Nhân 60 năm ký kết Hiệp định Geneve 20/7/1954 - 20/7/2014:

60 năm - câu chuyện Hiền Lương

Tháng sáu năm ngoái, lúc đang theo một đợt thuốc mới để điều trị bệnh; nhà thơ, nhà báo Tân Linh vẫn quả quyết phải hoàn thành bằng được trường ca về cầu Hiền Lương, cây cầu quê hương anh. Một năm sau, “Hiền Lương bảy nhịp” của anh đã ra mắt bạn đọc, đúng vào dịp 60 năm đất nước chia cắt.


“Dọc vĩ tuyến mười bảy/Một Hiệp nghị chia đôi một dòng sông/Nhân loại hướng về Hiền Lương/Đất nước chia hai miền/Sông chia hai nửa/Sông chỉ một bờ/Con cá con tôm nào có chia lìa/Dòng nước hiền hòa bỗng dưng thành lưỡi dao oan nghiệt/Cắt đôi khúc ruột…”.

 

Nhịp một của trường ca “Hiền Lương bảy nhịp”, Tân Linh đã viết như thế. Đã 60 năm trôi qua, chiến tranh cũng đã qua mấy mươi năm. Nhưng Tân Linh nói rằng, anh không thể không viết về cây cầu lịch sử từng gắn với bao phận người trong suốt 21 năm chia cắt Bắc - Nam ấy.

 

Nhà thơ, nhà báo Tân Linh (người mặc áo đen) cùng đoàn tham quan thả hương hoa tưởng niệm các liệt sĩ ở Bến Tắt, một đoạn đầu nguồn sông Bến Hải (ảnh do nhân vật cung cấp).

 

Trường ca này được anh viết khi còn trên giường bệnh. Điều gì thôi thúc anh viết những câu thơ như rút từ gan ruột như vậy?


Ngày 20/7/1954 Hiệp định về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương (Hiệp định Geneve) được ký sau bao nhiêu bàn thảo thêm bớt phần lãnh thổ đất nước Việt Nam. Và từ ngày ấy, cầu Hiền Lương bị ngăn đôi, sông Bến Hải bị đóng cọc lim ngăn đôi, đất nước chia đôi hai miền.


Đó là một câu chuyện buồn và dài hai mươi mốt năm. Có một thời người ta muốn quên đi câu chuyện ấy, thậm chí người ta sợ nhắc đến hai từ chia ly. Phải thôi, đất nước này lịch sử có quá nhiều cuộc ly loạn và không ai muốn nhắc nhớ về nỗi đau. Nhưng sẽ đắc tội với cha ông, sẽ lỗi nặng với máu xương đất nước mình đã đổ 21 năm trong cuộc trường chinh vĩ đại của cả dân tộc "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước". Và bây giờ là lúc nên kể câu chuyện Hiền Lương nhân 60 năm cây cầu trở thành biểu tượng của sự chia cắt Bắc - Nam. Không được quên lịch sử, không ai và không điều gì có thể bị lãng quên.

 

Sinh ra bên dòng sông Bến Hải, ký ức của anh về Hiền Lương là gì?


Ngày bé tôi thường lên chân cầu ở bờ Bắc để theo chân những chiến sĩ biên phòng (thời đó gọi là công an vũ trang) bước chân lên cây cầu. Tuổi thơ tôi có một khát khao là được bước qua cái vạch sơn trắng phân chia cây cầu Hiền Lương thành hai nửa. Ngày ngày nghe các bài ca phát trên những chiếc loa máng những bài hát làm lòng người quặn thắt: Thuyền ơi có nhớ bến chăng/Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền/Nhắn ai luôn giữ câu nguyền/Trong cơn bão tố vẫn bền lòng sơn...


Đặc biệt là bài Xa khơi của Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ. Chao ôi! Giọng hát chị Tân Nhân răng mà hay đến muốn đứt ruột. Phải rồi, chị đã hát bằng trái tim người con gái miền Nam trên đất Bắc. Và chị đã hát với tất cả nỗi lòng mình khi người yêu chị đang ở bên kia giới tuyến...


Ám ảnh trong tôi những ngày nghỉ lễ hay Tết, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc trở về bên sông đứng trông sang bờ Nam, nơi có những người vợ, người chồng, người cha, người mẹ, người anh em mỏi mắt trông sang. Họ vẫy tay, vẫy nón chào nhau mà lòng quặn thắt.

 

Với trải nghiệm của mình, anh đã kể câu chuyện Hiền Lương như thế nào?


Hai mươi mốt năm, có nơi nào trên thế gian mà cuộc chia ly dài lâu đến thế. Xa cách và chờ đợi. Ngày dài hơn thế kỷ. Tôi kể câu chuyện Hiền Lương không phải để nhắc nỗi đau buồn dài lâu ấy mà chính là để nhắc nhớ về một thời đau thương mà oanh liệt cả đất nước lên đường làm cuộc chiến tranh vệ quốc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.


Vâng, cuộc chiến ấy bắt đầu từ năm 1954 đến ngày toàn thắng 1975. Sau chiến thắng Điện Biên phủ, Bác Hồ dặn đại tướng Võ Nguyên Giáp: đánh Pháp xong ta còn phải đánh Mỹ. Lời tiên tri ấy thành sự thật khi Mỹ nhảy vào miền Nam và âm mưu chia cắt lâu dài đất nước. Không có hai năm đình chiến chờ tổng tuyển cử, mà phải mất tới 21 năm, nếu không có sự kiện 30/4/1975 thì không biết "tạm thời" đến bao giờ... Nhìn sang bán đảo Triều Tiên sẽ thấy giá của chia cắt, khi sau 60 năm đất nước ấy vẫn hai miền.


Và tôi không thể không kể câu chuyện Hiền Lương sau sáu mươi năm cây cầu, dòng sông bỗng dưng nổi tiếng. Và nổi tiếng hơn là cuộc kháng chiến chống Mỹ 21 năm cả dân tộc đứng lên, nối lại nhịp cầu. Nhưng làm sau kể hết những mất mát, những nỗi niềm nhân thế của người hai miền Nam, Bắc suốt chừng ấy năm chia ly. Khát vọng đoàn viên, khát khao Bắc - Nam sum họp là lớn lao nhất.


Nhưng viết bao nhiêu cho đủ? "Khi mọi thứ dường như bất lực thì thơ lên tiếng", có lẽ câu nói ấy đã đúng. Tôi kể câu chuyện Hiền Lương bằng thơ trong tâm thái ấy mà không kể ra, tôi mắc nợ với non sông, mắc nợ với quê hương xứ sở...


Các anh tôi mấy lứa ra đi vì Tổ quốc. Lứa chúng tôi nhiều người ra trận và không ít người nằm lại chiến trường. Sức mạnh Việt Nam có tự ngàn xưa hun đúc nên truyền thống đoàn kết quật cường. Chúng tôi ra trận với ý chí giải phóng quê hương đất nước. Như nhà thơ Thanh Thảo từng viết: Chúng tôi đi không tiếc đời mình/ Tuổi 20 làm sao không tiếc/Nhưng ai cũng tiếc tuổi 20 thì còn chi Tổ quốc?”.

 

Hoàng Linh(ghi)

Lễ thượng cờ Thống nhất non sông bên bờ Hiền Lương
Lễ thượng cờ Thống nhất non sông bên bờ Hiền Lương

Nhân kỷ niệm 37 năm giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, 40 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị, sáng 30/4, tại Khu di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Lễ hội thống nhất non sông với nghi lễ Thượng cờ tại kỳ đài Hiền Lương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN