Tham gia Hội thảo có đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố miền Trung và đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước, quốc tế.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, hệ thống đô thị Việt Nam được hình thành và gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc, các đô thị cổ ở Hà Nội, Huế, Hội An… còn lưu giữ nhiều di sản lịch sử, văn hóa, kiến trúc. Phát triển đô thị đã trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; hiện nay kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước.
Tuy nhiên, đô thị hóa ngoài những mặt tích cực cũng có những tác động xấu đến giá trị văn hóa truyền thống trong quá trình phát triển, kiến trúc, quy hoạch, đang là thử thách to lớn với mỗi quốc gia. Vì vậy, Hội thảo quốc tế của các Hội Quy hoạch châu Á - Thái Bình Dương năm 2023 sẽ là cơ hội nhằm tìm kiếm các giải pháp để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các đô thị lịch sử trong bối cảnh mới.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho biết, sau 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm vừa qua, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến cuối năm 2022, hệ thống đô thị Việt Nam đã có 888 đô thị các loại, phân bố tương đối đồng đều trong cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa xác định theo địa bàn có chức năng đô thị đã tăng từ 30,5 % năm 2010 lên gần 42% năm 2022.
Không gian đô thị được mở rộng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiệu quả hơn; chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị từng bước được nâng cao. Đô thị hóa và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Trần Ngọc Chính cho hay, trong công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm đến các yếu tố lịch sử, văn hóa, di sản… để đảm bảo hệ giá trị này được gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị trong quá trình đô thị hóa. Tuy nhiên, những biến đổi trong quá trình đô thị hóa, toàn cầu hóa, số hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư luôn có nguy cơ phá vỡ sự cân bằng được thiết lập giữa con người và môi trường sống.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Quang Nam, một quá trình phát triển của đô thị có quá khứ, hiện tại, tương lai và mang tính lịch sử, văn hóa, giá trị cốt lõi của con người. Vì vậy, công tác quy hoạch phát triển đô thị cần quan tâm tới bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản đô thị để đảm bảo luôn giữ được “hồn cốt” trong quá trình đô thị hóa, hội nhập và phát triển.
Sau khi đất nước thống nhất, thành phố Đà Nẵng đã phát triển không ngừng để có một cấu trúc đô thị, chất lượng không gian sống xứng tầm với vai trò, vị thế, sự hấp dẫn của một đô thị đáng sống, là một thành phố trung tâm và lớn nhất miền Trung (Việt Nam) đóng vai trò là hạt nhân quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Giáo sư Chan Ho Kim, Chủ tịch Hội Quy hoạch Hàn Quốc đã chia sẻ những kinh nghiệm, thực tiễn về phát triển hợp tác quốc tế về đô thị và việc bảo tồn giá trị di sản văn hóa giữa các nước trong tương lai.
Các đại biểu cùng trao đổi, đưa ra các giải pháp, ý kiến về bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong quy hoạch vùng và quy hoạch đô thị; bảo tồn di sản trong tái tạo đô thị và quản lý đô thị; đô thị di sản với quy hoạch thông minh; di sản và du lịch phát triển gắn với quy hoạch bảo tồn, đào tạo…