Bắc Ninh: Huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Với mục tiêu đến năm 2015, toàn tỉnh sẽ có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), cao gấp 2 lần mục tiêu chung của cả nước, Bắc Ninh đang khẩn trương triển khai kế hoạch xây dựng NTM và coi đây là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị và người dân.

Năm 2011, Bắc Ninh dành khoảng 200 tỷ đồng xây dựng hệ thống hạ tầng các xã điểm xây dựng NTM. Trên cơ sở đánh giá thực trạng và kết quả rà soát 100% số xã theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, Bắc Ninh có 63 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí, 28 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, 2 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, dưới 5 tiêu chí chỉ còn 7 xã. Năm 2011, tỉnh thực hiện thí điểm xây dựng NTM tại 8 xã của 8 huyện, thị xã, thành phố là Đông Thọ (Yên Phong), Tân Chi (Tiên Du), Phượng Mao (Quế Võ), An Bình (Thuận Thành), Trung Kênh (Lương Tài), Khắc Niệm (TP Bắc Ninh), Tương Giang (Từ Sơn) và Bình Dương (Gia Bình). Hiện các xã này đều đạt từ 13 - 15/19 tiêu chí.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Bắc Ninh xây dựng Đề án xây dựng NTM mới theo Chương trình mục tiêu quốc gia đến năm 2015 với tổng số 100 xã trên địa bàn. Dựa trên điều kiện của địa phương về tình hình kinh tế - xã hội, các xã nhìn chung có mức thu nhập tương đối khá, đạt bình quân 1.500 - 2.000 USD/người/năm, chủ yếu từ làng nghề, các khu công nghiệp. Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi cũng được thực hiện khá tốt. Cùng với thế mạnh là 1 trong 13 tỉnh tự chủ về ngân sách, Bắc Ninh còn có đội ngũ cán bộ từ tỉnh xuống cơ sở nhiệt tình, quyết tâm cao. Đến năm 2015, tỉnh phấn đấu 50% số xã đạt chuẩn NTM”.

Mặc dù có nhiều thuận lợi trong công cuộc xây dựng NTM, song Bắc Ninh cũng xác định trước những khó khăn bởi việc phát triển kinh tế - xã hội ở các xã trên địa bàn không đồng đều. Ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Phượng Mao, huyện Quế Võ, cho biết, khó khăn lớn nhất đối với các xã hiện nay là công tác lập quy hoạch. Bộ tiêu chí quy định một số tiêu chí mà hiện trạng nông thôn hiện nay khó đáp ứng được, ví dụ như hệ thống đường giao thông nông thôn phải rộng 5 m, nhưng thực tế, hiện trạng đường nông thôn chỉ có 3 m. Nếu thực hiện theo quy định thì phải giải tỏa, trong khi việc giải phóng mặt bằng rất khó khăn. Nguồn vốn để xây dựng NTM ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, địa phương cũng cần có vốn đối ứng, với những hạng mục cần đối ứng 50% các địa phương vô cùng trăn trở. Để vận động nhân dân đóng góp 50% nhằm hoàn thiện công trình là một vấn đề hết sức khó khăn. Ngoài ra, công tác quy hoạch còn liên quan đến giải phóng mặt bằng, việc thu hồi đền bù và giải phóng mặt bằng rất nan giải trong khi Nhà nước chỉ hỗ trợ cho giá trị công trình xây dựng mà không hỗ trợ tiền đền bù.

Ông Nguyễn Văn Hồng cho biết thêm: Trước mắt ngân sách tỉnh sẽ ưu tiên cho 8 xã điểm, trình tự thủ tục cơ quan nhà nước sẽ rút ngắn thời gian thẩm định. Ngoài ra, các sở liên ngành đề xuất cơ chế đặc thù để thực hiện. Đặc biệt, đối với những địa phương hệ thống hạ tầng còn thiếu đồng bộ, cần chú trọng vận động nhân dân tham gia đóng góp xây dựng.

Để hoàn thành mục tiêu phấn đấu hết năm 2011, cơ bản 8 xã điểm xây dựng NTM của tỉnh trở thành xã NTM, tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các đơn vị tập trung cho các tiêu chí chưa đạt chuẩn. Bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực của địa phương, tỉnh Bắc Ninh mong muốn Nhà nước tạo mọi nguồn vốn, tăng tỷ lệ điều tiết vốn thu được từ các dự án đấu giá đất để địa phương triển khai thi công các công trình góp phần hoàn thành chương trình xây dựng NTM theo đúng kế hoạch đề ra.

Thái Hùng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN