Brundidge đưa ra mức thưởng trị giá 250 USD cho bất kỳ người nào có thể giúp anh ta liên lạc với “Bông hồng Tôkyô” và 2.000 USD cho chính “Bông hồng Tôkyô” để thực hiện một buổi phỏng vấn riêng. Số tiền 250 USD lúc đó tương đương với 3.750 yên Nhật hay ba năm thu nhập. 2.000 USD tương đương với hơn 30.000 yên - một gia tài lớn lúc bấy giờ. Leslie Nakashima, một người Mỹ gốc Nhật Bản làm việc ở Đài Phát thanh Tôkyô, đã cung cấp cho họ tên của Iva Toguri.
Iva Toguri trong xà lim đặc biệt tại nhà tù Sugamo. |
Nhận thấy rằng đây là cơ hội kiếm một món tiền kếch xù nên Iva đã đăng ký trả lời phỏng vấn Brundidge. Tuy nhiên, Tổng biên tập tạp chí Cosmopolitan, nơi Brundidge làm việc đã từ chối trả 2.000 USD và cũng không cho đăng câu chuyên về “Bông hồng Tôkyô”. Như vậy, có nghĩa là Brundidge sẽ phải tự móc hầu bao của mình để trả cho Iva, trừ khi anh ta đơn phương phá hợp đồng này. Anh chuyển 17 trang ghi chép cuộc phỏng vấn Iva cho Trưởng phòng phản gián của quân đoàn 8, Chuẩn tướng Elliot Thorpe, và hối thúc ông bắt giam Iva Toguri: “Cô ta là kẻ phản quốc và đây là lời thú nhận của cô ta”. Anh cũng kiến nghị tổ chức một cuộc họp báo lớn giữa Iva Toguri và 300 phóng viên khác. Điều này sẽ giúp hủy bỏ các điều khoản của hợp đồng phỏng vấn “độc quyền” của anh ta với Iva và cho phép anh ta trốn tránh nghĩa vụ thanh toán khoản tiền đó.
Không biết mưu đồ đen tối của Brundidge, mọi người đồng ý và Iva gặp gỡ cánh phóng viên ở khách sạn Yokohama Bund. Cô trả lời phỏng vấn của các báo Yank và Stars & Stripes và dựng lại một buổi phát thanh chương trình “Ann mồ côi” cho hãng phim thời sự của Mỹ. Iva nghĩ rằng “Bông hồng Tôkyô” là người được lính Mỹ mến mộ, như mục đích từ trước đến nay của cô khi thực hiện chương trình “Ann mồ côi”. Giờ cô đã trở thành một phát thanh viên nổi tiếng và sẵn lòng cho chữ ký và đứng chụp hình với người hâm mộ.
Iva vui vẻ trả lời mọi câu hỏi mà Phòng phản gián quân đoàn 8 đặt ra mà không mảy may để tâm đến các nhận định rằng cô có thể đã sai lầm khi tham gia chương trình phát thanh cho phát xít Nhật. Cô có vẻ lúng túng trước những câu hỏi về dự đoán của cô về các cuộc di chuyển quân và những trận phản công sắp diễn ra. Trong khi đó ở nước Mỹ, tin tức “Bông hồng Tôkyô” là một công dân Mỹ và đang có ý định hồi hương đã làm nổ ra nhiều cuộc biểu tình phản đối.
Iva Toguri được thả khỏi nhà tù Sugamo. |
Ngày 17/10/1945, trong lúc Iva Toguri d’Aquino đang gội đầu thì ba sĩ quan của Phòng phản gián quân đoàn 8 đến căn hộ của cô ở Setagaya và yêu cầu cô đi theo họ đến Yokohama để làm rõ thêm một số vấn đề. Họ nói cô nên mang theo khăn mặt và đồ dùng vệ sinh cá nhân vì có thể cô phải ở qua đêm.
Chỉ khi đến Sở chỉ huy quân đoàn 8, cô mới nhận được thông báo là bị bắt mà không hề có lệnh và cáo buộc gì. Một cuộc tranh luận diễn ra sau đó là liệu cô là người Nhật hay người Mỹ, nên cho ăn cơm hay bánh mì, nên được nằm đệm hay nằm chiếu.
Cuối cùng người ta đưa cho cô bánh mì và chiếu, nhưng cô buộc phải thức trong ba ngày tiếp theo bởi những dòng người hiếu kỳ liên tục kéo đến và gây ầm ĩ bên ngoài phòng giam. Cứ ba ngày một lần cô được nhận một xô nước nóng để tắm và giặt giũ quần áo. Felipe d’Aquino bị từ chối thăm nom vợ.
Vụ Iva bị bắt vì tội phản bội Tổ quốc được thông tin rộng rãi cho công chúng, nhưng bản thân Iva chưa bao giờ được thông báo lý do tại sao cô lại bị bắt giam. Một tháng sau, cô được chuyển đến nhà tù Sugamo và bị giam trong xà lim đặc biệt - nơi giam cầm các nhà ngoại giao và phụ nữ phạm tội ác chiến tranh. Trong mười một tháng rưỡi tiếp theo, cô bị nhốt trong xà lim và chỉ được tiếp xúc với Felipe 20 phút mỗi tháng và ba ngày được tắm một lần. Một sự việc khó hiểu đã xảy ra đó là cô bị một đoàn gồm 17 nghị sĩ Mỹ nhìn trộm trong khi đang tắm. Trong thời gian bị giam cầm, cô nhận được thông tin mẹ cô qua đời trên đường đến trại giam ở bang Arizona và gia đình cô sau đó chuyển đến Chicago.
Cũng trong thời gian này, Thiếu tá Cousens bị quân đội Úc đưa ra xét xử và không bị buộc tội phản quốc dù đã làm việc cho phát xít Nhật. Anh trở lại làm việc ở Đài Phát thanh Sydney. Đại úy Ince không chỉ được xóa hết mọi tội lỗi mà còn được thăng quân hàm Thiếu tá. Trong khi đó, Iva bị thẩm vấn bởi bộ phận phản gián của lục quân và FBI. Dường như không cơ quan nào tin vào bất kỳ điều gì cô khai với họ. Tuy nhiên, mọi chứng cứ cho thấy “Bông hồng Tôkyô” là một nhân vật tạo dựng và Iva không làm điều gì bị coi là phản bội Tổ quốc.
Vào lúc 11 giờ sáng hôm 25/10/1946, Iva được thả “vô điều kiện” khỏi nhà tù Sugamo, nhưng cô không được phép rời nhà tù trước 7 giờ tối hôm đó.
Một đám phóng viên của các hãng tin Reuters, INS, AP, UPI, Domei, Tass, Úc và Pháp đang đợi ở cổng để chụp những tấm hình về “Bông hồng Tôkyô” nổi tiếng.
Một trung đội lính canh xếp làm hai hàng như đội quân danh dự và chỉ huy trưởng nhà tù Sugamo, Đại tá Hardy tặng cô một bó hoa cúc vạn thọ trước khi cùng với hai quân cảnh hộ tống cô vượt qua đám phóng viên. Chồng cô, Felipe, lúc đó đang làm nhân viên đánh máy cho tờ báo Yokohama, che cho cô trước ống kính của đám phóng viên khi họ bước lên chiếc xe Jeep đang nổ máy đợi sẵn. Tổng cộng, Iva bị giam cầm một năm, một tuần và một ngày trong nhà tù quân sự mà không một lần bị cáo buộc tội danh gì.
Iva và Felipe che giấu danh phận trong một khoảng thời gian, sau đó cô xin cấp hộ chiếu để về nước. Nhưng lại một lần nữa cô bị mắc kẹt ở Nhật Bản bởi thiếu giấy tờ. Năm 1947, Iva có mang và thề rằng đứa con của cô sẽ được sinh ở Mỹ, nhưng đứa bé chết ngay khi vừa mới sinh ra vào tháng 1/1948. Đây có thể là hậu quả của những vất vả mà cô đã phải trải qua trong thời gian bị cầm tù.
Tuy nhiên, “giông bão” cuộc đời vẫn chưa chịu dừng lại với cô.
Đình Vũ (tổng hợp)