Sự thật về kho chất độc Dioxin ở Okinawa - Kỳ cuối: Phơi bày sự thật

Từ lâu, nhiều cựu binh Mỹ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin trong thời gian phục vụ quân ngũ tại đảo Okinawa đã lên tiếng tố cáo về kho chất độc này của quân đội Mỹ ở Okinawa. Họ khẳng định rằng mình cũng là nạn nhân của chất độc dioxin, đồng thời đòi chính phủ Mỹ phải bồi thường vì những căn bệnh mà họ đã mắc phải do bị phơi nhiễm loại hóa chất độc hại này. Thế nhưng, cho đến nay, hành trình đi tìm công lý của những cựu binh Mỹ đó cũng còn rất nhiều khó khăn, do sự che giấu và gây trở ngại từ chính phủ Mỹ.

 

Joe Sipala đi xe mô tô qua những thùng chất độc da cam/dioxin ở Okinawa năm 1970.

 

Trong năm 2011 và nửa đầu năm 2012, hàng chục cựu binh Mỹ đã lên tiếng về việc sử dụng, lưu kho và vứt bỏ chất độc dioxin ở Okinawa trong khoảng thời gian những năm 1960, 1970. Trong giai đoạn này, đảo Okinawa là một địa điểm chiến lược của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Nhiều cựu binh Mỹ đóng quân ở Okinawa trong thời gian này cho rằng họ đang mắc phải những căn bệnh giống nhau do bị phơi nhiễm chất diệt cỏ. Tuy nhiên, người ta chỉ biết rằng chính phủ Mỹ đã chi trả tiền bồi thường cho 3 trong số những cựu binh này, trong đó có một cựu binh bị nhiễm độc trong khi đang xử lý hàng nghìn thùng chất độc da cam/dioxin ở cảng Naha trong khoảng thời gian từ năm 1965 đến năm 1967.


Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những thường dân ở Okinawa, trong đó có 50.000 người đã được quân đội Mỹ thuê làm việc trong suốt thời gian diễn ra cuộc chiến tranh Việt Nam, cũng bị ảnh hưởng bởi chất độc dioxin. Tuy nhiên, những nỗ lực để tổ chức các cuộc khảo sát và nghiên cứu về y tế đã bị nhà chức trách Mỹ cản trở. Theo Masami Kawamura, người đồng sáng lập tổ chức Okinawa Outreach tập hợp các công dân đi đầu trong việc yêu cầu điều tra toàn diện về việc sử dụng chất độc da cam/dioxin trên đảo Okinawa, chính quyền tỉnh Okinawa tuyên bố rằng nếu họ tiến hành ‘điều tra một cách mù quáng’ mà không xác định được các địa điểm ‘có nhiều khả năng’ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin sẽ gây ra những đồn thổi gây nguy hại cho cộng đồng...”.


 

Những trang tài liệu tiết lộ việc Mỹ lưu giữ chất độc da cam/dioxin trên đảo Okinawa.

 

Sau báo cáo của quân đội Mỹ được tiết lộ, một nhóm 10 cựu binh Mỹ do cựu Trung sĩ Không quân Joe Sipala đứng đầu, đã gửi thư tới Ủy ban cựu chiến binh Thượng viện Mỹ yêu cầu điều tra toàn diện về việc sử dụng chất độc dioxin của quân đội Mỹ ở đảo Okinawa. Bức thư của nhóm cựu binh này có đoạn: "Chúng tôi có một khát vọng mạnh mẽ là được làm những điều đúng đắn cho tất cả các cựu binh Mỹ, những người đã bị phơi nhiễm chất độc dioxin ở trên đảo Okinawa, cũng như là cho Okinawa."


10 cựu chiến binh đã được đề nghị đến Oasinhtơn để nhà chức trách Mỹ thẩm vấn. Các cựu binh này vô cùng tức giận khi chính phủ Mỹ và Bộ Ngoại giao Nhật Bản ám chỉ rằng những báo cáo và tài liệu của họ về sự xuất hiện của các loại chất diệt cỏ trên đảo Okinawa là mơ hồ và không đáng tin cậy. Họ cho rằng đó là sự lăng mạ những người đã hy sinh cả tuổi xuân và mạng sống của mình cho nước Mỹ.


Sipala hi vọng bức thư của nhóm cựu binh sẽ thuyết phục được chính phủ Mỹ bồi thường cho các cựu binh đã bị phơi nhiễm chất độc dioxin ở trên đảo Okinawa. Hiện nay, chính phủ Mỹ đã hỗ trợ cho các cựu binh Mỹ bị phơi nhiễm chất độc dioxin ở Việt Nam, Thái Lan và dọc theo khu phi quân sự ở Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, những lời phủ nhận của Bộ Quốc phòng Mỹ về sự tồn tại của chất diệt cỏ trên đảo Okinawa đã khiến cho hàng trăm cựu binh không được hỗ trợ. Giờ đây, có vẻ như những lời phủ nhận đó đang ngày càng ít dần. John Olin, chuyên gia nghiên cứu ở bang Florida (Mỹ), người đã phát hiện ra báo cáo năm 2003 của quân đội Mỹ, nói rằng ông sẽ tiếp tục cuộc điều tra về việc sử dụng chất độc dioxin của quân đội Mỹ ở đảo Okinawa. Chuyên gia này cho biết: “Chính phủ Mỹ và Nhật Bản đã tích cực hợp tác với nhau trong nhiều thập kỷ để lừa gạt người dân hai nước. Họ đã tiến hành một chiến dịch thông tin để đánh lạc hướng dư luận. Tuy nhiên, điều đó sẽ chỉ càng khiến tôi muốn điều tra rõ hơn”.


Có thể nói, với những nỗ lực không biết mệt mỏi của các nhà nghiên cứu, cũng như của chính các nạn nhân chất độc dioxin của Mỹ, ánh sáng công lý trong vấn đề này đang ngày càng được hé mở nhiều hơn. Chắc chắn rằng trong một thế giới toàn cầu hóa về nhiều mặt, trong đó có truyền thông, sẽ đến một ngày chính phủ Mỹ không thể bưng bít những thông tin liên quan đến quá trình sử dụng chất độc dioxin trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và sẽ phải thừa nhận sự thật.


Tiến Trung

Sự thật về kho chất độc Dioxin ở Okinawa - Kỳ I: Lời đảm bảo trong chiến dịch Mũ Đỏ
Sự thật về kho chất độc Dioxin ở Okinawa - Kỳ I: Lời đảm bảo trong chiến dịch Mũ Đỏ

Kể từ năm 1945, hòn đảo nhỏ Okinawa (Nhật Bản) đã phải miễn cưỡng đón tiếp sự hiện diện quân sự quy mô lớn của người Mỹ cùng một hệ thống kho lớn dùng để chứa các loại vũ khí và các chất hóa học nguy hiểm, trong đó có loại khí làm tê liệt thần kinh, hơi cay, và tên lửa hạt nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN