Khách VIP cũng… cướp lộcNếu như tại hội Gióng ở đền Sóc, hội cướp phết ở Hiền Quan (Phú Thọ), việc tranh cướp lộc chủ yếu do các thanh niên trong làng tham gia, thì việc tranh, cướp lộc ở đền Trần Thương (Hà Nam) và đền Trần (Nam Định), người "tranh cướp" chủ yếu là các đại biểu, là các cán bộ địa phương, và đại biểu các bộ, ngành ở Trung ương về dự… Đây là những "khách VIP" được mời đến lễ hội và được có mặt trong lễ phát lộc.
Biển người chen lấn xô đẩy để tranh cướp lộc tại đền Trần Nam Định. Ảnh: TTXVN
|
Tại lễ phát lương đền Trần Thương (Hà Nam), sau khi hoàn thành các nghi thức tế lễ, Ban tổ chức (BTC) thông báo sẽ tiến hành “phát lương” cho các đại biểu tham gia. Ngay sau khi có thông báo, dòng người lập tức tràn lên, chen lấn để được vào trong khu vực phát lương phía bên trong đền. Mặc dù BTC nhắc đi nhắc lại rằng, chỉ những đại biểu có thẻ phát lương bên trong đền mới được vào, song rất nhiều người không có thẻ vẫn cố chen lấn, mong được lọt vào bên trong, khiến lực lượng an ninh phải rất vất vả ngăn cản, lối ra vào cửa đền tắc nghẽn, nhiều đại biểu có thẻ cũng không thể vào.
Bên trong đền, nơi BTC “phát lương” cũng diễn ra tình trạng chen lấn, xô đẩy để xin lộc. Theo thông báo của BTC, chỉ có gần 100 người (chủ yếu là khách VIP, các đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo địa phương) được phát thẻ nhận lương. Tuy nhiên, rất nhiều đại biểu đã “quên” thân phận, địa vị của mình, chỉ chăm chăm làm sao có được càng nhiều “lộc thánh” thì càng tốt. Thông thường, người phát lương sẽ phát cho mỗi người 1-2 túi lương, song ai cũng cố để xin nhiều hơn. Thậm chí, có những vị cán bộ ăn mặc rất lịch sự, khi thấy chỉ được 1-2 túi lương thì ít quá, đã không ngần ngại tự tay bốc cả nắm “lộc” to, nhanh chóng bỏ vào túi nilon chuẩn bị sẵn rồi vui vẻ chuồn ra ngoài.
Tại lễ khai ấn đền Trần ở Nam Định, ngay khi chiếc kiệu rước xuất hiện, rất nhiều người đua nhau ném tiền vào kiệu ấn để “lấy may”. Sau khi hoàn thành các nghi lễ khai ấn, chỉ trong ít phút, biển người từ khuôn viên phủ Thiên Trường ào lên chen lấn vào khu chính điện. Ai cũng cố chen vào để giành cho mình một chút “lộc thánh”. Tất cả những gì có trên điện thờ, từ cành hoa, cây nến, gói bánh - bất cứ thứ gì có thể lấy được - đều bị… cướp sạch. Cửa ra vào đền Thiên Trường chật cứng người, dẫn đến tình trạng chen lấn, xô đẩy đến nghẹt thở. Điều đáng nói là những người có mặt trong sân đền Thiên Trường khi đó, đều là những đại biểu có thẻ, có giấy mời của BTC. Nghĩa là, hầu hết những người có mặt trong sân để tranh cướp lộc đó là cán bộ của tỉnh Nam Định và các bộ, ngành được BTC lễ hội trân trọng mời đến. Còn người dân đến dự lễ hội đều phải đứng ngoài hàng rào sắt cách rất xa, không thể vào trong.
Muốn lấy lộc, phải phát tâmTuy nói là nhận lộc thánh, nhưng ngoài một số ít đại biểu được phát “miễn phí”, hầu hết mọi người khi nhận lộc đều phải chi một số tiền nhất định mới có được lộc thánh, không những thế, nhiều nơi du khách còn phải chịu thái độ rất hống hách của người được giao nhiệm vụ phát lộc.
Quan sát cảnh xếp hàng nhận túi lương tại đền Trần Thương (Hà Nam), chúng tôi cũng như nhiều đại biểu hết sức ngỡ ngàng trước thái độ ứng xử thiếu lịch sự của một số người được giao nhiệm vụ phát lương. Tại một ô phát lương phía ngoài cổng đền, khi đại biểu đến xin lộc nhà đền, đều nhận được một câu nói lạnh lùng: “Mời anh (chị) phát tâm công đức vào đây”, vừa nói, người đàn ông này vừa lấy tay gõ vào hòm công đức để trước mặt. Gọi là phát tâm công đức, nhưng “giá sàn” để nhận được một túi lương phải từ 20.000 đồng trở lên.
Nếu du khách nào “phát tâm” không đủ 20.000 đồng, sẽ không được phát lương. Có đại biểu phát tâm bằng tiền lẻ, lập tức có một vị cán bộ đeo biển hiệu của BTC, nhanh chóng mang số tiền đó ra đếm, xong rồi chỉ đạo số tiền ấy đủ để nhận 1 hay 2 túi lương. Một điều lạ là, nếu phát tâm không đủ giá sàn thì không được phát túi lương, nhưng nếu phát tâm vượt giá sàn (có du khách không có tiền lẻ, đưa tờ 100.000 đồng) thì cũng chỉ nhận được 2 túi lương vì “BTC quy định chỉ phát thế”, và tiền đã công đức thì không có chuyện trả lại…
Tại lễ phát ấn đền Trần (Nam Định) cũng tương tự. Để nhận được 1 lá ấn lấy lộc thánh đầu năm, du khách phải bỏ ra tối thiểu 15.000 đồng, nếu đưa thiếu không được, nhưng nếu đưa thừa, tất nhiên cũng không có chuyện trả lại. Có du khách đưa tờ phiếu chứng nhận công đức của mình ra làm chứng, rằng đã công đức rồi, giờ xin lá ấn, thì câu trả lời là tiền công đức đó là… khác, nên vẫn phải đưa tiền thì mới được nhận ấn…
Qua những câu chuyện trên có thể thấy, trong số những lễ hội để lại nhiều ấn tượng không tốt trong lòng người dân, nguyên nhân không chỉ do ý thức của người tham gia lễ hội chưa tốt, mà ngay cả khâu tổ chức của địa phương cũng rất kém. Từ khâu bảo đảm an ninh chưa tốt, dẫn đến việc chen lấn, xô đẩy, đến việc dự báo và giải quyết tình huống phát sinh kém, đặc biệt là thái độ và cách ứng xử của nhiều người là thành viên trong BTC, của nhà đền cũng rất không đúng mực, thậm chí rất hách dịch, lên giọng quát nạt đại biểu, du khách khi đến lễ hội… một cách không kiêng nể. Tình trạng này hầu như năm nào cũng xảy ra và ngày càng tệ hại.
Chứng kiến cảnh trao đổi - mua bán “lộc”, không ít du khách nản lòng, thoái chí. Chẳng thế mà một nhà nghiên cứu văn hóa lão thành đã từng phải thốt lên một cách chua xót rằng, những lễ hội này xưa vốn tốt đẹp là thế, mà nay lại bị một số đối tượng biến thành điểm “kinh doanh tín ngưỡng” béo bở trước niềm tin mù quáng của một bộ phận người dân.