Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đặng Huy Đông, hiện nay cả nước có khoảng 6.000 doanh nghiệp dệt may, thu hút hơn 2,5 triệu lao động, chiếm khoảng 25% lao động trong khu vực công nghiệp. Điều này cho thấy, ngành dệt may Việt Nam trong nhiều năm qua luôn là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực.
Chỉ tính riêng trong năm 2014, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 20,91 tỷ USD, chiếm gần 14% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong đó, các thành viên Hiệp định TPP như Hoa Kỳ, Nhật Bản… là đối tác xuất khẩu quan trọng của dệt may Việt Nam. Cụ thể, trong năm 2014, giá trị xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào các nước TPP đạt 11,2 tỷ USD (chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang các nước TPP). Trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 9,8 tỷ USD. Dự báo của Hiệp hội dệt may, trong 3 năm đầu tiên sau khi Hiệp định TPP chính thức có hiệu lực, tốc độ tăng trưởng của ngành sẽ tăng 17- 20% mỗi năm, dự kiến đến năm 2020 sẽ đạt giá trị 50 tỷ USD.
Các chuyên gia kinh tế đang thảo luận về các giải pháp để ngành dệt may - da giày tận dụng cơ hội TPP |
“Tuy nhiên, cơ hội này chỉ thực sự hiện thực hóa nếu có được các bước chuẩn bị chủ động, tích cực để có thể đáp ứng tiêu chuẩn cao của Hiệp định TPP, đồng thời giải quyết được những khó khăn nội tại của ngành như nguyên phụ liệu chủ yếu được nhập khẩu, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, tỷ lệ giao công cao, năng lực cạnh tranh còn yếu”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), cũng cho rằng tham gia Hiệp định TPP vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức, rủi ro, nhất là về năng lực cạnh tranh, khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, chi phí môi trường, xã hội và nguồn nhân lực… Trong khi đó, lĩnh vực dệt may và da giày là hai ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và được Việt Nam chú trọng trong đàm phán TPP. Vì thế, việc Việt Nam gia nhập Hiệp định TPP được kỳ vọng sẽ mang lại cho ngành dệt may và da giày Việt Nam những cơ hội to lớn để mở rộng thị trường, gia tăng xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu tăng lợi nhuận nhờ tiết kiệm tiền thuế phải nộp....
Theo đó, với những đánh giá tác động của Hiệp định TPP với 2 lĩnh vực dệt may và da giày, phân tích rõ những nút thắt ảnh hưởng tới các doanh nghiệp trong ngành được các chuyên gia kinh tế trao đổi xuyên suốt trong hội thảo sẽ giúp các doanh nghiệp dệt may và da giày tháo gỡ điểm nghẽn và tận dụng các cơ hội mang lại từ Hiệp định TPP.