Kế hoạch giải cứu Napoleon bằng tàu ngầm - Kỳ cuối

Kỳ cuối: Vì sao kế hoạch không thể thực hiện?


Cần lưu ý đến bối cảnh của giai đoạn đó. Vào năm 1812, Anh và Mỹ nổ ra chiến tranh và Mỹ đã thuê Fulton chế tạo một thế hệ siêu vũ khí mới. Điều này có thể giải thích tại sao bản thân Johnson đã có thể có được một loạt các giấy phép từ những cơ quan chính phủ khác nhau để xác nhận rằng ông đã chính thức được thuê để tham gia vào "Kế hoạch bí mật về tàu ngầm của hoàng đế, và thực hiện những thí nghiệm hữu ích khác theo lệnh".


 

Nhà Trắng trong biển lửa năm 1814.

 

Những thử nghiệm này đã được cấp tài chính thế nào là một vấn đề khác. Trong giai đoạn hỗn độn của chiến tranh, các tài liệu cho thấy, cả hải quân và quân đội Anh từng cho rằng phía kia sẽ là bên thanh toán chi phí. Đó là một tình huống mà Johnson đã nhanh chóng khai thác, giữ lại các dịch vụ của một kỹ sư người Luân Đôn, người đã phác thảo một chiếc tàu ngầm “có hình dạng giống như cá heo".


Thiết kế của Johnson rõ ràng là thiết kế tàu ngầm sơ khai: Được điều khiển bởi những cánh buồm trên bề mặt, và dựa vào các mái chèo để tạo động lực khi lặn xuống. Không có dẫn chứng nào cho thấy Johnson và kỹ sư của mình đã giải quyết được các vấn đề kỹ thuật lớn, vốn ngăn cản sự phát triển hiệu quả của tàu ngầm trước những năm 1890 - như khó khăn hiển nhiên trong việc ngăn tàu trong trạng thái nổi trung lập khỏi bị chìm xuống đáy và ở nguyên đó. Nhưng rõ ràng đã có bằng chứng là tàu ngầm đã thực sự tồn tại.


Tài liệu lưu trữ chứa các thư từ của Johnson xác nhận con tàu đã sẵn sàng và đã có yêu cầu thanh toán 100.000 bảng Anh. Các tài liệu cũng cho thấy, đầu năm 1820, một ủy ban các sĩ quan cao cấp, do George Cockburn đứng đầu, được cử đến để tìm hiểu và báo cáo về tàu ngầm. Rõ ràng là ủy ban này không đến để đánh giá về công nghệ mới, mà để ước tính tàu ngầm này có chi phí bao nhiêu. Cockburn là một thành viên quan trọng trong giới quan chức hải quân thời bấy giờ, và vẫn còn nổi tiếng là người đã đốt Nhà Trắng thành tro khi Oasinhtơn thua quân đội Anh vào năm 1814. Báo cáo ban đầu của Cockburn đã biến mất, nhưng nội dung của nó có thể được suy đoán ra từ quyết định của Hải quân Hoàng gia để biến báo giá có sáu chữ số của Johnson giảm xuống còn 4.735 bảng Anh.


Điều này có nghĩa là, đầu năm 1820, Johnson đã sở hữu một chiếc tàu ngầm trên thực tế và chính xác vào thời điểm đó, theo nguồn tin Pháp, những người Bonaparte đã nhận được đề nghị cung cấp tàu ngầm với giá hàng ngàn bảng Anh. Và phát hiện này có thể được gắn với hai ghi chép đáng chú ý khác. Ghi chép đầu tiên, xuất hiện trong Niên giám Hải quân, mô tả một thử nghiệm về tàu của Johnson trên sông Thames. Trong thí nghiệm này, chiếc tàu ngầm bị sự cố cáp và buộc phải cho nổ tung.


 

Hoàng đế Napoleon trông ra biển trên đảo St.Helena.

