Trào lưu “webtoon” soán ngôi truyện tranh?

Trong ga tàu điện ngầm, quán cà phê hay phố đi bộ, không khó để có thể bắt gặp người đi đường chăm chăm theo dõi, lướt ngón tay trên màn hình cảm ứng chiếc điện thoại hay máy tính bảng. Và nếu ai đó khẽ nụ cười nở trên môi, có lẽ họ đang thích thú đọc một tập truyện webtoon trên mạng.

 Webtoon là thể loại “lai” giữa truyện tranh và hoạt hình được đăng tải miễn phí lên các trang mạng phổ biến của Hàn Quốc. Hàng tuần, mỗi tác phẩm sẽ có 1 đến 2 tập mới, nội dung phong phú bao gồm nhiều thể loại từ truyện hài tình cảm lãng mạn đến kinh dị, tâm lý tội phạm… Phần lớn truyện webtoon được thiết kế đồ họa, tạo hình kỹ thuật số, ở dưới hình thức dạng dải để tiện người đọc trượt lên trượt xuống trên máy điện thoại. Một số truyện còn cho thêm hình động, 3D cùng hiệu ứng âm thanh và nhạc nền để kích thích trí tưởng tượng người đọc.

Kim Suk - một nhân viên nghiên cứu cấp cao tại Cục Sáng tạo Hàn Quốc cho biết “webtoon không phải chỉ là phương pháp scan tập truyện tranh lên mạng. Nó là một thể loại hoàn toàn mới, khác biệt, được thiết kế phù hợp trong kỷ nguyên Internet”. Loại hình giải trí này phát triển thành trào lưu được đón nhận nồng nhiệt tại xứ sở Kim Chi từ năm 2014.

Giống như hàng triệu người dân Hàn Quốc bị nghiện webtoon, anh Park Sun-Min - một nhân viên văn phòng hào hứng chia sẻ thói quen đọc truyện tranh qua mạng của mình, “thông thường tôi đọc 4-5 lần/ngày, và hơn 30 lần/tuần. Thỉnh thoảng trong giờ làm lúc rảnh rỗi tôi sẽ ngồi đọc, hoặc lấy chúng làm thú vui thư giãn trong các ngày nghỉ, hay ra nước ngoài công tác”.

Cuộc cách mạng của webtoon

Ngành công nghiệp truyện tranh truyền thống của Hàn Quốc đã mất dần vị thế từ những năm 1997 - 1998 khi khủng hoảng tài chính châu Á kéo theo nhiều nhà xuất bản rơi vào tình cảnh phá sản. Nhưng Internet đã mở ra một con đường mới.

Lịch sử ra đời của webtoon bắt đầu từ 10 năm về trước khi họa sĩ vẽ tranh hoạt hình Kang Full quyết định đăng tải tác phẩm của mình lên trang blog cá nhân vào năm 2002. Sau đó, các trang mạng tìm kiếm phổ biến ở Hàn Quốc như Naver, Daum cũng bắt tay vào thiết kế phần web giới thiệu truyện tranh trực tuyến, giúp các họa sĩ trẻ có sân chơi thể hiện được cá tính, tài năng của mình. Không ngờ những tác phẩm đó lại được nhiều người đón đọc. “Câu chuyện tình yêu” của Kang đã thu hút được 2 triệu lượt xem chỉ trong một ngày sau khi phát hành trên mạng vào 2003.

“Nội dung webtoon ngày càng đa dạng, cốt truyện được xây dựng chặt chẽ, đầu tư hơn. Đặc biệt khi xu hướng điện thoại thông minh lên ngôi vào năm 2010, nó cũng kéo theo trào lưu người người nhà nhà xem truyện tranh trực tuyến”, ngài Park In-ha - giáo sư tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Chungkang nhận xét.

Theo như viện nghiên cứu quốc tế Phân tích chiến lược, tỷ lệ người sở hữu điện thoại thông minh tại Hàn Quốc đã lên tới 67,6% vào năm 2012. Điều này có nghĩa là trong 10 người sẽ có tới 7 người có thể truy cập Internet bất cứ lúc nào, ở bất kỳ nơi đâu.

Giáo sư Park cho biết “việc nở rộ của điện thoại thông minh và máy tính bảng đã đóng một vai trò to lớn trong công cuộc mở rộng thị trường quảng bá webtoon. Tỷ lệ người truy cập qua smartphone gấp 3 lần so với người truy cập bằng máy tính để bàn”.

Nguồn lợi nhuận khổng lồ

Theo như Digieco - một công ty chiến lược công nghệ tại Seoul cho biết thị trường webtoon hiện đang được ước tính giá trị đạt khoảng 420 triệu won (tương đương 368 triệu USD) và dự đoán sẽ tăng gấp đôi vào năm 2018.

Sự thành công của webtoon kéo theo nhiều loại hình biến thể. Các bộ phim truyền hình, điện ảnh, nhạc kịch cho đến hoạt hình, games đua nhau lấy cảm hứng từ cốt truyện webtoon, xây dựng thêm tuyến nhân vật, lời thoại để đáp ứng nhu cầu giải trí. Ý tưởng chuyển thể truyện tranh mạng thành phim bắt đầu với tác phẩm “Căn hộ” của họa sĩ Kang Full (2006). Sau đó, một loạt các dự án điện ảnh ra đời, tiêu biểu là phim “Secretly, Greatly” với sự góp mặt của nam diễn viên nổi tiếng Kim Soo-hyun đã đạt mốc kỷ lục với 7 triệu lượt khách đến xem.

Một ví dụ thành công mới nhất về việc chuyển thể webtoon thành phim truyền hình là bộ “Misaeng”, nói về nỗ lực cố gắng của nhân viên văn phòng trong môi trường làm việc khốc liệt của Hàn Quốc. Bộ phim đã gây tiếng vang lớn, đạt tỷ lệ người xem truyền hình, lượt xem trực tuyến cao ngất ngưởng và đem lại danh tiếng cho dàn diễn viên trong phim. Thậm chí bộ phim còn tác động đến chính phủ có những chính sách pháp luật hỗ trợ nhân viên văn phòng.

Hiện phần truyện tranh trên trang web Naver - nơi đã quảng bá cho hơn 220 nghệ sĩ sáng tác - thu hút đến 7,5 triệu lượt xem mỗi ngày. Với lượng người hâm mộ ngày một tăng dần, hàng chục nghệ sĩ sáng tác webtoon đã có thể kiếm lợi nhuận từ hợp đồng quảng cáo cho đến những ký kết bán bản quyền cho kịch bản phim điện ảnh, truyền hình. Các họa sĩ hạng A còn có thể trở thành người nổi tiếng, được mời tới các chương trình talk show và sự kiện ký tặng thu hút hàng ngàn fan.

Tham vọng xâm chiếm toàn cầu

Sau hàng loạt đề nghị từ phía người hâm mộ nước ngoài, trang Naver gần đây còn mở một dịch vụ toàn cầu cung cấp các bản dịch những truyện webtoon nổi tiếng bằng tiếng Anh, Trung, Thái và Indonesia. Việt Nam cũng không tránh khỏi chạy theo trào lưu webtoon, khi có nhiều bạn trẻ chăm chỉ dịch và đưa những truyện webtoon của Hàn Quốc lên facebook, nhận được lượng ủng hộ khá lớn với hàng chục ngàn lượt like.


Hồng Hạnh
Xử phạt đơn vị xuất bản truyện tranh không phép
Xử phạt đơn vị xuất bản truyện tranh không phép

Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định xử phạt hành chính đối với hai công ty vi phạm trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN