Các di sản xét cho cùng là xuất phát từ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân và mang đặc thù riêng của mỗi vùng miền. Vì thế chỉ có địa phương mới am hiểu rõ nhất và có cách cư xử với nó một cách chuẩn nhất về di sản của mình. Tuy nhiên không phải địa phương nào cũng giữ được vai trò chủ đạo trong gìn giữ các di sản văn hóa của chính địa phương mình .
Sự tham gia của nhà nước vào các hoạt động bảo tồn di tích, các hoạt động lễ hội truyền thống là cần thiết để đưa vào nền nếp hoạt động. Tuy nhiên, xu hướng “thương mại hóa di sản” và việc phát triển “du lịch di sản” đôi khi đã làm mất đi vai trò của người dân địa phương trong bảo tồn di sản của họ.
Chẳng hạn Lễ hội đền Hùng, hiện nay vai trò tổ chức hội đền Hùng theo truyền thống của làng sở tại ( Vi, Trẹo và Cổ Tích) đã được thay thế thành Quốc lễ. Sự thay thế này cùng với việc thành lập Ban Quản lý di tích đã làm cho đền Hùng không còn là di sản văn hóa của riêng cộng đồng các làng Cổ Tích, Vi, Trẹo. Nó dẫn đến việc suy giảm vai trò chủ động tham gia của các cộng đồng địa phương vào lễ hội trên các mặt tổ chức, thực hiện lễ hội, quản lý và tu bổ các cơ sở thờ tự. Người dân 3 làng địa phương chỉ còn được tham gia vào các hoạt động chuẩn bị lễ hội một cách bị động theo sự chỉ đạo từ trên.
Hệ quả của mô hình tổ chức lễ hội kiểu này, theo ông Nguyễn Tiến Khôi- nguyên Giám đốc Khu Di tích lịch sử đền Hùng: “Ngày xưa người ta tự giác vì đó là phong trào… Bây giờ mỗi xã đòi 5 triệu đồng thì mới tham gia”.
Hay như việc trùng tu tháp Bà (Khánh Hòa), việc trùng tu, tôn tạo và quy hoạch đã đưa tháp Bà từ một phế tích (trước năm 1975) trở thành một di sản văn hóa. Theo những người quản lý di tích này thì công tác trùng tu, tôn tạo giữ được cái cũ chứ không hề làm cho mới di tích, không làm mất đi giá trị gốc của di tích. Tuy nhiên, việc trùng tu được thực hiện dưới sự chỉ đạo của các chuyên gia đến từ Thừa Thiên – Huế mà không có sự tham gia của các nghệ nhân địa phương hay chuyên gia am hiểu nghệ thuật, kiến trúc người Chăm nên đã làm biến dạng hoặc mất đi một số giá trị nghệ thuật và tôn giáo của di sản.
Ông Trần Ý Hòa, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ tháp Bà cho biết, việc ốp thêm gạch để gia cố tháp Ông trong cụm di tích đã biến một tháp nhọn là biểu tượng của Linga (một trong hai vật thờ thiêng của người Chăm) trở thành tháp hình củ hành, “trông như mũ bảo hiểm”. Hay việc dùng xi măng trát phẳng các hốc lõm trên tường tháp, được tin là nơi trú ngụ của các vị thần Hindu giáo đã làm mất ý nghĩa tôn giáo sau khi trùng tu.
Với các loại hình di sản đang trong danh sách cần bảo tồn thì vai trò quản lý của nhà nước là rất quan trọng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện và nội dung bảo tồn các di sản cần phải có sự tham gia trực tiếp của chính người dân địa phương vì họ mới là người hiểu về di sản của địa phương mình.
Một bằng chứng rõ nhất là trong số hàng trăm các di sản hầu hết đang bị coi là đã mai một đi giá trị nguyên bản thì Hội Gióng ở đền Phù Đổng vẫn được UNESCO đánh giá là có sức sống mãnh liệt. Có lẽ lý do chính là vì cho đến thời điểm hiện tại, Hội Gióng vẫn là mô hình quản lý mang tính cộng đồng cao. Lễ hội hằng năm vẫn được tổ chức bởi Ban Quản lý di tích lịch sử xã Phù Đổng, với sự tham gia trực tiếp của các cụ bô lão ở địa phương có am hiểu về lễ hội truyền thống. Mô hình quản lý này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia tích cực của tất cả các thành viên trong cộng đồng địa phương.
Sự tham gia của toàn bộ cộng đồng vào việc tổ chức lễ hội theo Malinowski (1954): Nó đã “tạo ra không khí của niềm tin thuần nhất” vào vị thánh được thờ cúng. Ở lễ hội này lãnh đạo xã và cán bộ ban ngành chỉ tham gia với tư cách chỉ đạo, hướng dẫn, vận động. Còn hội thì được tổ chức theo những nghi lễ chặt chẽ được ghi trong sổ Hội lệ. Ông Đinh Văn Tỉnh, Ban Quản lý lễ hội đã khẳng định: “ Vì sao lễ hội ở đây tồn tại? Đó là vì cộng đồng duy trì nó”.
Tuy nhiên trong một tương lai gần, mong muốn đó của người dân sẽ khó duy trì được sau khi Hội Gióng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tạ Nguyên- Thu Trang