Elizabeth Short, biệt danh "thược dược đen" vì cô lúc nào cũng mặc đồ đen và cài một bông thược dược trên tóc, là một nữ diễn viên xinh đẹp nhưng không có vai diễn nào nổi bật. Cô đột ngột nổi tiếng và trở thành cảm hứng cho hàng chục quyển sách, trang web, trò chơi điện tử, phim ảnh sau khi bị sát hại dã man. Hàng trăm kẻ tình nghi đã bị thẩm vấn trong mấy thập kỷ qua nhưng cảnh sát vẫn không thể tìm ra tung tích hung thủ. Đến nay, cái chết của "thược dược đen" vẫn là một trong những vụ án tang thương, ám ảnh nhất thế kỷ XX.
Bông thược dược đen xinh đẹp. |
Sáng ngày 15/1/1947, một buổi sáng lạnh và u ám, một phụ nữ tên là Betty Bersinger đang di dọc con phố ở trung tâm Los Angeles (Mỹ) với cô con gái 3 tuổi thì bà nhận thấy có cái gì ở phía trước. Thoạt nhìn, bà Bersinger nghĩ rằng cái hình thù trắng trắng nằm ngay cạnh lối đi là một manơcanh bị vỡ. Nhưng khi nhìn gần hơn, bà phát hiện đó là một cơ thể phụ nữ bị chặt đôi, mặt mũi biến dạng méo mó. Quá hãi hùng, bà vội che mắt đứa con nhỏ, rồi cùng con chạy đến một nhà gần đó để gọi điện cho cảnh sát.
Hai thám tử, Harry Hansen và Finis Brown, được phái đến hiện trường ở đại lộ Norton, nằm giữa phố 39 và Coliseum. Khi đến nơi, phóng viên báo chí và những người hiếu kỳ đã bất cẩn giẫm đạp xung quanh khu vực và xóa mất bằng chứng vụ án.
Hai thám tử rẽ đám đông, yêu cầu họ lùi lại để tiến hành công việc. Do cơ thể nạn nhân và đám cỏ xung quanh không dính tí máu nào nên họ xác định rằng nạn nhân đã bị giết ở nơi khác và từng mảnh xác bị lôi đến khu vực này. Có sương bên dưới xác chết nên họ đoán rằng xác nạn nhân đã được đặt ở đây từ sau 2 giờ sáng - khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp.
Khuôn mặt nạn nhân bị biến dạng khủng khiếp. Sát thủ đã dùng một con dao để làm biến dạng khóe miệng nạn nhân. Cổ tay nạn nhân có dấu buộc bằng dây thừng, mắt cá chân có dấu vết bị tra tấn.
Đo hai mảnh xác, các thám tử xác định chiều cao của nạn nhân là 1,67 mét, cân nặng khoảng 52 kg. Sau khi gọi nhân viên điều tra hạt Los Angeles đến đưa xác nạn nhân về, hai thám tử đau đầu với nhiệm vụ nan giải: xác định danh tính nạn nhân.
Xác của Elizabeth Short được che bằng một miếng vải. |
Trong những năm 1940, cảnh sát và báo chí có mối quan hệ cộng sinh. Phóng viên lấy tin tức từ cảnh sát và cảnh sát dùng báo chí để lan truyền thông tin cho người dân giúp tìm ra manh mối giải quyết vụ án. Trong vụ án giết người dã man trên, các thám tử đã đưa cho tờ Los Angeles Examiner dấu vân tay của nạn nhân. Các phóng viên đã dùng một loại máy là tiền thân của máy fax để gửi bản phóng to dấu vân tay cho trụ sở Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) ở Oasinhtơn. Kỹ thuật viên FBI đã so dấu vân tay này với 104 triệu dấu vân tay có trong kho hồ sơ và nhanh chóng phát hiện ra đó là dấu vân tay của một người tên là Elizabeth Short. Dấu vân tay của Short từng được lưu lại khi cô đảm nhiệm một công việc ở phòng thư từ trong một căn cứ quân sự đóng tại California.
Hai thám tử xem xét hiện trường vụ án. |
FBI cũng gửi cho tờ Los Angeles Examiner bức ảnh trong đơn xin việc của Short. Khi các phóng viên nhìn thấy bức hình một cô gái xinh đẹp 22 tuổi, họ biết ngay sẽ có nhiều thứ để viết về vụ này. Để làm cho những bài viết về vụ án thêm sinh động, các phóng viên tờ Los Angeles Examiner đã sử dụng cả thủ đoạn vô đạo đức.
Họ gọi điện cho mẹ nạn nhân là bà Phoebe Short, nói với bà rằng con gái bà vừa chiến thắng trong một cuộc thi sắc đẹp. Sau khi moi được từ bà rất nhiều thông tin cá nhân của Elizabeth Short, họ mới thông báo với bà là thực ra con gái bà đã chết.
Tình dục. Sắc đẹp. Bạo lực. Ba yếu tố mà độc giả luôn hiếu kỳ đã có trong tay phóng viên và nhanh chóng được trưng lên trang nhất các tờ báo trên toàn nước Mỹ.
Thùy Dương
Đón đọc kỳ tới: Bông thược dược ăn chơi