Số phận hai người ký Hiệp ước thống nhất nước Đức - Kỳ cuối: Đại diện CHLB Đức

Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schaeuble.

Ông Wolfgang Schaeuble sinh năm 1942 tại Freiburg. Ông tốt nghiệp Đại học Luật và sau này bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về luật. Từ 28/10/2009, Schaeuble là Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ của bà Merkel.

Trước đó, từ năm 2005 tới năm 2009, ông là Bộ trưởng Nội vụ, đồng thời là bộ trưởng đương chức duy nhất là thành viên nội các trước khi nước Đức thống nhất.


Từ năm 1984 tới 1989, ông Schaeuble là Bộ trưởng phụ trách những nhiệm vụ đặc biệt cũng như Chánh văn phòng Phủ Thủ tướng. Từ 1989 tới 1991, ông giữ chức Bộ trưởng Nội vụ. Trong thời gian này, ông là trưởng đoàn thương lượng và ký kết Hiệp ước thống nhất nước Đức. Từ năm 1991 đến năm 2000, ông là Chủ tịch Nhóm nghị sĩ Quốc hội CDU/CSU và từ 1998 đến 2000 còn là Chủ tịch CDU toàn liên bang.

Năm 2000, vì dính líu vào một vụ bê bối quyên góp bất hợp pháp 100.000 mark cho CDU của Karl Schreiber, một kẻ buôn bán vũ khí, Schaeuble đã phải từ bỏ cả hai chức vụ trên trong đảng và bà Merkel được bầu lên làm Chủ tịch CDU, ông Friedrich Merz được bầu làm Chủ tịch Nhóm nghị sĩ Quốc hội CDU/CSU. Từ đó tới nay, Schaeuble vẫn là ủy viên đoàn Chủ tịch và Ban chấp hành CDU toàn liên bang. Wolfgang Schaeuble là nghị sĩ Quốc hội liên tục từ năm 1972 tới nay.

Tối 12/10/1990, sau khi nước Đức thống nhất chưa được 10 ngày, trong một cuộc vận động tranh cử ở Oppenau, một kẻ có tiền sử tâm thần đã dùng súng bắn 3 viên đạn vào Schaeuble từ cự li chưa tới 50 cm, làm cho ông bị liệt, phải ngồi trên xe lăn cho tới nay.


Vụ mưu sát này đã làm thay đổi số phận của Schaeuble. Người ta cho rằng nếu không bị liệt, Schaeuble, một chính khách giàu kinh nghiệm nhất trong Nội các của bà Merkel, đã có thể trở thành Thủ tướng hoặc Tổng thống Đức.

Thủ tướng Helmut Kohl và ông Wolfgang Schaeuble, người được ông Kohl năm 1997 giới thiệu sẽ kế nhiệm mình.


Ngôi làng nhỏ Oppenau nằm trong khu vực bầu cử của Schaeuble. Ông sống ở thị trấn nhỏ Gengenbach chỉ cách đó vài cây số. Việc đi vận động tranh cử trong khu vực bầu cử của mình đối với vị chính khách khi đó 48 tuổi là chuyện thường ngày và quá đỗi quen thuộc. Schaeuble sinh ra và lớn lên trong vùng.


Cho tới ngày nay, nhiều nhân chứng còn nhớ rõ vụ mưu sát xảy ra trong nhà hàng "Brauerei Bruder". Hôm đó, Schaeuble đọc một bài diễn văn tranh cử. Sau đó, ông còn ngồi nán lại trò chuyện với cử tri, vì nhiều người trong đó thân quen với ông, một nhân vật thân tín của Thủ tướng Kohl. Không khí thân mật, ấm áp. Mới trước đó 6 tuần, Schaeuble đã ký Hiệp ước thống nhất nước Đức, một đỉnh cao trong sự nghiệp chính trị và ông được coi là kiến trúc sư của Hiệp ước thống nhất.

Sau 22 giờ, ông Schaeuble ra về với nhiều người bao quanh. Không ai để ý tới một người vẫn ngồi im lặng trong đám đông thính giả nghe ông diễn thuyết, cũng đi ra theo ông. Tới cửa ra vào, người đàn ông lạ mặt 37 tuổi đó rút ra một khẩu súng lục bắn 3 phát vào Schaeuble. Viên đạn đầu tiên trúng hàm và phá tan hàm bên phải của Schaeuble, viên thứ hai bắn trúng lưng và kẹt lại ở đốt sống lưng. Viên thứ ba bắn trúng vào người vệ sĩ lao vào che chở cho Schaeuble, lúc này đã bị ngã xuống đất. Người vệ sĩ 28 tuổi đã bị thương nặng ở bụng.

