70% sinh viên tốt nghiệp chưa trang bị tốt về chuyên môn

Đây là thông tin được ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đóc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh đưa ra tại hội thảo “Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi ra tốt nghiệp” được tổ chức chiều 10/1 tại trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh.

Qua khảo sát về nhu cầu chọn ngành nghề của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh, hàng năm tại 120 trường THPT trên địa bàn thành phố ở thời điểm từ năm 2016-2017-2018 cho thấy, nhu cầu học bậc Đại học vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất 87,00%, bậc Cao đẳng 7,00% và bậc Trung cấp chiếm 6,00%.

Tuy nhiên, dự báo nhu cầu nhân lực TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2018 – 2025 cho thấy nhu cầu nhân lực tại TP Hồ Chí Minh mỗi năm có khoảng 300.000 chỗ làm việc (150.000 chỗ làm việc tăng thêm). Nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm bình quân 85%, trong đó nhu cầu nhân lực có sơ cấp nghề chiếm tỷ lệ 21%, trình độ trung cấp chiếm tỉ lệ 28%, trình độ cao đẳng chiếm 16%, trình độ đại học trở lên chiếm 18%.

Chú thích ảnh
Cần có sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong quá trình đào tạo

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, công tác giải quyết việc làm cho người lao động đã trở thành một chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Bình quân mỗi năm, thành phố giải quyết trên 300.000 việc làm, tạo thêm 135.000 việc làm mới và giảm tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 3,8%. Riêng đối với công tác giải quyết việc làm cho sinh viên và nâng cao chất lượng đào tạo các trường đại học, cao đẳng, thành phố cũng đạt được những kết quả tích cực. Hiện đã có 10 trường đại học được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế, 21 trường đại học, cao đẳng đạt tiêu chuẩn giáo dục và hơn 700 sinh viên các nước Châu Á đang học tập tại thành phố. Số sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng tại thành phố đạt 72,3%.

Chú thích ảnh
Cần hình thành một hệ sinh thái thị trường lao động hiệu quả, đó là: chính quyền - nhà trường - doanh nghiệp và sinh viên.

Ngoài ra, thành phố đã thành lập Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học với 46 trường đại học thành viên, gồm 6 khối ngành; xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh, với 372.000 doanh nghiệp, cùng với tổng số sinh viên hiện tại trên địa bàn thành phố đã đạt gần con số 400.000. Đó là cơ sở quan trọng để phát huy nguồn lực giáo dục đại học, đồng thời thúc đẩy việc hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp trong việc đào tạo và giải quyết việc làm; qua đó, góp phần hoàn chỉnh thị trường lao động và tạo nhiều cơ hội hơn nữa cho các sinh viên tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố.

Các ý kiến cho rằng, phần lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm phù hợp và ổn định, do chưa định hướng đúng mức về nghề nghiệp – việc làm, vì một số sinh viên chọn ngành học chưa phù hợp năng lực, sở trường và xu hướng phát triển thị trường lao động. Mặt khác, các doanh nghiệp rất quan tâm tuyển chọn đối với sinh viên tốt nghiệp về kiến thức ngoại ngữ, khả năng hợp tác, kỹ năng làm việc, kỹ năng giao tiếp, những hiểu biết về môi trường văn hóa doanh nghiệp và tác phong làm việc công nghiệp.

Ông Trần Anh Tuấn cho hay, các doanh nghiệp rất cần đội ngũ nhân sự chất lượng cao, nhưng ngược lại nhiều sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng, đặc biệt phần kĩ năng. Nhìn nhận một cách thẳng thắn thì có đến 70% sinh viên tốt nghiệp chưa trang bị tốt về chuyên môn cũng như các kỹ năng mềm và trình độ ngoại ngữ. Ngoài vấn đề vừa nêu, một số ngành nghề cũng đang mất cân đối giữa các cấp đào tạo và nhu cầu tuyển dụng. Sự chênh lệch về thu nhập trong từng ngành nghề dẫn đến sự lựa chọn khác nhau trong nhu cầu tuyển dụng và tìm việc, cũng là một trong số nguyên nhân.

“Thực tế cho thấy, một trong những tồn tại, hạn chế chủ yếu của việc thất nghiệp hiện nay là do chúng ta chưa có một thị trường lao động hoàn chỉnh; sự biến đổi, vận hành không ngừng của nền kinh tế thị trường, dẫn đến nhu cầu nhân lực thay đổi; vẫn còn khoảng cách khá xa giữa kỹ năng được đào tạo và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp…” Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhìn nhận.

Để giải quyết “bài toán” sinh viên ra trường không tìm được việc làm, còn doanh nghiệp thì thiếu lao động nhiều ý kiến cho rằng cần phải có sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp. Theo ông Đinh Công Khải, khoa Quản lý nhà nước trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, đứng trước nhu cầu của nhà tuyển dụng, nhiều trường đã chủ động trong việc phát triển các chương trình đào tạo có liên kết với các doanh nghiệp nhằm tăng khả năng tìm được việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Về phía doanh nghiệp thì mục tiêu chính của việc liên kết là tìm nguồn tuyển dụng dồi dào hoặc đưa công nghệ của họ vào đào tạo cho sinh viên. “Tuy nhiên, sự liên kết này mới chỉ diễn ra ở một số cơ sở đào tạo và một số doanh nghiệp điển hình mà chưa được thực hiện rộng rãi” ông Khải chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Thành Phong cho rằng, Thành phố xác định giải quyết việc làm cho sinh viên là trách nhiệm của chính mình, do đó, thành phố cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để sớm hoàn chỉnh hệ sinh thái thị trường lao động, cũng như hỗ trợ các điều kiện cần thiết để tăng cường sự kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp, để giảm đến mức thấp nhất khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu của doanh nghiệp.

Đan Phương/Báo Tin tức
Phát động cuộc thi 'Giao thông học đường' lần thứ IV
Phát động cuộc thi 'Giao thông học đường' lần thứ IV

Ngày 10/1, tại Hà Nội, Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức phát động cuộc thi “Giao thông học đường” lần thứ IV năm học 2018-2019.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN