Tục tu thiếp của người Khmer Nam Bộ

Đến vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các tỉnh nằm ven hoặc trong lưu vực sông Hậu như Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu,… người ta dễ dàng nhận thấy có nhiều ngôi chùa Khmer với những kiến trúc đặc sắc sặc sỡ hai gam màu vàng, đỏ.

Bước qua cổng, vào các ngôi chùa ấy, ngoài chánh điện, ta còn gặp nhiều tháp cốt, cột cờ, nhất là các sala. Đây được coi là hội trường để chư tăng, sư sãi tập trung sinh hoạt tôn giáo. Ngoài ra, nơi đây còn dành một gian cho những người đi tu thiếp trú ngụ. Vậy tu thiếp là gì?

Đồng bào Khmer đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây. Ảnh: Kim Há - TTXVN



Bên cạnh việc đi tu báo hiếu, đồng bào Khmer còn có một hình thức tu khác được gọi là tu thiếp hay tu thiền (sama dhi).

Nguồn gốc của lối tu này có nguồn gốc từ phương pháp tham thiền do phái Yoga ở Ấn Độ từ hơn 4000 năm nay. Chính Đức Phật Thích Ca cũng theo phương pháp này lúc ngồi dưới gốc bồ đề để đắc đạo.

Những người Khmer đã luống tuổi, khó thể học hết được giáo lý để tu như bậc sadi hay tỳ kheo, họ sẽ chọn cách tu thiếp. Cách tu này còn nhằm để: người đi tu tin là sẽ thấy được tiền kiếp của mình, nghèo khổ, giàu sang hay do thú vật đầu thai; họ cũng sẽ biết rõ được công ơn cha mẹ đã sinh đẻ, nuôi dưỡng mình như thế nào; họ cũng thấu hiểu được cái vô ngã của con người, sự khổ não của chúng sinh để tìm đường giải thoát.

Người tu thiếp không phân biệt nam, nữ, tuổi cao, ai cũng có thể tu được.

Trước khi vào chùa tu thiếp thì người đi tu mặt đồ trắng có cả nam lẫn nữ, đều cạo trọc đầu, đàn bà gọi là lục day, đàn ông là lục tà. Họ nhờ người biết hướng dẫn tu thiếp (gọi là thầy) làm lễ nhập thiếp và đọc kinh Pali để thỉnh thiếp trước khi ngồi tịnh.

Tùy theo hoàn cảnh, người tu thiếp có thể tu một tuần, hoặc tu suốt đời. Giới tu thiếp được chia làm ba nhóm:

Nhóm thứ nhất, người đi tu còn phải ở nhà làm ăn không thể tu nhiều ngày liên tiếp, lúc nào rảnh rang thì vào chùa, một, hai tuần hoặc một tháng. Sau đó, về nhà lo công việc, xong lại quay vào tu.

Nhóm thứ hai, người đi tu có thể nguyện ở chùa tham thiền trong một thời gian nhất định như một tháng, ba tháng hay một năm, sau khi trở về nhà, có thể trở lại tu như vậy nhiều lần nữa.

Nhóm thứ ba, người đi tu nguyện ở luôn trong chùa không về nhà, cũng không đi lang thang, dân gian gọi là đi ta bà nữa. Những người này mặc những chiếc cà sa cũ, vá víu che nắng mưa bằng cây dù rách, ăn uống trong cái bình bát, thức ăn do thập phương dâng cúng. Hôm nào không có người cúng dường thì đổ nước vào bình bát, lấy hơi mà uống. Những người này gọi là Neak Sakmathik, được mọi người tôn kính.

Giờ tu thiền cũng tùy theo hoàn cảnh, sức khỏe của từng người. Có người tu cả ngày lẫn đêm, nhưng ít nhất cũng phải tu vào ban đêm.

Sau khi làm lễ nhập thiếp, mỗi người cất một cái lều nhỏ. Lều này ở cạnh nhà người tu thiếp hoặc gần chùa để các lục Crou Sôt (vị sư thông thạo giáo lý ở chùa) thuận tiện hướng dẫn. Trong lều có hai bàn thờ một bàn thờ Phật và một bàn thờ những vị sư có chức cao và có cống hiến lớn cho chùa.

Đến giờ tu, người tu vào lều đóng cửa lại, cả thân nhân cũng không được quấy rầy. Người tu ngồi theo kiểu kiết già hoặc xếp bằng tròn, hai tay để trên đầu gối, lưng thẳng, mắt ti hí, nhìn xuống bụng thở đều hơi, miệng đọc kinh, trí óc hướng về mục đích cao cả mà mình nguyện được thấy. Trước mặt họ là một bàn thờ nhỏ với một cây nến trắng một cây nhang đang được thắp, hai hàng hoa vạn thọ ảnh Phật và có cả bàn thờ không có ảnh Phật nhưng có một hàng thuốc lá điếu.

Tùy theo tính cách của người tu mà lục Crou Sốt có những cách hướng dẫn khác nhau.

Sau giờ ngồi thiền, sáng hôm sau, người tu thuật lại những gì mình thấy cho vị sư hướng dẫn nghe để điều chỉnh.

Những người trong thời gian tu thiếp phải tuân thủ bát giới: thứ nhất là không sát sinh; hai là không trộm cắp; thứ ba là không lấy vợ hoặc chồng của người khác, ly dục; thứ tư là không nói dối; thứ năm là không uống rượu; thứ sáu là không ăn sai quy định; thứ bảy là không nghe đàn nhạc hay ca nhạc và cuối cùng là không nằm nệm sang trọng ở nơi quá cao.

Tham gia tu thiếp phải ăn, uống theo quy định của giáo luật, tức là hàng ngày phải ăn cơm trước giờ ngọ (12 giờ trưa), sau ngọ chỉ được uống nước, uống sữa…

Kết quả của tu thiếp là người có ý định làm ác sẽ hồi tâm cải hối, người có tâm tu hành thấy cảnh Niết bàn, cảnh Phật thì lìa đời vào chùa tu trọn kiếp. Những người không thể xuất gia thì thường đem của cải bố thí làm phước để mong sau này linh hồn được giải thoát. Những người có tính hung tạo thấy ma quỷ xâu xé mình thì phát sợ mà quay về nẻo chính.

Kết thúc thời gian tu thiếp, sư hướng dẫn hoặc những vị sư sãi khác trong chùa tổ chức lễ ra thiếp mọi người trong gia đình, bà con đến tham dự, mừng cho họ được tu thành sở nguyện.

Các ông bà đi thiếp xong mỗi tháng vào chùa bốn ngày: mùng tám, rằm, hai mươi ba và hai chín hoặc ba mươi. Vào những ngày này, người dân tranh thủ đến chùa, nếu không đến được thì họ ở nhà lo cho gia đình. Người dân dâng cơm cho sư với ý nghĩa là nhằm cầu siêu cho các linh hồn đã khuất.

Đối với những người tu chưa thành, thì sẽ đến chùa tham gia tu thiếp vào các lần sau.

Người Khmer có câu nói: Sống vào chùa gửi thân, chết vào chùa gửi cốt. Tu thiếp cũng nằm trong quan niệm và là một biểu hiện quan niệm đó.

Thạch Ba Xuyên
Mỗi năm giảm 3,42% số hộ nghèo Khmer Nam Bộ
Mỗi năm giảm 3,42% số hộ nghèo Khmer Nam Bộ

Những năm qua, các cấp bộ, ngành trung ương, địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long quan tâm thực hiện nhiều chính sách chăm lo phát triển đời sống cho đồng bào dân tộc Khmer và đã giành những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, mục tiêu hướng đến giảm nghèo bền vững vẫn còn nhiều lực cản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN