Đã có những mô hình cải tạo môi trường hồ thành công tại Hà Nội mà không tốn kém quá nhiều kinh phí. Đó là câu chuyện cải tạo tại Ao Chéo, ao chùa Phổ Linh (Tây Hồ, Hà Nội) và hồ Đền Lừ với sự tham gia của các tổ chức cộng đồng.
Trả lại màu xanh cho hồ Đền Lừ
Hồ Đền Lừ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) là một trong những hồ điều hòa lớn nằm ở phía Nam của Hà Nội. Cách đây vài năm, hồ Đền Lừ được nhắc đến như là nỗi “ám ảnh” của người dân, ai đi qua cũng phải bịt mũi vì mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Hồ được đấu thầu để nuôi thả cá và rác từ các hộ dân cộng với thức ăn chăn nuôi, cá chết, nước thải… nên nước hồ luôn trong tình trạng ô nhiễm.
Hồ Đền Lừ hiện tại đã giảm ô nhiễm rất nhiều so với trước đây. |
Tuy nhiên, hiện nay, hồ Đền Lừ đã mang diện mạo khác hẳn. Hàng ngày nơi đây trở thành không gian công cộng, tập thể dục của người dân. Có được những đổi thay đó là sự nỗ lực của cả cộng đồng xung quanh hồ. Bà Đinh Thị Ngát, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, từ năm 2009, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cùng các đơn vị thực hiện “cứu hồ” bằng cách nạo vét, kè bờ, tách nước thải, dừng nuôi thả cá và ứng dụng công nghệ xử lý ô nhiễm nước. Chất lượng nước được cải thiện đáng kể, trong hơn, không còn mùi hôi thối và góp phần tạo cảnh quan đô thị. Nhưng để hồ giữ được chất lượng nước sau cải tạo mới là điều đáng bàn.
Xung quanh hồ có nhiều hàng quán bán hàng, nhiều người dân không ý thức vứt rác xuống làm nước hồ ô nhiễm trở lại. Do vậy, 30 tình nguyện viên của hội phụ nữ phường đã phát động phong trào, huy động người dân tham gia, giám sát, nhắc nhở người dân không vứt rác bừa bãi. Đồng thời bố trí thêm các thùng rác quanh hồ và giao cho từng hộ quản lý khuôn viên hồ trước cửa nhà mình. Hàng tuần, hội đều ra quân tổ chức vệ sinh, làm sạch quanh hồ, tạo dựng thói quen cho cộng đồng sống quanh hồ về ý thức tự giác bảo vệ hồ. Những hoạt động này của hội phụ nữ được nhiều người dân ủng hộ và tham gia cùng.
Hồi sinh ao chùa Phổ Linh
Ao Chéo, ao chùa Phổ Linh là hai ao nằm trong quần thể ao khu vực chùa Phổ Linh (quận Tây hồ, Hà Nội). Trước năm 2010, hai ao này phải đối mặt với với tình trạng bị lấn chiếm bởi việc đổ rác thải, vật liệu xây dựng. Đặc biệt ao Chéo phải nhận chất thải từ các hộ chăn nuôi lợn. Vì vậy hai ao này luôn trong trạng thái ô nhiễm, tù túng, tạo một cảnh quan xấu và bức xúc cho cộng đồng.
Từ năm 2012, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) cùng với Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hợp tác xã phường Quảng An xây dựng mô hình cải thiện cảnh quan và chất lượng của hai ao với sự tham gia của cộng đồng. Hồ, ao được nạo vét bùn lắng, cải tạo bờ, kè bờ sinh thái, thực hiện các hoạt động làm sạch, trồng cây thủy sinh... Kết quả là các chuồng lợn tại Ao Chéo được di dời. Các hoạt động làm sạch, nạo vét, vén rác và các vật liệu ven bờ của ao Chéo và ao Chùa Phổ Linh được thực hiện trả lại không gian thoáng, sạch cho hai khu vực ao này. Xung quanh ao, người dân dựng hàng rào tre sinh thái, đơn giản nhưng vừa đẹp mắt vừa bảo vệ được ao. Khu vực bờ ven ao dẫn vào khuôn viên chùa Phổ Linh được cải thiện thành một vườn hoa, cây cảnh nhỏ rất đẹp. Các loại thủy sinh như sen, súng được trồng để tạo thêm cảnh quan và một số bè thủy trúc được trồng nhằm cải góp phần cải thiện chất lượng nước. Nhờ những nỗ lực thường xuyên đó mà hồ giữ được hiện trạng như sau khi cải tạo, chất lượng nước hồ dần được khôi phục.
Qua hai câu chuyện trên, có thể thấy để làm sống lại các ao, hồ, kênh mương, sông rạch nhỏ, dù là ở cấp độ lớn hay nhỏ, đều cần thực hiện tổng thể, kết hợp giữa biện pháp công trình (nạo vét, khơi dòng, kè bờ), bảo tồn chất lượng nước (dùng cây thủy sinh) với sự tham gia của cộng đồng vào cải tạo bờ.
Các chuyên gia môi trường nhấn mạnh, thời gian tới, cần thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng và người dân cùng các tổ chức khoa học công nghệ, chính quyền tham gia từng bước cải thiện những ao hồ nhỏ. Đồng thời Nhà nước cần mạnh dạn đầu tư cho các công trình hạ tầng kết hợp bảo tồn để giải quyết ô nhiễm ao, hồ, sông nhỏ, coi đó là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế. Với cách kết hợp trên trong vòng 30 năm nữa diện mạo hệ thống nước mặt của chúng ta sẽ thay đổi.
Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng cho biết, cần phải coi công tác cải thiện hệ thống thủy vực nhỏ là một lĩnh vực đầu tư của tài chính nhà nước, vừa đóng góp vào bức tranh kinh tế vĩ mô vừa bảo tồn, bảo vệ hệ sinh thái bền vững. “Chừng nào chưa coi đây là một lĩnh vực đầu tư quan trọng, có nhiều tiềm năng đột phá, chừng đó hệ thống sông hồ nhỏ sẽ càng ngày càng xuống cấp. Các hệ lụy về sức khỏe sẽ làm tiêu tốn tài lực quốc gia và làm giảm hiệu quả về kinh tế xã hội”, bà Lý nhấn mạnh. |