Sân khấu kịch Idecaf chính là đơn vị tiên phong trong xu hướng biểu diễn theo mùa. Trước đó, năm 2000, khi ra mắt những vở kịch thiếu nhi tại Idecaf, ông Huỳnh Anh Tuấn - Đại diện đơn vị đã chọn mang siêu phẩm "Ngày xửa ngày xưa" đến Nhà hát Bến Thành (Quận 1) vào mùa hè. Nhân kỳ nghỉ hè cho thiếu nhi, ông Huỳnh Anh Tuấn sắp xếp hơn 30 - 40 suất diễn trải dài trong 2 tháng. Sau đó, khi thấy vở diễn vẫn còn sức thu hút, đơn vị này kéo dài thêm khoảng 10 suất diễn vào mùa Trung Thu nhằm kết thúc luôn vở diễn ấy, tạo tiền đề năm sau sân khấu sẽ làm vở diễn mới.
Bằng mô hình trên, ông Huỳnh Anh Tuấn tiếp tục áp dụng việc biểu diễn theo mùa cho các vở kịch dành cho người lớn. Theo đó, vở diễn "Bí mật vườn Lệ Chi" mở đầu với hơn 20 suất, sau đó thu gọn lại về diễn tại Sân khấu kịch Idecaf thêm 84 suất nữa. Tiếp theo là các vở như "12 bà mụ", "Ngàn năm tình sử", "Vua thánh triều Lê", "Tiên Nga"...
Theo đại diện Sân khấu kịch Idecaf, sân khấu khi áp dụng mô hình biểu diễn theo mùa phải có gì đặc sắc hơn bình thường mới tạo cơn sốt cho khán giả mua vé. Nếu vở diễn chỉ bình thường sẽ rất khó "ghi điểm" trong lòng khán giả. Do đó, các nghệ sỹ tại Sân khấu kịch Idecaf luôn nỗ lực cao độ, dốc sức làm ra một tác phẩm xứng đáng nhằm phục vụ công chúng. Điều đó cũng giúp đơn vị tạo được tiếng vang, thương hiệu, đồng thời tạo cơ hội rèn luyện, nâng cao kỹ năng cho các nghệ sỹ.
Tuy nhiên, nhận ra phương cách biểu diễn theo mùa cũng không hẳn là hoàn hảo, vẫn còn nhiều thiếu sót, ông Huỳnh Anh Tuấn cho rằng, khi bố trí các suất diễn rải rác đều trong tuần, nghệ sỹ có cơ hội chiêm nghiệm và chỉnh sửa cho bản thân, cho tác phẩm, còn diễn liên tiếp trong một mùa có khi nghệ sỹ không kịp thời gian chấn chỉnh. Đặc biệt, có khi diễn vài suất đã “hết mùa”, nghệ sỹ chưa thực sự thấm nhuần tích cách nhân vật, cốt truyện của vở diễn.
Khép lại hành trình dài 13 năm, thời điểm này, Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh đã ngừng hẳn toàn bộ các vở diễn kinh điển của sân khấu để chuyển sang phương thức biểu diễn mới là "mùa diễn". Theo đó, đơn vị này khởi động mùa đầu tiên từ tháng 5 - 7/2022 với 10 kịch bản cũ ấn tượng, sau đó khép lại hoàn toàn các vở này. Mùa diễn thứ hai bắt đầu từ tháng 9 - 11/2022 với vở mới có tên "Mùi của hạnh phúc". Trong đó, các suất diễn chiêu đãi và suất “sneak show” (suất chiếu sớm) đều kín hết ghế cùng những phản hồi tích cực từ khán giả và báo chí, tạo cơ hội cho phòng vé sôi nổi.
Hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh nhiều lần đóng cửa. Khi hoạt động lại, ít tác phẩm có lãi, đa số chỉ hòa vốn. Số lượng khán giả mua vé đến xem kịch cũng ngày càng thưa thớt. Ngoài ra, sân khấu kịch bị cạnh tranh với nhiều loại hình giải trí trên mạng xã hội, phim ảnh, game show. Thu nhập thấp, nhiều diễn viên của sân khấu phải chạy show bên ngoài ảnh hưởng tới lịch diễn. Do đó, nhiều nghệ sỹ hy vọng hướng đi mới sẽ giúp Sân khấu Hoàng Thái Thanh vượt qua khó khăn.
Đạo diễn Ái Như, Giám đốc Sân khấu Hoàng Thái Thanh cho rằng, về ưu điểm, khi biểu diễn theo mùa, sân khấu không phải lưu giữ cảnh trí lâu năm, dễ quản lý tác phẩm và nguồn kinh phí của đơn vị. Đồng thời, việc mời diễn viên, xếp lịch diễn cũng nhờ đó mà bớt căng thẳng. Do nhiều diễn viên có lịch diễn ngoài nên sân khấu chỉ cần gom gọn lịch diễn trong khoảng 2 tháng rưỡi để giúp họ có thể chủ động sắp xếp kế hoạch diễn sao cho hợp lý.
Theo Nghệ sỹ Ưu tú Hạnh Thúy - người đã có 25 năm kinh nghiệm hoạt động nghệ thuật với nhiều vai trò nổi bật như: diễn viên, tác giả, đạo diễn, việc thay đổi phương cách biểu diễn này có thể là một bước chuyển mình để tiếp cận khán giả hiệu quả hơn, là giải pháp cho thực trạng thưa vắng khán giả trong nhiều suất diễn hiện nay nhưng cũng hoàn toàn có thể là một thách thức lớn.
Nghệ sỹ Ưu tú Hạnh Thuý lý giải, vốn dĩ khán giả hiện nay chưa quen việc một vở diễn chỉ diễn trong thời gian ngắn rồi thôi. Họ vẫn có thói quen nhẩn nha, từ từ mua vé. Với khán giả, một vở diễn hay có thể kéo dài với đời sống của họ hàng chục năm nên hầu như họ đều mang tâm lý chung “không vội gì”. Ở một mặt nào đó, cách tiếp cận này có vẻ đã phát huy hiệu quả tại Sân khấu Hoàng Thái Thanh, khi các suất tái diễn 10 vở kịch tiêu biểu để chính thức tạm biệt khán giả trước khi bước vào “mùa diễn” mới đã kín ghế.
"Có thể nói, đây gần như là cơ hội cuối cùng của khán giả để xem trực tiếp các vở diễn này. Tuy nhiên, hiệu ứng này có tiếp tục được duy trì trong các “mùa diễn” hay không sẽ phải chờ xem", Nghệ sỹ Ưu tú Hạnh Tú băn khoăn.
Ở góc độ chuyên môn, theo Nghệ sỹ Nhân dân Trần Minh Ngọc - người có hơn 40 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, là thầy của nhiều thế hệ nghệ sỹ nổi tiếng, đạo diễn của nhiều tác phẩm sân khấu đỉnh cao, các sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh đã bão hòa khi nhiều nghệ sỹ không nắm được quy luật thị trường mà vội thay đổi cách thức làm phân tán lượng khán giả. Đây cũng là cơ hội để các đơn vị nhìn lại nội lực và củng cố lượng khán giả của mình.
Nghệ sỹ Nhân dân Trần Minh Ngọc cho rằng, để thu hút khán giả hiện tại, các sân khấu nên trở lại với những vở diễn mang vấn đề lý luận, nói được những vấn đề mà xã hội đang nhức nhối, quan tâm. Điều này đòi hỏi người làm sân khấu phải dũng cảm đào sâu vào những đề tài khó, đối thoại với công chúng hiện đại. Người làm sân khấu cần tư duy cởi mở, thông thoáng với nhu cầu khán giả, đồng thời làm mới chính mình, để các tác phẩm ngày một chất lượng, độc đáo, đại chúng hơn.