Để ứng phó với mưa lớn do bão số 8 (đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới), tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các công ty thủy lợi chủ động vận hành các công trình nhằm chủ động tiêu nước đệm đề phòng ngập úng khi có mưa lớn; điều tiết sớm hạ thấp mực nước một số hồ chứa lớn để đón lũ; chuẩn bị sẵn sàng với phương án di dời dân với 4 kịch bản, trong đó kịch bản cao nhất là di dời 45.050 hộ với 155.803 người.
Các địa phương, đơn vị và người dân trên địa bàn cũng chủ động phương án trong việc bảo vệ công trình hồ đập, công trình đang thi công, lồng bè thủy hải sản, cây ăn quả có múi…
Tại buổi làm việc, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Lê Minh Hoan đánh giá cao tinh thần chủ động ứng phó thiên tai của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân Hà Tĩnh. Trong bối cảnh thời tiết tiếp tục có những diễn biến bất thường, tỉnh cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả và gắn kết chặt chẽ các giải pháp công trình và giải pháp phi công trình, chú ý nâng cao năng lực ứng phó của cộng đồng, nhằm thích ứng với điều kiện thời tiết mới. Cùng với đó, địa phương cần tiếp tục dành sự quan tâm, ưu tiên đến nhiệm vụ đảm bảo an toàn hồ chứa, hệ thống đê sông, đê biển.
Cùng ngày, đoàn công tác đã đi kiểm tra các công trình đê biển Xuân Hội, Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Cửa Hội - Xuân Phổ và cảng cá Xuân Hội (Nghi Xuân), hệ thống đê biển Lộc Hà, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Cửa Sót (Lộc Hà); kiểm tra hồ Bộc Nguyên (Thạch Hà) và khu thấp trũng, nhà cộng đồng tránh trú bão xã Cẩm Thành, hạ du hồ Kẻ Gỗ (Cẩm Xuyên) và tham quan các mô hình xây dựng nông thôn mới tại huyện Vũ Quang.
Do ảnh hưởng của bão số 8, tại một số địa phương của tỉnh Hà Tĩnh đã có những thiệt hại, cụ thể như: hư hỏng đê chắn sóng và sạt lở bờ biển tại xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh; sạt lở nghiêm trọng tại 2 điểm trên Quốc lộ 8A, địa phận huyện Hương Sơn; sạt lở bờ hói Gát (đổ ra sông Nghèn, thuộc địa phận huyện Can Lộc)…