Huyền thoại về tư lệnh “thép” nước Phổ - Kỳ cuối: Chiến thắng bước ngoặt và di sản

Năm 1870, Hoàng đế Napoleon của Pháp đã gây cho Phổ thách thức nghiêm trọng hơn so với người Áo bốn năm trước đó. Khi đó, cán cân công nghệ không nghiêng về phía người Phổ.


 

Khẩu mitrailleuse, loại súng máy quay tay đời đầu, đã mang lại cho bộ binh Pháp lợi thế rõ rệt trước quân Phổ.

 

Súng trường Dreyse của Phổ kém xa súng trường Chassepot của Pháp, loại súng trường hiện đại với khóa nòng kín và ổn định. Tầm bắn hiệu quả của súng trường Chassepot đạt gần 1.500 mét, trong khi tầm bắn của Dreyse chỉ đạt gần 550 mét. Quân Phổ đã hứng chịu thương vong nặng nề khi đương đầu với súng trường Chassepot trong những trận đánh trực diện, cũng như trong trận Gravelott vào ngày 18/8/1870. Vị chỉ huy tương lai của Đức trong Thế Chiến I, lúc đó chỉ là một trung úy xoàng, khi hồi tưởng đã ví hỏa lực của Pháp khốc liệt "như một cơn cuồng phong".


Ngoài ra, quân đội của Napoleon còn sử dụng mitrailleuse, một loại súng máy quay tay có tốc độ bắn nhanh chưa từng thấy lên đến 200 viên/phút, khiến giới quan sát Phổ sớm gán cho nó cái tên "cỗ máy địa ngục".


 

Một đoàn tàu vận chuyển đạn dược của Phổ trong cuộc chiến Pháp - Phổ.

 

Tuy nhiên, dù nắm trong tay những lợi thế này nhưng chiến thắng vẫn lảng tránh nước Pháp. Súng máy mitrailleuse được phát triển bí mật nên những người sử dụng nó không biết cách phát huy hiệu quả tối đa. Do được coi là một loại pháo chứ không phải vũ khí hỗ trợ bộ binh, nên mitrailleuse được đặt ở quá xa, tại những vị trí dễ bị hứng chịu hỏa lực của pháo và súng trường.


Đây chỉ là một trong nhiều ví dụ về sự kém hiểu biết chiến thuật tác chiến của quân Pháp. Các chỉ huy của họ đã lưu ý đến việc người Phổ sử dụng những đơn vị nhỏ trong năm 1866, đứng giãn cự li, với các đơn vị tham gia những cuộc giao chiến nhỏ ở phía trước, dường như tấn công chiến tuyến của Áo một cách bừa bãi. Nhưng quân Pháp lại tìm cách đối phó với chiến thuật này bằng việc tập trung quân ở những vị trí phòng thủ đã chuẩn bị sẵn và kiểm soát chặt chẽ tần suất bắn đạn khi quân địch tiếp cận. Chính kiểu tác chiến này lại có lợi cho quân Áo chiến đấu linh hoạt và cơ động hơn, và hầu như không thể bảo vệ trước những cuộc tấn công nhằm vào hai bên sườn.


 

Loại pháo hiện đại của Phổ nạp đạn ở khóa nòng do Công ty Krupp sản xuất, được sử dụng trong cuộc vây hãm Pari.

 

Bằng việc dồn các lực lượng vào những vị trí hẹp và cố định, người Pháp tự phơi mình hứng chịu các trận pháo kích đã được cải thiện hiệu quả đáng kể của Phổ. Từ năm 1866, Moltke đã sử dụng loại pháo nạp đạn ở khóa nòng bằng thép, do Công ty Krupp sản xuất, có ưu thế vượt trội so với loại pháo nạp đạn đằng nòng súng, xét về tầm bắn, tốc độ bắn và độ chính xác. Các pháo thủ của Phổ được huấn luyện để hỗ trợ bộ binh, sử dụng các đội ngựa để vận chuyển các bộ phận pháo quanh chiến trường nhằm thi triển hỏa lực tập trung ở những nơi cần thiết.


Ở cấp chiến lược, người Pháp thiếu một kế hoạch chiến tranh chặt chẽ. Họ bị Bismarck dụ đến chỗ phải tuyên chiến vào tháng 7/1870. Do đó, sau khi có thể gán cho người Pháp cái mác quân xâm lược, Bismarck đã huy động được tất cả các quốc gia Đức, từ miền Bắc tới miền Nam, trong một chiến dịch do Phổ đứng đầu.


Sự huy động chậm chạp và không hiệu quả của quân đội Pháp đã để lộ ra những điểm yếu thâm căn cố đế về mặt tổ chức. Trái ngược với hệ thống của Phổ, trong đó kết hợp chế độ tòng quân ngắn hạn, phổ quát với huấn luyện tập trung, người Pháp phụ thuộc vào các binh sĩ chuyên nghiệp phục vụ lâu năm được tuyển mộ bằng hình thức quay số hàng năm, trong khi lực lượng dự bị lại hạn chế. Khác hẳn với "tư thế chuẩn bị sẵn sàng" như một trong các vị tướng của họ nói, người Pháp để quân Phổ nắm thế chủ động, do đó mà phần lớn cuộc chiến diễn ra trên đất của họ.


Nguyên soái Bazaine, cũng thụ động ngang với Benedek của Áo, rút quân về thị trấn biên giới Metz, nơi ông tự đưa mình vào thế bị vây hãm. Một chỉ huy khác của Pháp là Nguyên soái MacMahon, đến để hội quân với Bazaine nhưng rốt cuộc lại bị mắc kẹt ở thị trấn Sedan trên biên giới Bỉ. Những quả đồi nhìn bao quát toàn bộ thị trấn ở đây đã tạo ra cho quân Phổ một trận địa pháo thuận lợi. Các cuộc pháo kích từ đó đã buộc quân đội Pháp phải đầu hàng vào ngày 2/9/1870.


Thất bại nhục nhã ở Sedan đã trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ của Đệ nhị Đế chế của Napoleon. Dưới sự lãnh đạo của chính phủ cộng hòa lâm thời, cuộc kháng chiến của người Pháp kéo dài thêm 5 tháng nữa. Cuộc vây hãm Pari kéo dài đánh dấu sự đoạn tuyệt với chính sách ưa thích của Moltke là tìm kiếm cuộc đối đầu mang tính quyết định trên chiến trường với kẻ địch. Nhưng rốt cuộc, Pari cũng phải đầu hàng trước nạn đói, sự kiệt quệ và các đợt pháo kích. Một hiệp định đình chiến được hoàn tất vào ngày 28/1/1871. Lời tuyên bố thành lập Đế quốc Đức tại Cung điện hoàng gia Versailles 10 ngày trước đó tượng trưng cho sự thống nhất các quốc gia Đức thông qua những nỗ lực quân sự chống kẻ thù chung của họ.


Huy Lê

Huyền thoại về tư lệnh “thép” nước Phổ - Kỳ 2: Bí quyết thành công
Huyền thoại về tư lệnh “thép” nước Phổ - Kỳ 2: Bí quyết thành công

Bí quyết chiến thắng của Moltke nằm ở sự trau chuốt trong khâu lập kế hoạch tác chiến trên mọi cấp độ. Dưới sự lãnh đạo của ông, Bộ Tổng tham mưu trở thành một tổ chức cực kỳ chuyên nghiệp, quy tụ những thành phần ưu tú những sĩ quan được huấn luyện bài bản, tinh thông trong lĩnh vực khoa học chiến tranh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN