Theo hãng tin Reuters (Anh), Washington có thể chuyển giao một số hệ thống tên phòng không MIM-23 Hawk cho Kiev để xem liệu loại vũ khí này có còn hoạt động tốt hay không sau nhiều năm cất giữ trong kho.
Quá trình chuyển giao vũ khí mới sẽ được thực hiện theo Quyền rút vốn của Tổng thống Mỹ (PDA) và có thể được công bố ngay trong tuần này. Thẩm quyền PDA cho phép tổng thống chuyển giao trang thiết bị quốc phòng và dịch vụ trong kho của quân đội cho nước ngoài nhanh chóng trong trường hợp khẩn cấp mà không cần thông qua quốc hội.
Hệ thống tên lửa MIM-23 Hawk được đưa vào biên chế từ những năm 1960 và sau đó đã được nâng cấp nhiều lần. Hệ thống Hawk là một vũ khí phòng không tầm trung di động có khả năng chống tên lửa, do Tập đoàn vũ khí khổng lồ Raytheon của Mỹ sản xuất. Lục quân Mỹ đã thay thế Hawk bằng hệ thống MIM-104 Patriot tiên tiến hơn vào những năm 1990. Đến năm 2000, Thủy quân lục chiến - đơn vị cuối cùng sử dụng loại vũ khí này - đã loại biên chúng để chuyển sang sử dụng tên lửa FIM-92 Stinger di động.
Reuters cho biết Hawk sẽ là “bản nâng cấp của hệ thống tên lửa Stinger” mà Kiec đã nhận được với số lượng lớn từ các nhà tài trợ phương Tây trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Theo các nguồn tin, hệ thống Patriot tầm xa hơn vẫn nằm ngoài danh mục Mỹ có thể chuyển giao cho Ukraine.
Chính phủ Mỹ trước đó đã công bố ý định cung cấp Hệ thống Tên lửa Đất đối không Tiên tiến Quốc gia (NASAMS) để tăng cường khả năng phòng không của Ukraine. NASAMS là một hệ thống của Na Uy, sử dụng tên lửa đánh chặn do Raytheon sản xuất thay cho tên lửa Hawk phiên bản Na Uy trong những năm 1990.
Đầu tháng này, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo các loại vũ khí theo kế hoạch được chuyển tới Ukraine sẽ bao gồm 4 bệ phóng tên lửa Hawk của Tây Ban Nha. Tây Ban Nha đã nhận được hệ thống này vào năm 1965 và nâng cấp phần cứng lên biến thể Hawk cải tiến (Improved-Hawk).