Thu về nhớ 'Đất nước' của Nguyễn Đình Thi

Mỗi độ thu về, trong không khí rộn ràng kỷ niệm ngày thành lập nước, trong tôi lại tràn đầy cảm xúc khi nhớ đến những vần thơ trong bài "Đất nước" của Nguyễn Đình Thi. Và mỗi khi đọc lại bài thơ ấy, trong tôi lại trào dâng niềm tự hào về dân tộc Việt Nam anh hùng.


Ra đời sau khi ông sáng tác bài hát “Người Hà Nội” chưa đầy một năm, có lẽ vì thế mà “Đất nước” đã mang đầy đủ những yếu tố của một trường ca. Nhiều người ví đó là một trường ca thu nhỏ, song nó cũng vẫn là một bài thơ trữ tình và lộng lẫy.


1. Bài thơ được mở đầu bằng những câu thơ dìu dặt thanh thoát, nhưng vẫn toát lên một bản sắc hào hùng mang đậm phong vị người Tràng An: “Sáng mát trong như sáng năm xưa/Gió thổi mùa thu hương cốm mới/Ta nhớ những ngày thu đã xa/Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/Những phố dài xao xác hơi may/Người ra đi đầu không ngoảnh lại/Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy!...”.


Kể từ buổi sáng mùa thu năm 1945, cả dân tộc Việt Nam vỡ òa trong niềm vui độc lập, trong niềm vui của ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhưng cũng ngay sau khi chính thể non trẻ vừa được thành lập, cả dân tộc đã phải oằn mình trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.


Trong thời khắc đó, những người con ưu tú của Hà thành đã nguyện một lòng bảo vệ Tổ quốc: Kẻ giã biệt thành phố dấu yêu lên chiến khu xây dựng căn cứ kháng chiến, người ở lại thủ đô chiến đấu cảm tử để ngăn bước quân thù...


Cũng bởi những ngã rẽ của lịch sử, mà cho đến nay, vẫn còn có rất nhiều ý kiến tranh luận về “người ra đi” trong câu thơ của tác giả: Có người cho đó là người Hà Nội tạm xa thủ đô khi kháng chiến bùng nổ; người lại cho rằng, đó là hình ảnh người lính của Trung đoàn Thủ đô khi rút khỏi Hà Nội; lại có ý kiến cho rằng, hình ảnh “người ra đi” đó diễn ra trước năm 1945...


Đọc “Đất nước”, chúng ta cảm nhận một cách sâu sắc về tình yêu quê hương, về niềm tự hào dân tộc, mà ở đó, khẳng định chủ quyền của đất nước vang lên một cách hào hùng: “Trời xanh đây là của chúng ta/Núi rừng đây là của chúng ta/Những cánh đồng thơm ngát/Những ngả đường bát ngát/ Những dòng sông đỏ nặng phù sa...”. Để rồi, ông càng tự hào về truyền thống bất khuất của đất nước và con người Việt Nam: “Nước chúng ta/Nước những người chưa bao giờ khuất...”.


Và những truyền thống tốt đẹp cùng với tinh thần bất khuất của dân tộc đã trở thành tấm gương cho muôn đời sau. Tác giả cũng không quên nhắc lại những ký ức đau buồn, về những ngày tháng đau thương, gian khổ của nhân dân cả nước, là thời bát cơm đã “chan” đầy nước mắt bị giằng khỏi miệng; là khi những người con đất Việt bị gông cùm, xiềng xích... Nhưng rồi, “Súng nổ rung trời giận dữ/ Người lên như nước vỡ bờ/ Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa!”. Những câu cuối cùng trong bài thơ là hình ảnh tượng trưng cho sự đứng dậy hào hùng, chói lọi trong khói lửa chiến đấu, từ đau thương căm hờn của mỗi con người Việt Nam.


2. Lần theo tiểu sử của tác giả, cũng dễ hiểu tại sao Nguyễn Đình Thi viết được những vần thơ cháy bỏng đến vậy. Bởi ngoài tài năng, ông còn là người trong cuộc. Quê ông ở làng Vũ Thạch (nay là phố Bà Triệu, thuộc phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).


Ông thuộc thế hệ các nghệ sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Là người đa tài, Nguyễn Đình Thi viết sách khảo luận triết học, viết văn, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình... Ở lĩnh vực nào ngòi bút của ông cũng long lanh tỏa sáng.


Bối cảnh ra đời bài thơ "Đất nước" cũng thật đặc biệt. Bài thơ tuy chỉ có 49 câu, nhưng tác giả đã “thai nghén” nó suốt 7 năm trời (gần như xuyên suốt những năm kháng chiến chống Pháp).


Khởi xướng từ năm 1948. Phần đầu chủ yếu lấy từ các đoạn trong bài “Sáng mát trong như sáng năm xưa” (1948) và “Đêm mít tinh” (1949), phần sau được tác giả viết vào năm 1955. Có lẽ bởi thế mà dù ngắn, song người đọc có cảm giác như đọc một bản trường ca hào hùng.


Bản trường ca bất hủ ấy đã được nhạc sỹ Đặng Hữu Phúc phổ thành bản giao hưởng - hợp xướng cùng tên "Đất nước", được biểu diễn lần đầu tiên tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 1/9/2009, do chính nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc chỉ huy và dàn nhạc - hợp xướng Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam trình diễn.


Trải qua hơn nửa thế kỷ, trải qua bao đổi thay, thăng trầm cùng lịch sử dân tộc, bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi sống mãi với thời gian. Cùng với những bản nhạc “Diệt phát xít”, “Người Hà Nội”, “Đất nước” mãi thắp lên một niềm tin bất diệt vào sự vững bền, vào nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.



Hải Đường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN