thành lập, xây dựng đề án thu gom, xử lý rác thải tại các xã đảo (Quan Lạn, Minh Châu, Thắng Lợi, Ngọc Vừng và Bản Sen). Đồng thời, triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động các nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ lò đốt BD-ANPHA500. Đây là công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, không gây tồn đọng rác. Bước đầu, tạo dựng hệ thống cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ trong quản lý và xử lý rác thải, đồng thời tạo ra môi trường du lịch thân thiện

Bám sát Chỉ thị số 18-CT/TU về “Tăng cường công tác quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”, huyện tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý những vi phạm về môi trường; tăng cường vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái. Huyện cũng cấp phát 2.500 tờ rơi tuyên truyền cho các xã, thị trấn... Nhận thức của người dân, nhất là ngư dân ven biển có sự chuyển biến rõ rệt, tình trạng sử dụng các ngư cụ cấm, ngư cụ khai thác mang tính tận diệt nguồn lợi thủy sản đã được kiểm soát.

Trong phát triển ngành thủy sản, Vân Đồn cũng thực hiện đổi mới các phương pháp nuôi trồng theo hướng bền vững, áp dụng tiến bộ KHCN ở các vùng nuôi, hạn chế tình trạng nuôi quảng canh. Điển hình đó là việc đổi mới, ứng dụng vật liệu làm lồng bè bằng nhựa HDPE thay cho vật liệu truyền thống gỗ, tre, phao xốp có ưu điểm là độ bền cao, không chịu ảnh hưởng khi bị các thuyền nhỏ va đập vào khung lồng, chịu được sóng từ cấp 6 đến cấp 7 và thuận lợi trong việc vệ sinh lồng.

Cùng với đó, trong công tác quản lý quy hoạch và xây dựng, huyện yêu cầu các đơn vị, nhà hàng khách sạn, hộ kinh doanh dịch vụ du lịch cam kết có giải pháp xử lý rác, nước thải; quản lý chặt chẽ việc cấp phép xây dựng với các dự án gần biển, trên biển. Định kỳ phối hợp với Sở TN&MT tổ chức quan trắc, đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường biển. Từ đó, kịp thời có biện pháp cải thiện chất lượng môi trường tốt nhất.

Trong định hướng phát triển, Vân Đồn được xác định là trung tâm du lịch sinh thái biển đảo lớn của tỉnh, kinh tế biển là mũi nhọn, vì vậy thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường biển là nền tảng vững để Vân Đồn sớm đạt mục tiêu.

Bên cạnh đó, để giải quyết ô nhiễm nguồn rác thải, năm 2016, huyện Vân Đồn đã xây dựng lò đốt rác ở Cống Cái trên địa phận thôn Sơn Hào, xã Quan Lạn. Đến nay lò đốt rác đã phát huy hiệu quả, đảm bảo công tác bảo vệ môi trường, nhất là đối với 2 xã đảo là Minh Châu, Quan Lạn.

Công trình lò đốt rác thải bằng không khí tự nhiên được xây dựng trên diện tích hơn 10.000m2, gồm các hạng mục: Khu tập kết rác thải, gian thao tác lò đốt và các công trình phụ trợ khác, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 6 tỷ đồng, công suất trên 10 tấn/ngày đêm. Đây là lò đốt rác thực hiện theo quy trình khép kín không sử dụng điện, xăng, dầu, ga để hoạt động, mà chỉ sử dụng chính rác khô để làm mồi đốt kết hợp với các van điều chỉnh lưu lượng gió để đốt lò. Lò có thể đốt các loại rác có độ ẩm 40%.

Để xử lý lượng rác thải hằng ngày, lực lượng thu gom rác đến từng hộ dân và chuyển về tập kết tại bãi chứa để tiếp tục phân loại, hong khô trước khi đưa vào lò xử lý. Vào ngày mưa, nhằm tránh tình trạng rác phân hủy bốc mùi hôi, nhân viên vệ sinh dùng thuốc khử trùng.

Công trình lò đốt rác trên xã Quan Lạn bước đầu đã phát huy hiệu quả và giải quyết mỗi ngày gần 10 tấn rác thải trên xã đảo. Qua đó, góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, đáp ứng nhu cầu của nhân dân xã đảo; đồng thời gìn giữ và phát huy các tiêu chí đã đạt trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

DL
Quảng Ninh nhận giải thưởng ASOCIO dành cho Chính quyền số xuất sắc
Quảng Ninh nhận giải thưởng ASOCIO dành cho Chính quyền số xuất sắc

Tổ chức Công nghiệp Điện toán Châu Á - Châu Đại Dương (ASOCIO) vừat tổ chức lễ công bố và trao Giải thưởng ASOCIO 2018, cho 31 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp xuất sắc từ các quốc gia và nền kinh tế thành viên. Tỉnh Quảng Ninh là một trong 4 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam được vinh danh tại Giải thưởng này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN