10 cú hạ cánh khẩn cấp ngoạn mục nhất - Kỳ cuối: Cơ trưởng làm... diễn viên xiếc

Có một điều chắc chắn, chương trình huấn luyện phi công khác hẳn với chương trình đào tạo diễn viên xiếc. Tuy nhiên, trong những tình huống đặc biệt, phi công bất đắc dĩ phải trở thành những... diễn viên xiếc.

 

Phi cơ ghé thăm... trạm xăng


Vào một buổi sáng thứ 7 mùa xuân năm 1975, phi công lái máy bay nhào lộn chuyên nghiệp J. W. Fornof điều khiển chiếc Bede BD-5J, một loại máy bay phản lực nhỏ một chỗ ngồi, đến tham dự một cuộc họp của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) với các nhà thầu phụ trong lĩnh vực tàu con thoi ở thủ đô Oasinhtơn, nơi mà chiếc máy bay sẽ được trưng bày. Khi đang bay ở độ cao 3.505 m, động cơ tuabin TRS-18 do Pháp chế tạo của máy bay đột nhiên bị tụt áp suất dầu. Fornof tắt động cơ và cho máy bay liệng xuống tầng mây dày đặc phía dưới.

 

Phi công lái máy bay nhào lộn chuyên nghiệp J. W. Fornof bên chiếc Bede BD-5J.

Khi thoát ra khỏi đám mây thì Fornof nhận thấy một rừng thông rậm rạp xuất hiện phía dưới. Anh quan sát thấy đường cao tốc 95 ở cách đó vài km về phía tây và quyết định hạ cánh xuống đó. Anh bay lướt trên một chiếc xe tải của hãng Mayflower đang chạy trên đường và dự định hạ cánh lên trên nó, bởi vì phía dưới các phương tiện tham gia giao thông đi lại như mắc cửi. Fornof vẫn còn bay với tốc độ lớn, vượt qua một chiếc Cadillac, rồi tiếp đó là một chiếc xe tải chở theo một chiếc thuyền. Anh bay đến ngang với vị trí tài xế và ra hiệu rằng muốn hạ cánh phía trước, và người này giảm tốc độ rồi ra hiệu cho anh vượt lên.

 

Fornof lượn là là trên một quả đồi và trượt xuống mé bên kia tới một đường tránh. Ở phía cuối đường tránh là một khu vực buôn bán nhỏ và cây xăng Sunoco, vì thế Fornof lợi dụng quán tính còn lại của máy bay để di chuyển về phía đó. Nhân viên bán xăng bất ngờ trước cảnh này không thốt nên lời bởi trong nghề bán xăng của mình, anh chưa từng bao giờ bán xăng cho một chiếc phi cơ như thế này.

 

Phi công “làm xiếc” trên không


Ngày 27/3/1918, McLeod (người Canađa) và pháo thủ của anh, trung úy A. W. Hammond, đang trên đường đi đánh phá một khẩu đội pháo của Đức thì bị bảy máy bay Fokker Dr.I của đối phương tấn công. Hammond bắn rơi ba máy bay trước khi máy bay của họ bị trúng một viên đạn vào thùng nhiên liệu khiến nó bốc cháy.


Trước tình thế này, McLeod trèo xuống cánh dưới bên trái với mục đích giúp máy bay bị nghiêng để giữ cho đám cháy chỉ diễn ra ở một bên cho đến khi máy bay tiếp đất an toàn.

 

Cõng nhau trên không


Avro Anson là loại máy bay huấn luyện hai động cơ của Anh trong Thế chiến II. Một sự kiện hy hữu đã xảy ra khi hai máy bay Anson bay chồng lên nhau trên bầu trời bao la không một gợn mây thuộc bang New South Wales, Ôxtrâylia hôm 29/9/1940. Vụ việc diễn ra khi hai máy bay đang bay cùng một hướng, ở trên cùng một độ cao. Hình ảnh này khiến người ta liên tưởng đó là một máy bay hai tầng cánh lớn, có bốn động cơ mà sau này thường được gọi là “máy bay cõng nhau”.


 

Hai chiếc Avro Anson “cõng nhau” hạ cánh.

Binh nhất Leonard Fuller thuộc Không quân hoàng gia Ôxtrâylia chầm chậm hạ thấp độ cao chiếc Anson Mk. I của anh khi phát hiện thấy nó bị mắc vào một chiếc Anson Mk. I khác của Binh nhất Jack Hewson đang bay ngay phía dưới. Hewson vội vàng tăng hết tốc độ, đặt máy bay ở chế độ bay là là, bò ra khỏi khoang lái theo đường cửa bên và nhảy dù. Trong khi đó, Fuller nhận thấy anh vẫn có thể điều khiển chiếc máy bay của mình, bởi tất cả hệ thống điều khiển bay đều vẫn chưa sử dụng đến và vẫn còn hoạt động tốt. Vả lại, động cơ máy bay của Hewson đã được tăng hết tốc lực cộng với động cơ phải máy bay của Fuller vẫn còn hoạt động là đủ để giữ cho hai máy bay trên không.


Fuller tắt hết cả hai động cơ máy bay của mình nhằm hướng cánh đồng hạ cánh và chờ đợi một cú va chạm mạnh. Nhưng điều kinh khủng đó đã không diễn ra, máy bay của anh đã đáp xuống một cách nhẹ nhàng. Sau khi được sửa chữa lại, máy bay của Fuller tiếp tục phục vụ trong Không quân hoàng gia Ôxtrâylia thêm bảy năm nữa.

 

Hạ cánh khi phi công bị thương nặng


Trung úy William Reid thuộc Không quân hoàng gia Ôxtrâylia điều khiển chiếc Avro Lancaster mang theo bom đi đánh phá thủ phủ Dusseldorf của bang Bắc Rhine-Westphalia của phát xít Đức vào đêm 3/11/1943. Khi mới bay được nửa chặng đường và vừa vượt qua bờ biển Hà Lan, máy bay của Reid bị trúng đạn từ một máy bay chiến đấu Messerschmitt M-110G của phát xít Đức.

 

Bức tranh mô tả William Reid điều khiển chiếc Avro Lancaster mang theo bom đi đánh phá thủ phủ Dusseldorf.

Kính chắn gió của máy bay bị vỡ tan tành, bản thân Reid bị thương nặng ở đầu và vai. Lát sau, một chiến đấu cơ Focke Wulf Fw-190 của Đức phát hiện ra họ và tiếp tục tấn công, bắn chết viên hoa tiêu, làm bị thương nặng nhân viên điện đài và phá hỏng hệ thống cung cấp ôxy trên máy bay. Reid lại bị trúng thêm đạn. Lúc đó, máy bay chỉ còn Reid và một kỹ sư phụ trách kỹ thuật. Sau khi thả bom trúng mục tiêu, Reid dựa vào sao Bắc Đẩu và mặt trăng để lái máy bay trở về trong tình trạng lịm đi vì mất máu quá nhiều. Bình ôxy cạn sạch, và kính chắn gió bị vỡ khiến những luồng gió thổi với tốc độ 344 km/giờ liên tục quất vào người anh. Người kỹ sư giúp anh giữ cho chiếc Lancaster bán điều khiển bay đúng lộ trình vạch ra.


Khi trông thấy căn cứ của không quân Mỹ ở Shipdham phía trước, Reid được đánh thức để thực hiện cú hạ cánh đêm xuống giữa hai hàng đèn trên đường băng lúc này chỉ còn thấy chập chờn qua làn sương dưới mặt đất.


Khánh Chi (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN