Giá trị của văn hóa Óc Eo đã được các chuyên gia trong nước, quốc tế ghi nhận. Các cơ quan chức năng đang khẩn trương xây dựng hồ sơ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.
Tư liệu quý về nền văn hóa cổ phát triển rực rỡ
Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam thông tin cho biết: Ngay từ đầu thế kỷ 20, những cổ vật đầu tiên của văn hóa Óc Eo đã được phát hiện trên cánh đồng Óc Eo - Ba Thê thuộc xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Do sự phong phú của loại hình, sự độc đáo của chất liệu, vẻ đẹp rực rỡ của mỹ thuật chế tác, các di vật của Văn hóa Óc Eo đã lôi cuốn sự chú ý của nhiều học giả nổi tiếng người Pháp như: G.Coedès, L.Malleret, H.Parmentier…
Thế nhưng, công cuộc nghiên cứu văn hóa này chỉ thực sự bắt đầu bằng cuộc khai quật của L.Malleret tại di tích Óc Eo vào năm 1944. Nhiều năm sau đó, L.Malleret đã công bố kết qủa khám phá và nghiên cứu của ông trong bộ sách có nhan đề “Khảo cổ học ở đồng bằng sông Cửu Long” lần lượt xuất bản từ năm 1959-1964. Công trình này được coi là thành tựu khảo cổ học chủ yếu về Văn hóa Óc Eo trước năm 1975.
Từ sau năm 1975, nghiên cứu về văn hóa Óc Eo và các văn hóa cổ ở đồng bằng sông Cửu Long là một nhiệm vụ trọng yếu của khảo cổ học Việt Nam. Nhiều cuộc khai quật quan trọng đã diễn ra tại các di tích Nền Chùa (Kiên Giang), Óc Eo (An Giang), Gò Tháp (Đồng Tháp), Đá Nổi (An Giang), Cây Gáo (Đồng Nai), Lưu Cừ (Trà Vinh), Bình Tả - Gò Xoài (Long An), Gò Thành (Tiền Giang), Phụng Sơn Tự - Chùa Gò (Thành phố Hồ Chí Minh)…
Những phát hiện mới đã làm cho số lượng di tích và di vật tăng gấp nhiều lần so với trước đây. Diện mạo văn hoá Óc Eo ngày càng rõ nét, nhất là tính chất và truyền thống phát triển khoảng 10 thế kỷ đầu Công nguyên trong không gian từ lưu vực sông Hậu, sông Tiền đến lưu vực Vàm Cỏ - Đồng Nai.
Sau quá trình khảo cổ học, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, cách đây hàng ngàn năm, người Phù Nam đã phát triển rực rỡ rất nhiều nghề như chế tác đồ kim khí, đồng, sắt; nghề gia công các đồ thiếc; nghề kim hoàn và đúc tiền bằng bạc; nghề làm đá quý và thủy tinh; nghề chạm khắc đá; nghề đồ gốm. Bên cạnh đó, các nghề trồng mía, ép mật, làm đường có niên đại khoảng 2.000 năm đã được phát hiện với các bánh răng trục xoay bằng đá granit trong các hố khảo cổ.
Óc Eo còn là một cảng thị sầm uất, minh chứng điều đó bằng những vật dụng, các hình vẽ, điêu khắc hoa văn trên các di chỉ được tìm thấy. Điểm nữa là các hệ thống tượng thần, các kiến trúc đền đài… còn minh chứng thêm về bề dày về kiến trúc, nghệ thuật, tôn giáo...
Đặc biệt, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện được loại hình mộ táng mà trước đây các học giả Pháp chưa biết đến. Đó là các huyệt mộ hình vuông, hình chữ nhật hay hình phễu, bên trên ốp gạch hay lát đá tạo thành bề mặt khá bằng phẳng. Các huyệt mộ có cát trắng lẫn nhiều hiện vật quý giá như các mảnh vàng chạm khắc những biểu tượng của Bàlamôn hay Phật giáo, đồ trang sức, một số đồ tuỳ táng khác.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu cho rằng: Sau hàng ngàn năm bị hoang phế bởi thiên nhiên (lũ lụt, sự bồi lấp cuả phù sa), chiến tranh, sự phá hoại vô thức của con người, dấu tích văn hóa Óc Eo nay chỉ còn là những phế tích và “các mảnh vụn”. Việc sưu tầm, lưu giữ, nghiên cứu và bảo tồn di tích - di vật văn hóa Óc Eo góp phần làm sáng tỏ quá trình khai phá, mở mang và phát triển vùng đất Nam Bộ một cách xác thực nhất. Nội hàm của Văn hóa Óc Eo chứa đựng những giá trị lớn về vật chất và tinh thần, có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ngày nay ở Nam Bộ…
Xây dựng hồ sơ vinh danh cần làm nổi bật giá trị độc đáo
Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và 3 địa phương gồm An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang đang rất tích cực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hồ sơ đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh di sản văn hóa thế giới đối với nền văn hóa Óc Eo.