Bộ trưởng Nội vụ Schaeuble tháng 11/1990 trong thời gian điều dưỡng sau khi bị mưu sát.

Một cộng sự của Schaeuble có mặt khi đó nhớ lại: "Tất cả mọi người choáng váng, sau đó là một sự hỗn loạn". Tính mạng của Schaeuble lúc đó như ngàn cân treo sợi tóc. Xe cấp cứu nhanh chóng đưa Schaeuble vào bệnh viện huyện Oberkirch, sau đó, một máy bay trực thăng cấp cứu chở ông tới Bệnh viện trường đại học Freiburg, nơi các bác sĩ tiến hành phẫu thuật khẩn cấp trong 5 giờ đồng hồ và nỗ lực hết sức mình trong những ngày sau đó để giành giật lại cuộc sống cho ông. Nhưng người ta nhanh chóng nhận ra rằng từ nay không bao giờ Schaeuble có thể đi lại được nữa. Ông đã bị liệt từ lưng trở xuống.

Thủ tướng Helmut Kohl đã vội vàng tới thăm Schaeuble ở bệnh viện và tỏ ra bị "sốc" vì tình trạng sức khỏe của vị Bộ trưởng quan trọng nhất của mình.


Cả ứng cử viên thủ tướng của SPD khi đó là Oskar Lafontaine, người trước đó chưa đầy nửa năm cũng bị mưu sát, cũng tới Freiburg thăm và tỏ ra choáng váng. Nhưng Schaeuble không chịu khuất phục. Với một kỷ luật sắt, chỉ vài tháng sau vụ mưu sát, Schaeuble đã lại ngồi xe lăn đi làm việc.


Cũng may là ông còn trẻ và rất tích cực hoạt động thể thao nên sức khỏe phục hồi khá nhanh. Ngoài ra, ông được coi là có một ý chí sắt đá. Khi gia đình khuyên ông nên rời bỏ chính trường, ông khăng khăng từ chối và nói: "Đừng có lấy nốt của tôi điều đó". Schaeuble được coi là cống hiến cả đời mình cho chính trường.

Hung thủ mưu sát Schaeuble là Dieter Kaufmann, một người có tiền án, y cũng như nạn nhân đều là người trong vùng. Trước vụ mưu sát, y đã phải đi điều trị bệnh tâm thần. Sau khi bắn, y đã bị khống chế và bị bắt. Tháng 5/1991, y đã bị xét xử và kết án.


Nhưng vì Tòa án xác định y bị bệnh hoang tưởng nên đã đưa y vào điều trị tại một bệnh viện tâm thần có canh gác. Cho tới nay, y vẫn tiếp tục được điều trị. Hung thủ đã lấy trộm súng và đạn từ tủ vũ khí của người cha, một thị trưởng trong vùng. Sau này, hung thủ đã viết thư và khi trả lời phỏng vấn của đài phát thanh đã xin Schaeuble tha lỗi. Người vệ sĩ lao vào che chở cho Schaeuble và cứu sống tính mạng ông đã qua đời cách đây 7 năm vì căn bệnh ung thư.

Sau này, hung thủ Kaufmann cho biết, lý do y muốn ám sát Schaeuble là muốn báo thù "sự khủng bố tâm lý và thân thể" mà nhà nước tiến hành với y. Y lựa chọn Schaeube làm mục tiêu cho sự báo thù này, vì coi Schaeuble là nhân vật biểu tượng của CHLB Đức.

Chỉ trong phút chốc, con đường công danh chính trị rạng rỡ của Schaeuble tưởng chừng tan vỡ. Nhà báo Hans-Peter Schuetz nhận xét: "Năm 1990, ông ta là niềm hy vọng của Thủ tướng Helmut Kohl và ở cả cuộc vận động tranh cử này. Trước đó, ông ta đã từng là Chánh văn phòng Phủ Thủ tướng, giờ đây ông ta là Bộ trưởng Nội vụ, ông ta đã tổ chức sự thống nhất nước Đức. Rõ ràng khi đó Wolfgang Schaeuble là nhân vật quan trọng nhất trong CDU sau Helmut Kohl".


Nhưng chỉ sau 6 tuần, Schaeuble đã lại lao vào công việc. Việc nhanh chóng trở lại chính trường đã giúp Schaeuble chịu đựng được hình huống mới khó khăn trong cuộc đời và chấp nhận sự thương tật là một đòn của số phận. Chính Schaeuble năm 2009 đã nói: "Cuộc đời là như vậy. Mọi sự có thể thay đổi từng giây từng phút!".

Vũ Long (tổng hợp từ báo chí Đức)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN