Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương: Sau khi đi vào Biển Đông, đến 10 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão Haiyan (Hải Yến) ở vào khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Trung Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, cấp 15 (tức là từ 150 đến 183 km một giờ), giật trên cấp 17.Vị trí và đường đi của cơn bão. Ảnh: nchmf.gov.vn |
Hồi 10 giờ ngày 8/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,2 độ Vĩ Bắc; 123,7 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh trên cấp 17 (tức là trên 221 km một giờ), giật trên cấp 17.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 35km. Như vậy khoảng chiều tối 8/11, bão sẽ đi vào Biển Đông. Đến 10 giờ ngày 9/11, vị trí tâm bão cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 190km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, cấp 17 (tức là từ 184 đến 221 km một giờ), giật trên cấp 17.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển nhanh theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30 - 35km. Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30km.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ chiều 8/11, vùng biển phía Đông Biển Đông gió sẽ mạnh dần lên cấp 9 - 11, sau tăng lên cấp 13, cấp 14, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 16, cấp 17, giật trên cấp 17. Biển động dữ dội.
Từ ngày 10/11, do ảnh hưởng mưa của cơn bão số 13 trên các sông từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện một đợt lũ.
Theo Ban Chỉ đạo PCLBTW - Ủy ban Quốc gia TKCN: Để chủ động đối phó với siêu bão Hải Yến, ngày 7/11, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1816 gửi các Bộ ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Cà Mau để chỉ đạo công tác đối phó với bão.
Ban Chỉ đạo PCLBTW - Ủy ban Quốc gia TKCN đã có Công điện số 88 và công điện số 89 chỉ đạo công tác chuẩn bị ứng phó với bão và mưa, lũ; đồng thời thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, gọi điện đôn đốc các tỉnh thực hiện nghiêm túc các công điện của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo PCLBTW.
Bộ Ngoại giao tiếp tục gửi công hàm tới Đại sứ quán các nước: Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia và Đại sứ quán Việt Nam tại các nước để tạo điều kiện thuận lợi cho các ngư dân, tàu, thuyền của Việt Nam tránh trú và hỗ trợ trong trường hợp bị nạn, gặp sự cố.
Các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Cà Mau đã triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo PCLBTW - Ủy ban Quốc gia TKCN về công tác kêu gọi, kiểm đếm tàu thuyền trên biển và ứng phó với mưa, lũ. Trong đó Thái Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Sóc Trăng, Bình Dương, Cần Thơ đã có công điện chỉ đạo các địa phương triển khai và báo cáo nhanh công tác chuẩn bị ứng phó với bão, mưa, lũ.
Cơ quan thường trực Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết: Biên phòng các tỉnh, thành tuyến biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang đã phối hợp với gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, hướng dẫn cho 85.249 phương tiện/385.392 người biết hướng đi của bão để chủ động di chuyển phòng tránh,
Theo tổng hợp từ báo cáo của các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Định, có 110 hồ chứa có hiện trạng yếu cần lưu ý về an toàn trong mùa mưa bão, trong đó nhiều hồ có đập bị thấm mạnh, tràn xả lũ bị vỡ lở xuống cấp như hồ Đồng Bể (Thanh Hoá), Khe Sặt, Thanh Thủy (Nghệ An), Đập Họ, Vực Rồng (Hà Tĩnh), Tôn Dung, Đá Bàn (Quảng Ngãi); Kim Sơn, Mỹ Đức, Hội Khánh (Bình Định).
Các tỉnh Tây Nguyên và Tổng công ty Cà phê có 51 hồ chứa có hiện trạng yếu, trong đó nhiều hồ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão, như Đắk Hnia, Đắk Hniêng (Kon Tum), Đội 4, Hà Tam (Gia Lai), Đội 14 (Đắk Lắk), Thôn 2 (Lâm Đồng).
Các hồ chứa thuộc các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam hiện đã đầy, một số hồ đang tràn hoặc xả tràn là Sông Mực 120% (Thanh Hóa), Vệ Vừng 103%, Khe Đá 105%, Hòa Mỹ 108% (Thừa Thiên Huế), Hòa Trung 102% (Đà Nẵng), Khe Tân 107%, Thạch Bàn 106% (Quảng Nam). Các hồ chứa thuộc các tỉnh từ Quảng Ngãi, Bình Định hiện đang duy trì ở mức khoảng 50% - 60% dung tích trữ thiết kế. Hồ chứa thuộc các tỉnh Tây Nguyên hầu hết đã đầy nước, các hồ đang tràn hoặc xả tràn gồm Đắk Uy (Kon Tum), Biển Hồ (Gia Lai), Ea Kao (Đắk Lắk), Đạ Tẻ, Tuyên Lâm, Đạ Hàm (Lâm Đồng).
Các hồ thủy điện lớn trong khu vực đang hoạt động bình thường. Tính đến 5h ngày 8/11 đã có 15 hồ thủy điện xả tràn, trong đó có 8 hồ xả tràn với lưu lượng từ 500-4.400m3/s. Cụ thể: Thuỷ điện Bình Điền: 901m3/s (Lưu lượng xả giảm 51m3/s so với lúc 22h); Hương Điền: 1.114m3/s (xả giảm 1.165m3/s), Sông Ba Hạ: 4.400m3/s (xả tăng thêm 4.200m3/s); Yaly: 1.149m3/s (xả tăng thêm 29m3/s), Đắk Mi 4A: 346m3/s, Sê San 3: 1.044m3/s (tăng thêm 94m3/s); Sê San 4: 1.627m3/s (xả tăng thêm 180m3/s); Plei Krông: 546m3/s (xả giảm 57m3/s).
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gây mưa to và lốc xoáy cục bộ đã làm 1 người chết và 1 người mất tích. Nhà bị sập 6 cái (Quảng Ngãi 4, Đồng Tháp 2); nhà bị tốc mái, hư hỏng 134 cái (Quảng Trị 33, Quảng Ngãi 61, Lâm Đồng 40). Trụ sở cơ quan, bệnh viện bị ngập, tốc mái, hư hỏng 2 cái (Ninh Thuận 1, Phú Yên 1). Cây nông nghiệp bị ngập úng, ngã đổ 260ha (Bình Thuận 235, Lâm Đồng 25).
Văn Hào