Tỉnh Hòa Bình và người dân nơi đây đang từng bước đẩy mạnh quy hoạch, triển khai Khu bảo tồn không gian văn hóa dân tộc Mường tại xóm Lũy Ải, cụ thể hóa Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền văn hóa Hòa Bình".
Bản làng nguyên sơ
Nằm yên bình tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, xóm Lũy Ải với 100% dân số là người Mường, đã trở thành biểu tượng sống động cho nền văn hóa phong phú và đặc sắc của dân tộc Mường tại Hòa Bình. Đây là làng Mường cổ có thể xem là đẹp nhất của tỉnh Hòa Bình, lưu giữ nhiều phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào.
Sinh hoạt thường ngày của người dân nơi đây gắn với làm ruộng, trồng rau, đánh bắt cá, chăm sóc gia súc, gia cầm, hái măng, nhuộm vải… Người dân Lũy Ải hiền hậu, mến khách và vẫn giữ nếp sinh hoạt truyền thống. Nhiều dụng cụ lao động sản xuất cổ vẫn được người dân sử dụng trong cuộc sống hàng ngày như khung dệt, cối xay lúa, cối giã gạo, cung, nỏ, cuốc làm ruộng, nương rẫy… Cuộc sống gắn liền với nghề trồng trọt, chăn nuôi.
Đến xóm Lũy Ải, ngoài trải nghiệm những sinh hoạt thường ngày, du khách sẽ còn được thưởng thức các món ăn đặc trưng, học làm các sản phẩm thủ công truyền thống, đồ lưu niệm từ tre, luồng, tham gia các trò chơi dân gian… Du khách cũng dạo bước trên con đường nhỏ với những hàng cây to cao vút, thưởng ngoạn vẻ đẹp mát xanh của cây cỏ, ngắm nhìn mái nhà sàn đã nhuộm màu thời gian cùng thiên nhiên hoang sơ.
Đặc biệt, người dân xóm Lũy Ải còn lưu giữ được nhiều nhà sàn cổ nguyên vẹn. Vẻ đẹp hoang sơ của vùng Mường cổ hiện ra qua từng nếp nhà sàn gỗ nhỏ, những mái ngói thẫm đen đã nhuộm màu thời gian bên bờ suối hay dưới bóng cây rừng cổ thụ.
Ông Bùi Văn Huynh, Trưởng xóm Lũy Ải chia sẻ, trong bốn vùng Mường rộng lớn của xứ Mường Hòa Bình là Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng và Mường Động thì Mường Bi là vùng đứng đầu tiên. Nơi đây được coi là quê hương của nhiều ngành Mường ở Việt Nam, thậm chí coi như đất tổ, lấy văn hóa Mường Bi để truyền dạy cho con cháu.
Những giá trị văn hóa phi vật thể như Mo Mường, chiêng Mường, dân ca, dân vũ vẫn còn được lưu giữ khá nguyên vẹn và có vị trí quan trọng với người dân. Xóm Lũy Ải duy trì nhiều lễ hội văn hóa truyền thống tiêu biểu của người Mường như: Lễ hội xuống đồng (lễ hội khai hạ), lễ hội Chiêng Mường, lễ cơm mới... Xóm có nhà văn hóa được xây dựng khang trang theo kiến trúc nhà sàn với không gian sinh hoạt cộng đồng, nơi tụ họp, tập luyện và biểu diễn văn nghệ phục vụ khách du lịch… Hiện nay, người dân đã có ý thức cao trong bảo tồn bản sắc văn hóa và chung sức xây dựng nông thôn mới, cải tạo ruộng vườn, chỉnh trang nhà cửa sạch sẽ, vườn đẹp, ngõ xóm văn minh.
Bà Bùi Thị Duyên xóm Lúy Ải chia sẻ, bà và người dân trong xóm luôn có ý thức giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống, biết làm những nghè truyền thống như xe tơ, dệt vải, tự làm những chiếc áo, váy mặc hàng ngày. Nhà nào trong xóm cũng lưu giữ từ 1-2 chiếc chiêng để tham gia các lễ hội, hoạt động văn hóa, văn nghệ.
Phát huy giá trị văn hóa gắn với du lịch
Với những nét đẹp văn hóa độc đáo của vùng đất Mường cổ, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, con người thân thiện, chịu thương chịu khó, xóm Mường cổ Lũy Ải đang từng bước phát huy những tiềm năng sẵn có để trở thành một điểm đến du lịch cộng đồng độc đáo trong tương lai.
Hiện nay, xóm Lũy Ải có 207 hộ dân và 936 nhân khẩu, 97% hộ dân là người dân tộc Mường. Riêng xóm Ải (cũ) còn lưu giữ được 19/34 ngôi nhà sàn truyền thống, xóm Lũy Ải hiện là điểm du lịch cộng đồng OCOP 3 sao của Hòa Bình, có 2 hộ kinh doanh dịch vụ du lịch homestay thu hút khách du lịch thăm quan, lưu trú. Người dân ở đây đã khai thác cảnh quan, văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình, xóm Lũy Ải nằm trên những tuyến du lịch quan trọng của tỉnh. Hòa Bình cũng đã xác định khai thác những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường, tạo thành sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, riêng có của địa phương. Cùng với đó, Sở cũng sẽ đề nghị phối hợp với các cấp, sở, ban, ngành liên quan tiếp tục hỗ trợ đầu tư hạ tầng giao thông, đào tạo kỹ năng làm du lịch cho người dân để nâng cao năng lực phục vụ du khách.
Hiện tại, xóm Lũy Ải đã có 3 hộ dân đủ điều kiện trực tiếp đón khách, đảm bảo tốt nhu cầu về ăn, nghỉ cho du khách khi đến đây. Ông Đinh Công Lon là hộ gia đình làm homestay đầu tiên tại xóm Lũy Ải chia sẻ, khi quyết định mở dịch vụ du lịch và lưu trú cho khách, từ năm 2015, gia đình đầu tư cải tạo nhà sàn, trang trí thêm cho sân vườn giữ gìn nguyên vẹn nét văn hóa Mường. Đồng thời cung cấp đầy đủ dịch vụ cho du khách khi đến nghỉ ngơi, tìm hiểu phong tục tập quán, ở nhà sàn, uống rượu cần, sinh hoạt cùng người dân, mang lại cho du khách cảm giác gần gũi, ấm áp như ở nhà. Ngoài trải nghiệm ẩm thực, du khách có thể cùng nấu ăn, làm ruộng, đánh bắt cá, trồng rau, đan lát, thêu thùa với gia chủ.
Để bảo tồn những giá trị văn hóa của người Mường Bi, Hòa Bình đã quy hoạch không gian văn hóa Mường tại xóm Lũy Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, đồng thời giao huyện lập quy hoạch xây dựng không gian bảo tồn văn hóa dân tộc Mường gắn với du lịch, trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt trong quý III/2024.
Ông Lê Chí Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc cho biết, huyện đã khảo sát hiện trạng, xác định ranh giới, quy mô diện tích quy hoạch, lựa chọn phương án lập quy hoạch, dự kiến nguồn vốn thực hiện. Dự kiến, Khu bảo tồn không gian văn hóa Mường có diện tích nghiên cứu khoảng 125 ha bao gồm khu trung tâm bảo tồn 5,9 ha; khu dịch vụ trung tâm 8,1 ha; khu khách sạn cao cấp 3,4 ha; khu trang trại 3,5 ha; khu tổ chức lễ hội 4,6 ha; khu lưu trú, homestay, resort 4,2 ha; còn lại là các khu dân cư hiện trạng, cảnh quan, khu khám phá thiên nhiên, khu dự trữ phát triển.
Hòa Bình đang hướng tới đưa xóm Lũy Ải trở thành điểm đến hứa hẹn nhiều trải nghiệm mới mẻ cho du khách, đồng thời đây được kỳ vọng sẽ là điểm để “giãn khách” cho những điểm du lịch khác trong khu vực như: Bản du lịch cộng đồng Hang Kia, Bản Lác, Mai Hịch (Mai Châu), Thung Nai (Cao Phong).