Theo đó, khu vực đề cử di sản văn hóa thế giới với hồ sơ này sẽ gồm 3 khu vực là: Khu di tích Óc Eo - Ba Thê (An Giang), Khu di tích Nền Chùa (Kiên Giang) và Khu di tích Gò Tháp (Đồng Tháp). Quá trình làm hồ sơ phải tiến hành song song với công tác nghiên cứu bởi đây không chỉ là trách nhiệm của ngành và các đơn vị liên quan mà còn là trách nhiệm của thế hệ sau đối với lịch sử.
Nhiều cuộc hội thảo liên quan đến xây dựng hồ sơ Văn hóa Óc Eo đã được tổ chức, thu thập ý kiến đóng góp của các chuyên gia. Theo Giáo sư, Tiến sỹ Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, giá trị của nền văn hóa Óc Eo là phát triển thịnh vượng trên diện rất rộng, không gian lớn, loại hình di tích rất đa dạng và phong phú, bao gồm nơi cư trú, mộ táng, đô thị cổ, một trung tâm thương mại hàng đầu của Đông Nam Á. Các hiện vật khai quật được đã cho thấy có sự giao thương rộng với nhiều quốc gia trên thế giới. Do đó, hồ sơ vinh danh Văn hóa Óc Eo nên làm rõ các tiêu chí về giao thoa văn hóa của di sản cũng như những nét độc đáo, đặc biệt về truyền thống văn hóa, giá trị nổi bật về hình thức lưu trú truyền thống đang bị tổn thương do những tác động theo thời gian, làm rõ tính bản địa về sự phát triển liên tục, đa dạng tiêu biểu…
Các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành cũng khuyến nghị, hồ sơ tập trung vào những tiêu chí quan trọng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). Trong đó, tiêu chí II thể hiện sự giao thoa quan trọng của các giá trị nhân văn, qua một thời kỳ hay bên trong một khu vực văn hóa của thế giới, những phát triển trong kiến trúc, công nghệ, nghệ thuật xây dựng đền tháp, quy hoạch thành phố hay thiết kế cảnh quan. Tiếp đó là tiêu chí III minh chứng sự khác biệt về một truyền thống văn hóa hay một nền văn minh hiện vẫn đang tồn tại hoặc diệt vong. Tiêu chí V là cần làm nổi bật về hình thức cư trú truyền thống của con người, việc sử dụng đất đai hay khai thác biển cả, sự tương tác giữa con người và môi trường đặc biệt là khi nó đã trở nên dễ tổn thương…
Các chuyên gia cho rằng: Muốn bảo tồn di tích Văn hóa Óc Eo, việc khảo sát và khai quật nghiên cứu ở các địa điểm cần có kế hoạch toàn diện, chia thành từng giai đoạn, khai quật và bảo tồn đồng thời, tức là phải có các biện pháp kỹ thuật bảo tồn ngay từ khi khai quật. Công cuộc khai quật nghiên cứu ở đây cần có sự hợp tác đồng bộ của nhiều cơ quan chuyên ngành như khảo cổ học, trùng tu di tích, lịch sử - văn hóa, du lịch…
Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam chia sẻ: Cần bảo tồn khu Óc Eo - Ba Thê với tư cách nó là một đô thị cổ, một cảng thị. Việc khai quật khu di tích cần làm bằng phương pháp của khảo cổ học đô thị, tức là làm rõ diện mạo đô thị này với những chức năng quan trọng nhất của nó, lưu ý đến những di tích cư trú của chủ nhân nền văn hóa này. Việc khai quật bảo tồn cần tính đến, lường trước yếu tố biến đổi khí hậu và nước biển dâng vì thời kỳ Phù Nam - Óc Eo cũng do yếu tố tự nhiên mà nền văn minh này suy sụp, tránh để tình trạng khai quật xong không bảo vệ được lâu dài…