Tuân thủ luật SHTT trong lĩnh vực phần mềm máy tính: Đến lúc không thể chần chừ

Đó là nhận định của Tiến sĩ Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (COV), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong cuộc trao đổi về sự siết chặt quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT) trong lĩnh vực phần mềm máy tính và các hoạt động tích cực của Chính phủ trong thời gian gần đây.


TS Vũ Mạnh Chu cho biết, đây được xem là một 'cuộc chiến' trường kỳ và cần tuyên truyền sát sao hơn tới doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới.


Được biết, COV thường xuyên phối hợp tổ chức nhiều hội thảo về tác quyền với các tổ chức nước ngoài liên quan. Ông có thể cho biết mục tiêu của các hoạt động này?


Trong những năm gần đây, COV đã chủ động liên hệ, phối hợp với các tổ chức nước ngoài tổ chức nhiều hội thảo về tác quyền nhằm nâng cao ý thức tuân thủ quyền SHTT của doanh nghiệp. Gần đây nhất, chúng tôi đã cùng Liên minh phần mềm doanh nghiệp BSA và Phòng Thương mại Đài Loan (Trung Quốc) tại Việt Nam tổ chức cuộc gặp gỡ trực tiếp với hàng trăm công ty Đài Loan (Trung Quốc) đang kinh doanh tại Việt Nam để cập nhật những điều luật mới nhất liên quan đến BQPM của Việt Nam, giúp các DN này tránh được những rắc rối có thể xảy ra do thiếu thông tin.


Song song với đó, chúng tôi cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền đến từng đối tượng, từng lĩnh vực, ngành nghề một cách tích cực, nhằm mang đến một môi trường kinh doanh lành mạnh cho tất cả các doanh nghiệp đang hoạt động.


Theo thống kê hàng năm của BSA, tỷ lệ vi phạm BQPM của Việt Nam vẫn ở con số khá cao. Tiến sĩ có thể cho biết COV có những biện pháp cụ thể nào để giảm con số này xuống?


Vấn đề cốt yếu nhất để giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm vẫn là ý thức người dân và doanh nghiệp. Trong tương lai gần, những hội thảo về bản quyền phần mềm sẽ được tiếp tục được triển khai với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, nhằm nâng cao hơn nữa ý thức tuân thủ bản quyền phần mềm cũng như thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước có tỉ lệ vi phạm BQPM thấp hoặc bằng mức khu vực.


Về khía cạnh quản lý, chúng tôi đang có chương trình cấp Giấy ghi nhận cho các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm túc Luật SHTT bằng việc sử dụng phần mềm có bản quyền để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm vào thị trường trọng điểm như Mỹ. Ngoài ra, COV cũng đã phối hợp với 3 cơ quan Việt Nam và 1 cơ quan thế giới là BSA, các doanh nghiệp phần mềm quốc tế lớn như Microsoft để đẩy mạnh hơn nữa việc sử dụng bản quyền phần mềm tại các DN.



Tiến sĩ Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (COV) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.


Tiến sĩ đánh giá như thế nào về những rủi ro mà các DN Việt Nam hoặc các DN nước ngoài hoạt động tại VN sử dụng phần mềm không có bản quyền xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới?


Vấn đề này có hai mặt. Một là DN nước ngoài sử dụng nhân công và trang thiết bị tại Việt Nam để sản xuất và xuất hàng qua nước khác. Hai là DN Việt Nam tự sản xuất để xuất khẩu hàng hóa ra thị trường quốc tế. Với vấn đề thứ nhất, nếu nước nhập khẩu phát hiện việc DN không sử dụng phần mềm máy tính có bản quyền, điều này sẽ ảnh hưởng đến cả nước đầu tư và Việt Nam. Với trường hợp thứ hai, DN không sử dụng phần mềm có bản quyền sẽ có khả năng bị tước quyền xuất khẩu vào nước đó.


Cụ thể nhất, tại Mỹ, Nghị viện bang Washington đã thông qua một đạo luật mới có tên là “Vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin” vào ngày 22/7/2011 để nhắm vào các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, cụ thể là việc sử dụng phần mềm không bản quyền. Theo đó, tất cả các doanh nghiệp sản xuất có hàng hóa được bán ở bang Washington sẽ phải có giấy tờ chứng minh là doanh nghiệp đó đã sử dụng phần mềm có bản quyền để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình. Luật tương tự cũng đã được thông qua ở bang Louisiana. Do vậy, các hành vi trái với luật này sẽ khiến doanh nghiệp sản xuất đứng trước nguy cơ phải bồi thường thiệt hại, bị tịch thu hàng hóa và thậm chí bị tước quyền tiếp cận một thị trường lớn như Mỹ. Đây cũng là một thách thức cho DN Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường này.


COV có chương trình hỗ trợ nào cho các doanh nghiệp để có thể dùng phần mềm có bản quyền với chính sách hợp lý không, thưa ông?


Chúng tôi đang có những chương trình phối hợp các DN sản xuất PM quốc tế và Việt Nam nhằm tư vấn cho các doanh nghiệp sử dụng phần mềm hiệu quả và hợp lý nhất. Cụ thể, BSA và các thành viên là Công ty Máy tính Lạc Việt, Bkis và Microsoft, Autodesk có nhiều hoạt động tư vấn các giải pháp hữu hiệu về BQPM cho các DN tại Việt Nam. Ngoài việc khuyến khích, tuyên dương các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm túc BQPM bằng việc trao Giấy ghi nhận như trên, chúng tôi còn đưa ra một lộ trình khá dài trong những năm tới. Tất nhiên, vấn đề này cũng cần sự đồng sức từ các cơ quan quản lý khác.


Xin trân trọng cảm ơn ông!


P.V (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN