Xem hát văn, hầu đồng tại Tam Đảo

Hát văn, hầu đồng ở Tam Đảo đang tìm lại được đất sống, điều đáng quan tâm nhất là góp phần bảo tồn, tôn vinh, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống, dân gian mang đậm màu sắc tín ngưỡng trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam


Chúng tôi đến thăm một số ngôi đền tại Tam Đảo vào những ngày cuối Xuân Quý Tỵ. Những cơn mưa phùn triền miên vừa ngớt, cái nắng mới ở thời điểm cuối mùa xuân như xua đi giá lạnh và ẩm ướt khiến cho tiết trời ấm lại, mây mù tan nhanh và trời đất thoáng đãng lạ thường. Đây là mùa hoa, lá, cỏ, cây, muôn loài chim rừng khoe sắc và tỏa hương. Giữa những cánh rừng ngút ngàn ấy là nhiều ngôi đền, phủ đan xen, ở đây cảnh người qua lại luôn tấp nập, lúc nào cũng rộn ràng tiếng nhạc, cung đàn thánh thót và ngân nga lời hát văn.

Cảnh hát chầu văn, hầu đồng phục vụ du khách tại đền Thượng (khu danh thắng Tây Thiên) huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.


Có một làng dâng văn, hầu Thánh


Hát văn, hát chầu văn là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Vương Trần Hưng Đạo)- một tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các ca từ đẹp mà trang nghiêm, chầu văn còn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu Thánh và là nghệ thuật độc đáo của người Việt.


Làng Yên Trung, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo nằm gần khu danh thắng Tây Thiên (Trung tâm Văn hóa lễ hội Tây Thiên) rộng lớn. Ở đây có quần thể đền chùa, các công trình tôn giáo tọa lạc chân núi hoặc trên núi thuộc rừng núi Tam Đảo, điển hình như đền Mẫu Hóa, đền Mẫu Sinh, đền Thỏng, đền Cậu, đền Cô, đền Thượng Tây Thiên... Người dân làng Yên Trung sớm được tiếp xúc, giao lưu và ảnh hưởng của giới cung văn, của các đồng anh, lính chị tụ tập về sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng. Liên tiếp trong vài chục năm qua, Trung Yên đã sản sinh ra ngày càng nhiều thanh đồng, cung văn phục vụ nghi lễ, nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng tại các đền, các phủ. Giờ đây, làng đã có khoảng 50 người làm nghề hát văn, hầu đồng, cô đồng; trong đó có khoảng 20% giỏi nghề, thạo nghề. Những người làm nghề không những đi hát ở các đền, các phủ... ở địa bàn Tam Đảo mà còn được mời đến nhiều tỉnh, thành, thậm chí đến một số nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc... để phục vụ khách theo yêu cầu.

Hầu đồng là một sinh hoạt dân gian mang đậm màu sắc tín ngưỡng.


Ông Nguyễn Xuân Lý, 73 tuổi ở làng Yên Trung- người có nhiều kiến thức, kinh nghiệm và được coi là tiên phong trong nghề hát văn, cho biết: Hát văn, hát chầu văn gồm nhiều bài, thường được viết theo thể lục bát, diễn xướng bằng nhạc điệu sôi nổi, đa dạng, dễ làm người nghe, người hát say mê. Người múa ăn mặc khăn chầu áo ngụ rất lộng lẫy, tay cầm bơi chèo khi thủ vai Thủy Cung Thánh Mẫu, hoặc cầm kiếm khi vào vai các ông hoàng, các vị tướng quân, khi thì cầm hoa, cầm hương khi vai cô gái... Cùng với tiếng nhạc của chuông, trống, đàn nguyệt, đàn nhị, với mùi thơm của nhang trầm, màu sắc của y phục sắc xanh, sắc đỏ gắn hoa văn rất rườm rà nhưng rất đẹp, nhìn rất đã mắt. Đến với nghệ thuật này, những người dân bình thường như thoát khỏi cuộc đời thực tế khó nhọc để thoát ly vào mộng mơ, tưởng mình là thần tiên, là ông hoàng bà chúa oai linh hiển hách, là những đấng tinh thần tối cao trong huyền thoại.

Hát văn, hát chầu văn là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần. Nhiều năm trước đây, hầu đồng bị gán ghép nhiều điều tiêu cực, gần đây được nhìn nhận lại và công nhận như một nét văn hóa của Việt Nam. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận hầu đồng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đang làm thủ tục trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.


Ông Lý nhớ lại: Từ năm 1990, hát văn và người làm nghề này đã được nhìn nhận đúng mức hơn, người ta coi đó là nghệ thuật cần bảo tồn, cần phát huy, ít bị quy chụp là hoạt động mê tín, dị đoan. Thời điểm này, một số người chọn những bài hát rất hay, rất ý nghĩa như tôn vinh, ngợi ca các ông quan có công đánh đuổi giặc giữ nước, những người tài giỏi cống hiến công sức, trí tuệ vì nước vì dân; khơi dậy niềm tin, niềm tự hào dân tộc. Các tiết mục thể hiện như "Ông Hoàng Mười", "Ông Hoàng Bảy", “Cậu Hoàng Bơ”, “Hát Chầu Đệ Nhị”, “Tôn Vinh Mẫu". Tiền công hát văn với họ lúc đó chỉ là vài ngàn bạc hay gói kẹo, tấm bánh. Làm nghề hát văn lúc ấy không bao giờ đòi hỏi tiền bạc, vật chất, nếu ai đó đòi hỏi thì người đó không có tâm.


Yêu nghề cũng “sống khỏe”


Bà Năng Thị Sính, thôn Yên Trung thổ lộ: Xưa kia người dân trong thôn coi việc làm ruộng là nghề chính nhưng khi hát văn phát triển và nhiều khách mời gọi đi hát nhiều người dân trong làng xóm đã lôi kéo nhau đi học hát văn, học cách hầu Thánh. Người biết hát giỏi dạy cho người chưa biết, họ dạy nhau và dắt nhau đi hát, đầu tiên là các địa bàn gần và "Tiếng lành đồn xa" họ đi mọi miền để hát vừa vui, vừa có thu nhập. Nghề hát văn cũng dễ kiếm tiền, thông thường sau mỗi buổi hát kéo dài 2 đến 3 giờ, người hát văn được trả 300 đến 500 ngàn đồng, có những buổi được trả trên dưới 1 triệu đồng tùy thuộc vào lễ to hay nhỏ.


Nhiều người trong thôn Yên Trung cho rằng, nhờ hát văn, nhiều người ở thôn đã mua được xe máy đẹp, làm được nhà cửa khang trang và vào mùa cao điểm người thạo nghề đi hát kiếm vài chục triệu đồng khá dễ dàng. Trong khi đó công việc cấy, cày, chăn nuôi họ vẫn thu xếp được có tiền đầu tư sản xuất. Công bằng mà nói, mức thưởng hoặc trả công nêu trên cũng xứng đáng. Hát văn, hầu đồng mất nhiều công tập luyện, đầu tư nhạc cụ, mua sắm trang phục, đặc biệt chỉ tính riêng một bộ trang phục của cô đồng bằng chất liệu sang trọng, có giá chục triệu đồng. Có tất cả 36 giá đồng, nhưng thường không được thực hiện hết tất cả vì quá dài. Cô đồng chỉ thực hiện vài ba giá, mỗi giá đồng thể hiện một tính cách, diện mạo của một nhân vật và khi mỗi giá thực hiện xong là phải thay một trang phục khác để phù hợp với nhân vật mới.


Những người theo nghề hát lâu năm ở Yên Trung cho biết: Dâng văn, hầu Thánh hay hầu đồng chỉ có ở đền, ở phủ và điện, không bao giờ có hầu đồng, dâng văn ở chùa. Một cuộc hát văn hầu đồng gồm: Cô đồng là nhân vật chính, là trung tâm ngồi ở giữa chiếu. Bốn góc chiếu là người ngồi hầu dâng (Tứ trụ hầu dâng) để phục vụ cô đồng thay khăn áo, chuẩn bị hương nhang, vàng mã. Hát dâng văn, thỉnh các bóng là bộ phận cung văn gồm người hát và đệm đàn, trống, phách....


Trong hầu đồng hiện nay đây đó vẫn có "sạn”. Các ngành chức năng cần loại bỏ những hình thức biến tướng, sự nhảm nhí, mê tín dị toan, buôn thần bán thánh, xuyên tạc... để giữ gìn sự trong sáng của Đạo Mẫu và nghi lễ hầu đồng, hướng tới phát triển một tín ngưỡng lành mạnh, phát huy các giá trị nghệ thuật, các chuẩn mực đạo đức tôn giáo tốt đẹp.



Bài và ảnh: Nguyễn Trọng Lịch

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN