Bảo tồn, phát huy giá trị cây xanh Hà Nội

Theo thống kê của công ty Công viên cây xanh Hà Nội, nội thành thủ đô có khoảng 45.000 cây xanh với 100 loài được trồng trên các tuyến phố do công ty quản lý. Những hàng cây xanh đã gắn bó và trở thành niềm tự hào của người Hà Nội. Cây xanh cũng đã tạo thành bản sắc của một thủ đô hòa bình, thân thiện và thanh lịch. Tuy vậy một thực tế hiện nay là cây xanh ở Hà Nội đang bị xâm hại do ý thức kém và vì vụ lợi của một số người. Đồng thời việc quy hoạch hệ thống cây xanh còn chưa được coi trọng nên nhiều con đường, khu phố mới không có cây xanh, hoặc trồng cây xanh không theo tiêu chuẩn khiến con phố trở nên thiếu hài hòa và mất đi bản sắc riêng.

Lá phổi xanh - chỗ phình chỗ lép

Hà Nội vốn tự hào là một thành phố xanh với những con đường, con phố có hàng cây xanh thẳng tắp như Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương… Tuy nhiên những con phố đó đều nằm ở trung tâm thành phố, do người Pháp quy hoạch từ thời Hà Nội còn là thuộc địa. Ngược lại, những con đường mới mở sau này cũng như những khu đô thị mới rất hoành tráng lại thiếu vắng những bóng cây xanh.

Những phố có nhiều cây xanh ở Hà Nội hiện nay chủ yếu tập trung tại khu vực nội thành, do người Pháp quy hoạch từ hàng trăm năm trước. Ảnh: Lê Phú


Tỉ lệ cây xanh trên đầu người quá thấp


Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng nằm trong vùng khí hậu nóng ẩm mưa nhiều, có đủ 4 mùa xuân hạ thu đông nên phù hợp để trồng nhiều loại cây khác nhau. Những hàng cây xanh suốt bốn mùa trên đường phố đã mang lại cho Hà Nội một vẻ đẹp riêng, một đặc trưng của Hà Nội. Cây xanh thường được trồng xen kẽ nhau trên các vỉa hè, nhưng cũng có tuyến phố trồng riêng một loại cây đặc trưng. Trước tiên phải kể đến cây xà cừ vì nó chiếm tới 30% số cây trên vỉa hè Hà Nội. Loại cây cao, rễ chắc, xanh mát quanh năm này trùm bóng mát trên những tuyến phố như Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Hoàng Văn Thụ, đường Láng…

Phố Phan Đình Phùng nổi tiếng với những hàng sấu già.Ảnh: Lê Phú


Những cây sấu được trồng nhiều ở các phố: Lý Nam Đế, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Bà Triệu, Tràng Thi… Đầu hè, khi sấu thay lá vàng, phố phường như được nhuộm màu vàng của lá tạo cho Hà Nội một vẻ đẹp rất riêng. Quả sấu được chế biến thành ô mai sấu và không thể thiếu trong bát canh chua ngày hè. Nhắc đến cây xanh Hà Nội, không thể không nhắc đến cây hoa sữa. Con phố Nguyễn Du, Quang Trung với hai hàng hoa sữa già cao vút đã đi vào bài hát nổi tiếng “Nhớ về Hà Nội”. Hoa sữa nở và thơm về đêm tháng 10, 11, trở thành mùi thơm đặc trưng của Hà Nội cuối thu đầu đông.


Cây sao đen dáng thẳng cao, thanh thoát là đặc trưng của phố Lò Đúc. Trước đây, cò từ các nơi bay về đây trú ẩn, đậu đầy trên ngọn cây, phân rơi trắng hè phố khiến cho phố còn có tên gọi dân dã là “phố cò ỉa”. Cây lộc vừng ở bờ hồ Hoàn Kiếm cùng với hàng trăm loài cây khác như hoàng anh, liễu, bằng lăng, phượng vĩ, hoa ban, xoài, gạo… đã tạo vẻ đẹp rất thơ mộng cho lẵng hoa giữa lòng thành phố. Cây sưa – một loại cây cho gỗ rất quý, được trồng nhiều nhất trong vườn Bách Thảo. Cây sưa có hoa nở vào mùa xuân, trắng trong như từng bông tuyết, bồng bềnh như mây trên các ngọn cây. Khi gió thoảng qua, hoa rơi lả tả, mong manh như tuyết rơi ở châu Âu.

KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội:

Cần quan tâm đến nguyện vọng của người dân

Quyết định phê duyệt quy hoạch vùng thủ đô của Thủ tướng Chính phủ tháng 12/2008 xác định rõ mục tiêu phát triển phải đảm bảo hài hòa, nâng cao chất lượng đô thị, bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững và bảo vệ những khu vực tự nhiên. Để ngăn chặn việc triệt hạ cây xanh, lợi dụng vườn hoa, công viên để kinh doanh, cần thực hiện ngay 3 nhóm giải pháp: Hoàn thiện quy hoạch chi tiết, rà soát các công viên hiện có; hoàn thiện thể chế tham gia của cộng đồng từ khâu tham gia, nghiên cứu lập quy hoạch đến quản lý khai thác sử dụng và giám sát thực hiện; tăng cường thanh tra xử lý các sai phạm.

GS. TSKH Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội:

Một trong những tiêu chí đánh giá đô thị xanh hay công trình xanh là phải có hệ thống cây xanh hoàn thiện

Hiện nay Bộ Xây dựng đang giao cho Hội Môi trường xây dựng Việt Nam hai dự án lớn là xây dựng chiến lược phát triển xây dựng xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 và xây dựng tiêu chí đánh giá công trình xanh. Nếu hai dự án này có kết quả tốt sẽ giúp cho sự phát triển đô thị Việt Nam tốt hơn. Mặt khác, Bộ Xây dựng đã ra những hướng dẫn về quy hoạch, quản lí cây xanh đô thị nhưng khi duyệt các dự án, chính Bộ lại ít coi trọng việc đảm bảo các tiêu chuẩn cây xanh đô thị. Vì thế Bộ cần phải thực hiện đúng những quy định của mình.

Bà Tôn Minh Hương (Thanh Trì, Hà Nội):

Người dân nào cũng mong muốn những con đường rợp bóng mát cây xanh

Khi còn nhỏ, tôi sống trên phố Hàng Bông. Hàng ngày lũ trẻ con chúng tôi kéo nhau ra phố Điện Biên Phủ gần đó để nhặt búp đa để chơi và nhặt quả đa để ăn. Khi ấy Hà Nội thật đẹp và bình yên với những hàng cây đầy bóng mát. Bây giờ chúng tôi cũng chỉ mong muốn con đường nào mới mở của Hà Nội cũng nhiều cây như đường Điện Biên Phủ.

Hà Nội có nhiều loại cây là thế, có những con phố nhiều cây xanh là thế, nhưng theo số liệu thống kê năm 2001, diện tích cây xanh công cộng tại Hà Nội (ai cũng có thể tiếp cận được, hưởng thụ chung như vườn hoa, công viên, đường phố) chỉ là 2,4 m2/người. GS. TSKH Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng tỉ lệ này quá thấp so với tiêu chuẩn phải đạt là khoảng 7-10m2/người.


“Ở các nước khác tỉ lệ cây xanh trên đầu người rất lớn. Theo số liệu năm 2001, Pari là 10m2/người, Mátxcơva là 26m2/người, Washington là 40m2/người. Ngay tại Việt Nam, TP.HCM cũng có tỉ lệ cao hơn Hà Nội, ở mức 3,3m2/người”, ông Đăng nói. Đồng tình với quan điểm này, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho rằng, mục tiêu quy hoạch cây xanh đô thị Hà Nội được Thủ tướng phê duyệt năm 1998 là 7m2/người nhưng tới nay tỉ lệ này còn quá thấp. Một phần nguyên nhân khiến cho tỉ lệ cây xanh Hà Nội thấp như vậy là do dân số Hà Nội tăng quá nhanh, trong khi số cây trồng mới không nhiều, số vườn hoa, công viên bao năm nay hầu như vẫn vậy.


Tỉ lệ cây xanh đô thị thấp dẫn đến rất nhiều hệ lụy về môi trường sống, cũng như sức khỏe của con người. Theo một tài liệu nghiên cứu của Nhật Bản, mỗi người dân đô thị cần diện tích khoảng 10m2 cây xanh hoặc 25m2 thảm cỏ để bảo đảm không khí tốt nhất cho cuộc sống. So sánh với diện tích cây xanh Hà Nội hiện nay có thể thấy người dân thủ đô, đặc biệt khu vực vùng ven ít cây xanh đang phải sống trong bầu không khí ô nhiễm như thế nào.


Ngột ngạt trên những con đường mới


Nếu như ở khu vực nội thành, đặc biệt là các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, cây xanh gần như phủ kín đường phố thì tại những con đường mới mở ở xa trung tâm, người dân lại phải sống trong cảnh ngột ngạt vì thiếu cây xanh. Đường Xã Đàn nằm ngay trung tâm Hà Nội, được mệnh danh là con đường đắt nhất hành tinh, mặt cắt ngang đường rất rộng, hai bên đường san sát nhà cửa, văn phòng, ngân hàng nhưng lại không hề được quy hoạch trồng cây xanh. Một vài cây được trồng trên phố theo kiểu ngẫu hứng, không theo quy hoạch nào.