 

Ghi chép thứ hai, trong các cuốn hồi ký chưa được công bố của nghệ sĩ Walter Greaves tại Luân Đôn, là kỷ niệm về cha của Greaves - một người chèo thuyền trên sông Thames. Theo cha của Greaves, “vào một đêm tối tháng 11” (có thể vào năm 1820), trùm buôn lậu Johnson đã bị chặn lại khi ông đang cố gắng lái tàu ngầm của mình ra biển... Khi các sĩ quan định trèo lên tàu, thuyền trưởng Johnson đã dọa bắn họ. Nhưng các sĩ quan đã khống chế và bắt giữ con tàu, đưa đến Blackwall và đốt nó”.


Cái chết của Napoleon đã kết thúc hy vọng của Johnson trong việc sử dụng một tàu ngầm, được chính phủ Anh đặt hàng, để giải thoát kẻ thù lớn nhất của đất nước mình.


Tuy vậy, những hình ảnh tái hiện từ kế hoạch tàu ngầm vẫn còn rất sống động trong tưởng tượng: Hoàng đế Napoleon, không một chút thoải mái trong trang phục của người hầu, bị buộc chặt vào ghế và treo lơ lửng nửa chừng giữa vách đá cao đến chóng mặt, với Johnson đứng phía sau, trong chiếc quần soóc. Chiếc ghế nhanh chóng hạ thấp độ cao về phía những tảng đá bên bờ biển, trong khi ngoài khơi hai tàu ngầm Etna và Eagle, với cánh buồm có thể cuộn lại, được vũ trang tương đối, sẵn sàng lặn sâu xuống nước để bắt đầu cuộc hành trình.


 

Hoàng đế Napoleon trong phút lâm chung, theo phác thảo của Denzil Ibbetson ngày 22/5/1821.

 

Các tài liệu này khi đặt cạnh nhau cho thấy một câu chuyện cũ. Không cần phải giả sử rằng bản thân Napoleon có bất kỳ ý kiến nào về kế hoạch giải cứu ông. Kế hoạch của trùm buôn lậu Johnson đặt ra năm 1835 có vẻ rất mơ hồ, giống như ông đã đơn giản là lên kế hoạch để thử vận may của mình. Chứng cứ còn sót lại từ phía Pháp cho thấy, hoàng đế Napoleon có lẽ đã từ chối đi với người cứu hộ trong trường hợp không chắc rằng là Johnson đã thực sự xuất hiện tại Longwood.


Theo suy nghĩ của Napoleon, sự cứu rỗi trong các hình thức của một cuộc xâm lược có tổ chức là một chuyện, sự lẩn tránh và việc làm liều lĩnh trong nỗi tuyệt vọng lại hoàn toàn khác. “Ngay từ lúc bắt đầu”, nhà nghiên cứu Ocampo viết, Napoleon “đã nói rõ rằng ông sẽ không tham gia vào bất cứ kế hoạch nào yêu cầu ông phải ngụy trang hoặc đòi hỏi quá nhiều thể lực. Ông luôn rất ý thức về phẩm giá của mình và nghĩ rằng bị bắt như một tội phạm thông thường trên đường vượt ngục sẽ làm hạ thấp phẩm giá của mình... Nếu ông rời đảo St. Helena, ông sẽ làm điều đó “với chiếc mũ trên đầu và thanh kiếm của mình bên hông”, như tương xứng với vị thế của mình”.


Minh Châu - Dương Tường

Kế hoạch giải cứu Napoleon bằng tàu ngầm - Kỳ 3
Kế hoạch giải cứu Napoleon bằng tàu ngầm - Kỳ 3

Còn có nhiều nguồn tin khác hỗ trợ cho câu chuyện của Johnson. Marquis de Montholon, vị tướng Pháp đã tháp tùng Napoleon đến nơi lưu đày, từng xuất bản cuốn hồi ký về khoảng thời gian ông ở đảo St. Helena những năm sau đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN