Tưng bừng lễ hội đầu Xuân Đinh Dậu trên cả nước

Ngày 2/2 (tức mồng 6 Tết Đinh Dậu), nhiều địa phương trên cả nước tưng bừng tổ chức Lễ hội đầu Xuân Đinh Dậu 2017.

* Ngày 2/2 (tức mồng 6 Tết Đinh Dậu), làng Thủ Lễ, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã khai hội vật đầu Xuân. Sới vật được dựng lên ngay trước sân đình làng Thủ Lễ. Từ sáng sớm, đông đảo người dân sở tại cùng khách thập phương tề tựu kín sân đình làng để dự hội.

Sau phần nghi lễ tôn nghiêm tại đình làng, hội vật làng Thủ Lễ chính thức bắt đầu với các cuộc tranh tài gay go, hấp dẫn của gần 40 đô vật ở lứa tuổi thanh, thiếu niên đến từ các xã trên địa bàn huyện Quảng Điền và các huyện thị lân cận. Hội vật làng Thủ Lễ áp dụng nguyên tắc của luật thi đấu vật dân tộc. Các đô vật muốn vượt qua vòng đấu loại phải giành chiến thắng trước 3 đối thủ, với đòn đánh làm cho đối phương "lấm lưng, trắng bụng".

Các đô vật nam tranh tài. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Ra đời từ thời các chúa Nguyễn nhằm tuyển chọn những thanh niên mạnh khỏe để bảo vệ đất nước, sau một thời gian gián đoạn, hội vật truyền thống làng Thủ Lễ được khôi phục và ngày càng quy mô, chuyên nghiệp. Đến nay, hội vật trở thành một nét đẹp truyền thống, khuếch trương tinh thần thượng võ, rèn luyện sức khỏe của người dân Cố đô Huế nói chung, Quảng Điền nói riêng mỗi dịp đầu Xuân.

* Ngày 2/2, lễ hạ nêu và xin "lộc" đầu năm đã diễn ra tại Thế Miếu, Hoàng cung Huế. Lễ hạ nêu được tiến hành trang trọng với ý nghĩa nhắc toàn thể người dân kỳ nghỉ Tết đã hết, phải quay trở về cuộc sống bình thường, siêng năng chăm chỉ làm việc cho một năm mới.

Lễ hạ nêu gồm có các nghi lễ: Cúng nêu, cử đại nhạc, tiểu nhạc, chuông trống và tiến hành hạ cây nêu lớn ở sân trước Thế Miếu, do hàng chục người tiến hành với trang phục kiểu binh lính (ngự lâm quân) triều đình xưa. Cây nêu được tiến hành tháo dây buộc ở 3 góc và đưa gốc cây nêu ra khỏi mặt đất. Cùng lúc là các ấn vàng (giả như ấn xưa), lễ phẩm treo ở ngọn nêu được lấy xuống cất vào kho.

Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, điểm thú vị và được mọi người chờ đợi nhất là ấn vàng được đưa từ ngọn nêu xuống, đóng dấu vào các tờ giấy trên có ghi các chữ may mắn như Phúc, Lộc, Nhẫn, Tiến… để tặng du khách, với mong muốn nhiều điều tốt đẹp sẽ đến với mọi người khi tham quan di tích Huế vào năm mới.

Sau khi hạ cây nêu ở Thế Miếu, "ngự lâm quân" làm lễ rước nêu và tiến qua điện Long An (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế) đưa về nơi bảo quản chờ năm sau, hoàn tất nghi lễ hạ nêu trong cung đình.

* Ngày 2/2 (tức mùng 6 Tết Đinh Dậu) tại Khu di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang, UBND thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang tổ chức Lễ hội kỷ niệm 590 năm chiến thắng Xương Giang và khánh thành Đền Xương Giang.

Các đại biểu cắt băng khánh thành Đền Xương Giang. Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN

Lễ hội kỷ niệm 590 năm chiến thắng Xương Giang và khánh thành Đền Xương Giang thể hiện sự tôn kính, khắc ghi công ơn của Thái tổ Cao hoàng đế Lê Lợi cùng các bậc hiền tài, nghĩa sỹ và người dân Xương Giang đã chiến đấu anh dũng, hi sinh trên mảnh đất lịch sử hào hùng này;

Đồng thời, khơi dậy, cổ vũ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy nội lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra. Đây cũng là dịp để giới thiệu tới người dân và du khách về vùng đất Bắc Giang văn hiến, cách mạng, anh hùng, về con người Bắc Giang thân thiện, mến khách.

Tại buổi lễ, sau phần rước kiệu từ đình làng Kế, làng Thành, làng Vẽ… về khu vực thành Xương Giang, chương trình nghệ thuật “Chiến thắng Xương Giang lịch sử” đã tái hiện lại quá trình đấu tranh, chống giặc Minh xâm lược của nghĩa quân Lê Lợi đầy gian khổ, mất mát nhưng cũng vô cùng oanh liệt, hào hùng. Chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang đã chấm dứt 20 năm đô hộ bạo tàn của nhà Minh, là biểu tượng sức mạnh, tinh thần và ý chí quyết thắng của dân tộc Việt Nam .

Trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và trò chơi dân gian như: hát quan họ, diễn xướng Hát văn hầu đồng, trình diễn không gian văn hóa chợ quê, trưng bày sinh vật cảnh.

Nhân dịp này, thành phố Bắc Giang tổ chức cắt băng khánh thành Đền Xương Giang Đền Xương Giang gồm 3 tòa: Tiền bái, Thiêu hương và Chính cung. Đây là công trình văn hóa tâm linh có ý nghĩa chính trị, lịch sử mang đậm tính nhân văn. Đền là nơi để thế hệ hôm nay và mai sau thể hiện sự tôn kính, ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân đã có công giữ nước.


PV TTXVN tại các địa phương
Không chém lợn giữa sân đình trong lễ hội làng Ném Thượng
Không chém lợn giữa sân đình trong lễ hội làng Ném Thượng

Ngày 2/2 (tức mùng 6 Tết Đinh Dậu), lễ hội truyền thống làng Ném Thượng, phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh đã chính thức diễn ra theo nghi lễ truyền thống. Nghi thức chém lợn giữa sân đình đã không diễn ra mà "ông ỉn" được đưa vào khu vực kín đáo giết thịt tế thánh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN