Ra mắt phim "Ngọc Viễn Đông": Đúng nghĩa “để gió cuốn đi”

Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc, người viết kịch bản của Ngọc Viễn Đông (ĐD: Cường Ngô) vài lần tâm sự rằng đây là bộ phim “để gió cuốn đi”, tưởng chị nói đùa. Thế nhưng, sau buổi chiếu ra mắt báo giới (ngày 5/3 tại TP.HCM và 6/3 tại Hà Nội), nhiều người đã đồng tình với suy nghĩ này, bởi phim đúng là “vô vi”.

“Tôi muốn có một sự mới lạ và hấp dẫn người xem trong tác phẩm phim nhựa đầu tay của mình. Đây có thể chỉ là những bài thơ, khoảnh khắc, những bức tranh tâm lý trừu tượng nhưng nó sẽ làm cho khán giả phải tham gia vào câu chuyện và phải suy nghĩ thật nhiều”, Cường Ngô chia sẻ.

Những điều khó nói của giới nữ

Bảy phim ngắn diễn tả bảy “chặng đời” của một “liên minh” từ bé gái - thiếu nữ - phụ nữ - đàn bà cho đến… bà lão. Ở đây có đầy đủ cung bậc của nhan sắc, tình yêu, sự chờ đợi, thất vọng, chết chóc và cả ham muốn… Thế nhưng bộ phim không làm ra để kể những câu chuyện cụ thể, với cao trào hay những tính cách, nhân vật điển hình. Mà ở đây là những cuộc đời như cái bóng, khá kiệm lời, họ luôn ẩn chứa một tâm sự, một nỗi niềm day dứt, mà “cực chẳng đã” họ mới nói ra.

Rất khó để kể lại mỗi phim ngắn nói về điều gì, bởi đạo diễn có vẻ muốn giấu điều đó, mỗi tập như một lát cắt thoáng qua, người xem phải cảm nhiều hơn hiểu; xem hình ảnh nhiều hơn nghe lời thoại. Có lẽ vì điều này mà nhà biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc mới nói rằng Cường Ngô đã chọn cách làm phim “lãng đãng” và “phiêu là chính”.

Cảnh trong phim Ngọc Viễn Đông. Ảnh do đoàn phim cung cấp.

Điều dễ nhận thấy của phim là đẹp và buồn. Như một du khách ngỡ ngàng trước cảnh lạ, D.O.P. Mikhail Petrenko đã tạo ra những thước phim tuyệt đẹp nhưng đó không chỉ là cái đẹp để mà đẹp, mà đã tạo được sự tương phản đầy mỹ cảm và đầy tâm trạng, kiểu “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.

Các vai chính do Ngô Thanh Vân, Hồng Ánh, Trương Ngọc Ánh, Kiều Chinh, NSND Như Quỳnh, Nguyễn Thị Minh Ngọc… đảm trách đều có nét riêng biệt, hoặc tạo được những tình huống ấn tượng cho người xem. Các vai thứ chính cũng được đạo diễn chăm chút để họ không trở thành yếu tố phụ, mà là “nhân đối nhân”, dù đôi lúc, họ chỉ thoáng qua, như vai Nguyên của Huy Khánh.

Điều cuối cùng làm cho phim này không thể kể là bởi cái hiện thực mà nó hướng đến. Đó vừa là một hiện thực đã phần nào đi vào dĩ vãng, với hình ảnh phai mờ; vừa là một tân hiện thực được xây dựng bằng tính tượng trưng và mơ tưởng. Cho nên, hiện thực trong Ngọc Viễn Đông là thứ không xây nên từ đời sống, nên chẳng thể so sánh với hiện thực của đời thường.                                                    

Có đáng xem không?

Thế nhưng, vượt qua tất cả những câu hỏi vừa kể ở trên, câu hỏi được đặt ra là bộ phim này có đáng xem không? Phải trả lời ngay rằng: còn tùy đó là khán giả nào.

Nếu bạn không phải là người có tính phiêu lưu trong tưởng tượng và không biết rung động trước những tàn phai của đời sống thì thật khó để xem phim này một cách hứng thú. Bởi Ngọc Viễn Đông không phải là phim để giải trí, mà cũng không phải là phim thể nghiệm. Nó chỉ là cuộc trải nghiệm khá riêng tư, là hành trình độc đạo để đi tìm các “viên ngọc” của đời sống. Ai chia sẻ được thì đi cùng, ai xót thương thì an ủi, ai e ngại thì đứng nhìn, ai khinh khi thì ngoảnh mặt, ngó lơ... Chỉ có thể khẳng định một điều, với mặt bằng khán giả Việt Nam hiện nay, bộ phim đầy thách thức này khó mà tạo ra sức hút về phòng vé.

Phim ngập tràn những biểu tượng đặc thù của Việt Nam, lại kể chuyện bằng hình thay cho lời nói, nên khán giả ngoại quốc cũng thật khó để nắm bắt. Trong tinh thần đó, Ngọc Viễn Đông đúng là phim “thuần Việt”, vì nó toàn nói chuyện Việt Nam, nhưng không phải người Việt nào cũng chia sẻ được. Ấy vừa là mâu thuẫn, vừa là nét riêng của một bộ phim: vừa không chối bỏ thị trường, vừa không chạy theo thương mại.

Cường Ngô từng tâm sự rằng, vì phụ nữ Việt quá bí ẩn mà anh làm bộ phim này. Anh cũng lường trước những khó khăn và thách thức mà khán giả có thể gặp phải. “Phim của tôi vừa muốn giữ chất văn học, vừa muốn kiệm lời, vừa muốn diễn tả hết các cung bậc của phụ nữ… nên quả thật việc tìm một ngôn ngữ hình ảnh chung cho các việc này rất là thách thức”, Cường Ngô nói.

Cuối cùng, trong bối cảnh nền điện ảnh còn chịu nhiều lệ thuộc vào khái niệm “làm phim để kiếm lời”, nơi các thể nghiệm và phiêu lưu trong nghệ thuật thường bị chùn bước trước các nhà đầu tư, thì cách làm phim của Cường Ngô đúng là lãng mạn và đáng khích lệ. Nó phần nào trả nghệ thuật về gần với bản chất và nguồn cội của nó. Dù thực tế đời nay có thể chứng minh cho thấy những người lãng mạn thường dễ bị “gió cuốn đi”, hoặc khó tìm được đất sống.

Ngọc Viễn Đông sẽ công chiếu toàn quốc vào dịp 8/3.

Theo Thethaovanhoa.vn

Phim Ngọc Viễn Đông - tôn vinh phụ nữ Việt
Phim Ngọc Viễn Đông - tôn vinh phụ nữ Việt

“Ngọc Viễn Đông” là bộ phim của đạo diễn Cường Ngô dựa theo kịch bản do nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc chuyển thể từ tập truyện ngắn cùng tên của chị. Đây là một chùm phim ngắn đẹp như thơ nhằm tôn vinh hình ảnh người phụ nữ Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN