Sức mạnh tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-17 của Triều Tiên

Triều Tiên đã xác nhận phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) vào ngày 24/3. Một số nhà phân tích đã gọi Hwasong-17 là “tên lửa quái vật”.

Chú thích ảnh
Hình ảnh về vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17 ngày 24/3. Ảnh: AP

Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), Hwasong-17 đã bay trong 67,5 phút; đạt tầm bắn 1.090 km và độ cao tối đa 6.248 km.

Hãng thông tấn Reuters (Anh) đánh giá lần phóng thử ngày 24/3 thu được kết quả cao hơn lần phóng ICBM gần nhất của Triều Tiên vào năm 2017. Khi đó, tên lửa Hwasong-15 bay trong 53 phút, đạt độ cao 4.475 km và tầm bắn 950 km.

Dựa trên hình ảnh truyền thông Triều Tiên công bố, Hwasong-17 được phóng trực tiếp từ phương tiện vận chuyển, dựng và phóng (TEL). KCNA tuyên bố rằng vụ phóng ngày 24/3 đã đạt các mục tiêu kỹ thuật và chứng tỏ rằng có thể vận hành Hwasong-17 nhanh chóng trong viễn cảnh chiến tranh.

Các nhà phân tích nhận định rằng Hwasong-17 là ICBM nhiên liệu lỏng, cơ động trên bộ lớn nhất thế giới.

Theo trang 38 North, Hwasong-17 có đường kính vào khoảng 2,4-2,5 m và tổng trọng lượng khi được tiếp đầy nhiên liệu là 80.000-110.000 kg.

Triều Tiên lần đầu hé lộ về Hwasong-17 tại một cuộc diễu binh vào tháng 10/2020. Lần thứ hai Hwasong-17 “ra mắt” là tại một triển lãm quốc phòng ở Bình Nhưỡng vào tháng 10/2021.

Kích thước của Hwasong-17 khiến các nhà phân tích nghi ngờ rằng tên lửa này được thiết kế để mang nhiều đầu đạn.

Chú thích ảnh
Hình ảnh về vụ phóng tên lửa Hwasong-17 của Triều Tiên hôm 24/3. Ảnh: KCNA

Truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin đích thân Chủ tịch Kim Jong-un đã chỉ đạo vụ phóng thử Hwasong-17 và tên lửa này đóng vai trò then chốt đối với ngăn chặn chiến tranh hạt nhân.

Ông Ankit Panda tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế đánh giá vụ phóng Hwasong-17 ngày 24/3 là “cột mốc quan trọng”. Ông cho rằng Hwasong-17 là tên lửa lớn nhất trong kho vũ khí của Triều Tiên và có thể mang nhiều đầu đạn.

Liên hợp quốc (LHQ) cùng Mỹ và Hàn Quốc đã lên tiếng phản đối vụ phóng ICBM của Triều Tiên. Mỹ gọi đây là động thái vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nói: “Cánh cửa ngoại giao chưa hề đóng lại nhưng Bình Nhưỡng cần ngay lập tức ngừng các hành động gây bất ổn”.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng vụ phóng ngày 24/3 “leo thang căng thẳng trong khu vực”. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in lên tiếng nhấn mạnh vụ phóng Hwasong-17 “vi phạm cam kết của Chủ tịch Kim Jong-un với cộng đồng quốc tế tạm ngưng phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa”.

Sau vụ phóng ngày 24/3, KCNA dẫn lời Chủ tịch Kim Jong-un cho biết Triều Tiên đang chuẩn bị cho cuộc đối đầu lâu dài với Mỹ.

Theo các nghị quyết của Hôi đồng Bảo an Liên hợp quốc áp đặt lệnh trừng phạt lên Triều Tiên, nước này bị cấm phóng tên lửa đạn đạo. Vào tháng 4/2018, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ tạm ngưng phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và thử vũ khí hạt nhân.

Nhưng gần đây Triều Tiên cho biết có thể khởi động lại mọi hoạt động nước này từng “đóng băng” nhằm xây dựng lòng tin với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng thời đề nghị Washington loại bỏ “chính sách thù địch”.

Hà Linh/Báo Tin tức
Hàn Quốc, Nhật Bản phản đối vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên
Hàn Quốc, Nhật Bản phản đối vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên

Nhật Bản và Hàn Quốc ngày 25/3 đã ra tuyên bố phản đối vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới nhất của Triều Tiên vừa diễn ra một ngày trước đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN