Đây là dịp để các đại biểu, giáo viên mầm non, bảo mẫu, người lao động và tổ chức Công đoàn Thành phố trao đổi, thảo luận tìm giải pháp tốt nhất người lao động, giáo viên, bảo mẫu mầm non; đề xuất cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ông Trần Cộng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Quận 7, qua khảo sát, thu thập, lấy ý kiến về nhu cầu gửi con ngoài giờ trong công nhân viên chức lao động cho thấy, tỷ lệ công nhân, người lao động tăng ca, làm thêm ngoài giờ chiếm 42,8% nên có nhu cầu giữ trẻ.
Về thời gian công nhân, người lao động có nhu cầu gửi con ngoài giờ, khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ cao nhất là dịp hè, sau đó là ngày thứ Bảy, ngày Chủ nhật và gửi ngoài giờ hành chính từ 17 giờ 30 phút đến 19 giờ. Khảo sát cũng cho thấy chi phí nhận giữ trẻ ngoài giờ hành chính từ 17 giờ 30 phút đến 19 giờ được xác định tăng dần; phát sinh khi có nhu cầu và tăng cao vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật.
Cùng quan điểm, bà Huỳnh Thị Ngọc Liên, Trưởng Ban nữ Công Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thực tế hiện nay, các trường mầm non công lập khó đáp ứng được nhu cầu gửi con của công nhân.
“Do công nhân thường phải tăng ca đến khoảng 19 - 20 giờ hằng ngày, trong khi đó các trường công lập không thể đáp ứng việc giữ trẻ vào khung giờ này vì vượt quá khung giờ Luật Lao động quy định, không thể thực hiện do không có cơ chế. Thời gian ngoài giờ đến 17 giờ 30 phút, cũng có khi không phù hợp vì có thể công nhân tăng ca muộn hơn, thường là tăng ca từ 18 giờ 30 phút đến 22 giờ hoặc cả buổi tối”, bà Liên chia sẻ.
Để giải quyết bài toán này, nhiều phụ huynh cho biết, gửi nhóm trẻ gia đình, gửi cho người quen biết; gửi ngày nào trả tiền ngày đó tiện hơn so với cho con học cô định tại trường công lập vì thuận tiện đưa, đón, chủ động hơn giờ giấc, nếu có việc gấp cần gửi trẻ để đi công việc trong thời gian vài giờ...
Khảo sát đối với giáo viên mầm non công lập, ông Hà Thanh Hải, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 7 cho biết, họ thường rất thiệt thòi do bởi phải có mặt tại trường từ trước 6 giờ 30 phút để lau dọn, sắp xếp chuẩn bị đón trẻ. Buổi chiều, các giáo viên mầm non, bảo mẫu thường về muộn hơn 17 giờ 30 phút do phải chờ công nhân, người lao động tan tầm đến đón các trẻ.
“Vì thế, việc giữ trẻ sau 18 giờ khó có thể thực hiện do cô giáo khó có thể đảm bảo sức khỏe để chăm trẻ tốt. Trong khi hầu hết công nhân thường kết thúc công việc lúc 18 giờ, thậm chí phải tăng ca đến 20 giờ”, ông Hải chia sẻ.
Qua lấy ý kiến và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, mức thù lao chi ngoài giờ hiện nay chỉ từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng/giờ cho giáo viên giữ trẻ thêm ngoài giờ hành chính là quá thấp; nhiều giáo viên, bảo mẫu đã có gia đình nên không "mặn mà" với việc đăng ký giữ trẻ ngoài giờ hành chính.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu cũng kiến nghị Thành phố có chủ trương và hướng dẫn về việc sử dụng tài sản công trong việc giữ trẻ ngoài giờ; đồng thời đề xuất cho phép địa phương ký hợp đồng với sinh viên năm thứ 4 Đại học sư phạm Mầm non giữ trẻ ngoài giờ ngày thứ Bảy...