Lí giải thực tế này, anh Nguyễn Trung Kiên, Phó khoa Quản lí đô thị, Học viện Cán bộ quản lí xây dựng và đô thị cho rằng: Do chi phí giải phóng mặt bằng cao, đường mới mở còn không có vỉa hè cho người đi bộ, chưa nói đến những công trình kĩ thuật, cây xanh trên đó.


Theo GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng:“Cây xanh có vai trò rất lớn trong việc điều hòa khí hậu. Khi gió thổi không khí xuyên qua cây xanh, hàm lượng bụi trong không khí sẽ được các lá cây giữ lại phần lớn làm cho không khí trong sạch hơn. Tổng lượng bụi được bám giữ trên một cây có tán lá lớn, rậm có thể đạt tới 10-30 kg. Nồng độ bụi trong không khí thổi qua cây xanh có thể giảm từ 20 - 60%”.


Chính vì cây xanh có vai trò lớn như vậy nên dễ dàng cảm nhận sự khác biệt giữa những con đường có nhiều cây xanh và những con đường không có hoặc có ít cây xanh. Trên những trục đường hướng tâm, đường vành đai như Giải Phóng, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển… người đi đường luôn phải khổ sở “vật lộn” với khói và bụi bởi đường thì lớn mà lại rất ít cây. Những ngày hè nắng nóng 40 độ C, đi trên những con đường này không khác gì qua sa mạc bởi đường không một bóng cây.

Không phải cứ thích là trồng


Đã từng có thời kì, thành phố thả lỏng cho các gia đình mặt phố được tự do trồng cây che mát trước cửa. Lúc đó đa phần mọi người trồng cây dâu da xoan. Chỉ một hai năm, cây đã xòe bóng mát, lại có quả ăn chơi. Các hộ dân chỉ nghĩ đơn giản trồng loại nào nhanh lớn, rẻ tiền. Song những cây này thường không cho nhiều bóng mát do tán không cao, thân giòn dễ gẫy, hoa cũng không đẹp nên không có nhiều tác dụng khi trồng ở đô thị.


Theo GS Đăng, sau năm 1954, chúng ta đã chú trọng phát triển cây xanh ở Hà Nội nhưng việc nghiên cứu, chọn loài cũng như bố trí cây xanh thiếu tính thẩm mỹ, tính hệ thống. “Theo nghiên cứu năm 2000, nhiều đường phố có tới 15-18 loài cây. Không biết đặc trưng của phố đó là loại cây gì. Việc trồng cây rất lộn xộn, không theo ý tưởng”, ông Đăng nói.


Cây trồng trên đường phố cần phải đáp ứng những tiêu chí riêng như: Thân phải thẳng, nhiều bóng mát, hoa quả khi rụng không kéo theo ruồi muỗi gây mất vệ sinh đô thị, rễ không bò ngang làm hỏng vỉa hè… Nếu so sánh quy hoạch cây xanh của Hà Nội bây giờ với quy hoạch của người Pháp thì thấy chúng ta còn nhiều hạn chế. Từ cả thế kỉ trước, người Pháp đã quy hoạch rất tỉ mỉ, chi tiết. Quy hoạch đến đâu thì trồng cây đến đó. Và sự quy hoạch ấy lại phải dựa trên những nghiên cứu khoa học.


Xuất phát từ thực tế: Phía bắc Hà Nội cao hơn nhiều so với phía nam, phía nam thậm chí còn thấp hơn cả đáy sông Hồng. Vì thế mà phía nam thành phố người ta không trồng cây xà cừ vì đất trũng, thường ngập nước sẽ làm thối rễ dẫn tới bật gốc xà cừ. Trong khi phố Tràng Tiền lại không được trồng cây xanh là do ý đồ của người quy hoạch tạo tầm nhìn từ hồ Gươm đến Nhà hát Lớn thành phố. Nhờ thế mà hiện nay, du khách đứng từ đầu đường Đinh Tiên Hoàng phía Bờ Hồ vẫn có thể thấy thấp thoáng bóng dáng Nhà hát Lớn cổ kính, tráng lệ.


Hoàng Dương

Quy hoạch hệ thống cây xanh và hồ Hà Nội
Quy hoạch hệ thống cây xanh và hồ Hà Nội

UBND thành phố yêu cầu Sở Xây dựng và đơn vị tư vấn nghiên cứu kỹ hệ thống công viên, vườn hoa, cây xanh và hồ, phạm vi nghiên cứu là đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái, sự kết nối với hành lang xanh, vành đai xanh và các khu vực khác trên toàn thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN