Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh Thạch Bồi cho biết, theo tín ngưỡng của đồng bào Khmer, Néak Tà là vị thần tuổi cao, bảo hộ phum, sóc, gia đình; người Việt ở địa phương thường gọi là ông Tà.
Tại Trà Vinh, tín ngưỡng Néak Tà rất phổ biến, không chỉ trong đồng bào Khmer mà còn cả trong người Kinh và người Hoa, được tổ chức định kỳ hằng năm vào thời điểm giao mùa giữa mùa nắng và mùa mưa để cầu những điều tốt đẹp cho một mùa vụ mới, nhà nhà, người người trong phum, sóc bình yên, sung túc, khỏe mạnh.
Mỗi nơi trong tỉnh chọn một ngày lễ hội riêng, nhưng hầu hết đều tổ chức vào tháng 3, 4, 5 Âm lịch (chỉ một ít nơi tổ chức vào tháng 6). Đây là thời điểm, tiết trời đang chuyển dần từ mùa khô sang mùa mưa, nhà nông chuyển từ mùa nông nhàn sang mùa gieo cấy. Lễ hội Đom Lơng Néak Tà của người Khmer Trà Vinh trước đây thường kéo dài trong nhiều ngày. Hiện nay, đa phần được tổ chức trong hai ngày.
Tại Trà Vinh, các huyện, thị xã, thành phố đều có miếu Néak Tà, với tổng số 242 miếu; trong đó, huyện Trà Cú có nhiều nhất với 64 miếu. Néak Tà ở tỉnh Trà Vinh có nhiều dạng như Néak Tà Som Rôn (cây trôm), Néak Tà Đôm Prìnl (cây trâm), Néak Tà Đôm Chrey (cây da), Néak Tà Kô Ki (cây sao), Néak Tà Kom Pong Riênl (Bến Củ Chi), Néak Tà Bần Nai (cây duối)... và khá nhiều Néak Tà Méchas Srok (Néak Tà chủ xóm) như: Tà Miês ở Trà Cuôn, Tà Ớt ở Kim Câu, Tà Năng ở Năng Nơn (xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang)… Các Néak Tà Wạt được thờ trong khuôn viên một số chùa Phật giáo Nam tông Khmer trong tỉnh.
Như vậy, tỉnh Trà Vinh hiện có 7 Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, trong đó, có 4 di sản là nghệ thuật và lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer, gồm: nghệ thuật Chầm riêng chà pây, nghệ thuật Rô-băm, lễ hội Ok Om Bok, lễ hội Đom Lơng Néak Tà. Ba Di sản phi vật thể Quốc gia còn lại là Lễ hội Vu lan Thắng hội của đồng bào dân tộc Hoa tại huyện Cầu Kè; Lễ hội cúng biển Mỹ Long, thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang và Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.