Tìm mô hình phù hợp để quản lý di tích

Hàng loạt những sai phạm xảy ra trong công tác bảo tồn, tôn tạo và trùng tu di tích trong thời gian qua đã chứng tỏ sự yếu kém của cơ quan quản lý di tích cũng như mô hình quản lý di tích hiện nay. Phân cấp chức năng quản lý như thế nào, làm thế nào để nâng cao trình độ, tri thức và trách nhiệm của bộ máy quản lý để tạo ra được những mô hình quản lý di tích hiệu quả nhất là việc cần làm ngay.

Mỗi nơi mỗi kiểu


Hàng loạt các sai phạm liên quan đến di tích như việc tự ý tu bổ nhà Tổ, gác Khánh ở chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội), đình Ngu Nhuế (ở Hưng Yên), vụ đòi trả lại danh hiệu di tích ở làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), vụ cấp sổ đỏ ngay trong di tích thành cổ Luy Lâu (Bắc Ninh), rồi vụ cháy đền thờ Lê Lai (Thanh Hóa) hay những lùm xùm về việc sư trụ trì tự đưa tượng mới vào thờ trong chùa Chân Long ở Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội)... tất cả đều cho thấy sự bất cập, yếu kém, cũng như sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý di tích.

 

Trùng tu di tích Tam Tòa thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế.
Quốc Việt - TTXVN


Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), hiện cả nước có hơn 3.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia (trong đó có 7 khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 34 di tích quốc gia đặc biệt) và hơn 7.000 di tích cấp tỉnh, thành phố. Hầu hết các di tích đều đã xác định rõ tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc di tích, song vẫn còn tồn tại nhiều mô hình quản lý di tích khác nhau, chồng chéo về chức năng, chưa rõ ràng trong phân cấp quản lý nên rất khó quy trách nhiệm khi sai phạm xảy ra.


Có thể nói, mô hình quản lý các di tích hiện nay rất đa dạng, được tổ chức từ trung ương đến cơ sở địa phương. Một số di tích do bộ, ngành quản lý, một số do UBND cấp tỉnh, thành phố quản lý. Một số di tích lại trực thuộc sở VH,TT&DL quản lý; phân cấp cho các ban quản lý (BQL) hoặc trung tâm quản lý di tích các tỉnh, thành quản lý. Trong đó, lại phân ra ban hoặc trung tâm quản lý di tích ở các tỉnh, thành có chức năng quản lý nhà nước (như BQL di tích tỉnh Thái Bình, Trung tâm quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam…); ban hoặc trung tâm quản lý di tích là đơn vị sự nghiệp (như BQL di tích Nhà tù Hoả Lò, BQL di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc…). Cũng có ban hoặc trung tâm quản lý di tích vừa có chức năng quản lý nhà nước, vừa là đơn vị sự nghiệp (như BQL di tích danh thắng Hà Nội, BQL di tích tỉnh Bắc Ninh). Có nơi công tác quản lý di tích được giao cho bảo tàng tỉnh, có nơi phân cấp quản lý di tích trên địa bàn nên một số huyện cũng có đơn vị quản lý di tích như BQL di tích Mỹ Sơn, BQL phố cổ Hà Nội…

Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền:

Không thể khoán trắng

Dù có phân cấp thế nào đi nữa thì vẫn phải thống nhất từ trên xuống dưới. Người lãnh đạo cấp trên vẫn phải chịu trách nhiệm chung với cấp dưới, chứ không thể giao trách nhiệm theo lối khoán trắng. Ngoài ra, phải phân định rõ ràng: Có đơn vị quản lý nhà nước, nhưng cũng phải phân công đơn vị quản lý trực tiếp. Khi có đơn vị quản lý trực tiếp thì phải nâng cao trách nhiệm cho họ, bởi nếu không có quyền thì họ không thể làm việc được. Bên cạnh đó, cần đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn sâu. Bởi phải hiểu di tích mới quản lý được. Nếu làm công tác di sản mà không hiểu về di sản thì khó có thể bảo vệ di sản một cách tử tế được.

Giám đốc Sở VH-TT&DL Bắc Giang Nguyễn Thế Chính:

Cơ sở đang cần hướng dẫn

Đối với những di tích được thế giới công nhận, di tích cấp quốc gia đặc biệt, những di tích có ảnh hưởng lớn với xã hội, nên thành lập BQL trực thuộc UBND tỉnh, thành phố. Còn đối với những di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh thì có thể tùy theo điều kiện cụ thể từng địa phương, mà giao cho Sở VH,TT&DL, UBND cấp huyện quản lý. Còn đối với cấp xã, chủ yếu thành lập BQL di tích để trông nom, bảo vệ di tích đó, còn việc tu bổ, tôn tạo di tích phải do cơ quan quản lý nhà nước cấp trên thực hiện. Như vậy sẽ đảm bảo được sự thống nhất đối với từng quy mô di tích mà thành lập BQL di tích tương xứng. Tôi tin rằng, nếu hướng dẫn được ban hành, có căn cứ pháp lý đầy đủ và có những chỉnh sửa cho phù hợp, thì đây sẽ là “cây gậy”, là căn cứ để địa phương chúng tôi triển khai dưới cơ sở, bởi cơ sở chúng tôi rất cần những hướng dẫn như thế này.


Ngoài các di tích có đơn vị quản lý nêu trên, hầu hết chính quyền địa phương cấp xã, phường nơi có di tích được xếp hạng đều thành lập BQL di tích trên địa bàn với các mô hình BQL hoặc ban khánh tiết, tổ bảo vệ di tích...


Theo ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, mô hình quản lý di tích hiện có quá nhiều bất cập, tên gọi không thống nhất, nơi là BQL, nơi là trung tâm; chức danh người đứng đầu nơi là giám đốc, nơi là trưởng ban. Mặt khác, lại có sự chồng chéo về chức năng quản lý nhà nước và quản lý nghiệp vụ, có nơi vừa là cơ quan quản lý, vừa là đơn vị sự nghiệp, dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Có nơi, BQL di tích cấp tỉnh được giao quản lý 3-4 di tích, nhưng di tích lại do huyện quản lý nên cán bộ hầu như không có mặt tại di tích, nhiệm vụ giữa BQL và địa phương bị chồng chéo. Một số địa phương không thành lập BQL cấp cơ sở, để cộng đồng hoặc những người trông coi di tích tùy tiện tu bổ, tôn tạo sai quy định, để mất cắp cổ vật. Nhiều nơi còn xảy ra hiện tượng tranh chấp nguồn thu giữa BQL di tích với chính quyền địa phương và người trông nom di tích như nhà sư, ông từ… nảy sinh nhiều phức tạp trong công tác quản lý.


Giải pháp thống nhất


Tình trạng “trăm hoa đua nở” của các mô hình quản lý di tích trên cả nước đã dẫn đến những bất cập, hạn chế trong quản lý di tích, làm suy giảm giá trị, nguy hại đến việc bảo tồn di tích. Để bảo vệ và phát huy tốt được giá trị của các di tích, di sản văn hóa của dân tộc, Bộ VH,TT&DL sẽ ban hành văn bản hướng dẫn kiện toàn bộ máy quản lý di tích để gửi các địa phương.


Theo dự thảo văn bản, Bộ VH,TT&DL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh triển khai việc kiện toàn công tác quản lý di tích trên địa bàn, với những định hướng cụ thể gồm: Thống nhất tập trung quản lý nhà nước về di tích lịch sử - văn hóa là Bộ VH,TT&DL thông qua Cục Di sản văn hóa và UBND tỉnh, thành phố thông qua sở VH,TT&DL. Trong đó, UBND cấp tỉnh cần phân rõ chức năng, nhiệm vụ theo từng lĩnh vực công việc cụ thể cho UBND cấp huyện, xã; phân định rõ nhiệm vụ của tổ chức được giao quản lý, bảo vệ, chăm sóc trực tiếp di tích với nhiệm vụ của sở VH,TT&DL, phòng văn hoá thông tin.


Dự thảo cũng hướng dẫn việc thành lập BQL di tích trực thuộc sở VH,TT&DL, chịu trách nhiệm quản lý những di tích quan trọng và hướng dẫn nghiệp vụ về các hoạt động tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn. Đối với các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, bộ máy hiện nay đang trực thuộc cấp huyện quản lý, cần nghiên cứu lộ trình nâng lên cấp tỉnh. Đối với các di tích quốc gia đặc biệt thì căn cứ điều kiện từng địa phương, phạm vi và quy mô di tích để thành lập BQL di tích trực thuộc UBND cấp tỉnh hoặc sở VH,TT&DL, hoặc UBND cấp huyện. Đối với các di tích hiện đang là trụ sở của cơ quan bộ, ngành cần thành lập đơn vị quản lý di tích chuyên trách hoặc một đơn vị của bộ, ngành. Ngoài ra, các di tích được xếp hạng khác thì UBND cấp xã, nơi có di tích cần thành lập tổ quản lý di tích, có sự tham gia của lãnh đạo xã, Mặt trận Tổ quốc, hội người cao tuổi, đại diện trụ trì, người trông coi di tích…


Theo lãnh đạo Bộ VH,TT&DL, các nội dung hướng dẫn, định hướng về việc thống nhất bộ máy quản lý di tích, phân cấp, phân nhiệm… sẽ được hoàn thiện dần để thêm công cụ có tính pháp lý cho việc quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích được tốt hơn.


Phương Lan

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN