Ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam, đã có cuộc trò chuyện với Tin Tức về vấn đề nâng cao chất lượng phê bình sân khấu.
´Một nền nghệ thuật đích thực rất cần có định hướng của vai trò lý luận phê bình, đáng tiếc là phê bình sân khấu đang không song hành với những người làm nghệ thuật sân khấu, xin ông đánh giá về những nguyên nhân dẫn tới thực trạng này?
Đúng là có thực trạng này. Nó xuất phát từ 3 nguyên nhân:
Do các vở diễn của các nhà hát, các đoàn nghệ thuật chỉ cần báo chí quảng bá truyền thông hơn là mục đích đánh giá nghệ thuật. Do vậy phần lớn các nhà báo khi viết về sân khấu chủ yếu ở phương diện thông tin về mặt văn hóa, với góc độ quảng bá theo một định hướng có lợi cho các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật để có lợi trong thị trường kinh doanh.
Các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế với phần thi vở diễn "Máu lửa ngập thiên trường”. Ảnh: Minh Đức - TTXVN |
Trong thời điểm hiện nay việc in ấn các bài viết có tính chất phê bình mang tính học thuật là rất khó khăn. Vì dung lượng báo in không thể dành nhiều đất cho việc phê bình một vở diễn, một tác phẩm đơn thuần. Thông thường chỉ khoảng 500 chữ, giỏi lắm là 1.000 chữ cho một bài báo in đã là khủng khiếp rồi. Sân khấu chỉ nằm trong rất nhiều hoạt động biểu diễn khác, vai trò của nó lại đang bị lấn át bởi các loại hình nghệ thuật khác như điện ảnh, âm nhạc và vì vậy nó cũng không thu hút được sự chú ý của độc giả. Nếu độc giả không quan tâm nhiều thì việc thu hẹp dung lượng và chuyên mục phê bình sân khấu ở các báo in là điều đương nhiên. Qua khảo sát mà chúng tôi nghiên cứu thì rất nhiều trang báo mạng, khán giả "click" vào chuyên mục rất ít. Vì thế mà có một số tờ báo đã loại bỏ hẳn sân khấu ra khỏi chuyên mục cố định.
Nguyên nhân thứ ba là do các nhà báo viết về phê bình sân khấu hiện nay không có kiến thức chuyên sâu về sân khấu. Qua tổng hợp của chúng tôi thì hiện nay các bài báo viết về sân khấu trên các tờ báo in thường giành 80% nội dung bài viết chỉ viết giới thiệu, 20% cho việc bình luận khen chê. Sự bình luận khen chê ấy lại rất chung chung, chưa phê bình có sức thuyêt phục về mặt nghiệp vụ, chưa có tác động thực sự tới lực lượng sáng tạo vở như đạo diễn, nghệ sĩ... Nguyên nhân chính theo tôi là các phóng viên báo in hiện nay không có kiến thức chuyên sâu mang tính học thuật về sân khấu, sự phê bình của họ chỉ mang mức độ cảm tính, chứ không có tính học thuật. Đặc biệt các loại hình sân khấu dân tộc rất cần có sự hiểu biết chuyên sâu mới có thể phân tích phê bình được thì hầu như các nhà báo không hề được trang bị kiến thức. Có lẽ chính vì vậy mà nhiều khi có những bài viết khen và chê chưa đúng, không được đánh giá cao.
´Hiện nay có một tâm lý là nhiều nhà hát và các đơn vị nghệ thuật cố tình lờ nhà phê bình sân khấu mà thường chỉ mời các nhà báo trẻ tới để đưa tin mang tính chất giới thiệu. Phải chăng họ sợ sự hiện diện của nhà phê bình sân khấu giỏi sẽ vạch vòi ra những điểm yếu trong tác phẩm của họ ?
Tâm lý đó là có. Một nhà phê bình sân khấu giỏi có thể đánh đổ cả một vở diễn, điều đó là sự thật nếu đó là một chương trình yếu kém. Nhà phê bình có thể phát hiện và chỉ ra sự non kém về mặt nghệ thuật, lệch lạc về mặt tư tưởng nội dung đối với một tác phẩm không xứng tầm chuyên nghiệp. Đối với các đơn vị sân khấu xã hội hóa thì họ không đời nào đi mời nhà phê bình lý luận để rồi nếu làm yếu kém sẽ bị phê quyết liệt. Vì vậy hệ số an toàn đó là mời các nhà báo theo dõi mảng văn hóa ở các tờ báo in tới thông tin về vở diễn mà thôi. Nhưng với các nhà hát mang tầm quốc gia, các đơn vị nghệ thuật sân khấu của nhà nước lại rất cần các nhà phê bình vào cuộc. Việc phê bình sẽ giúp các đơn vị có thể định hướng được nghệ thuật, vạch ra phương hướng phát triển đối với sân khấu chuyên nghiệp. Theo tôi, đã tới lúc các vị lãnh đạo của các đơn vị nghệ thuật cần coi các nhà phê bình sân khấu là những người tâm phúc, những người bạn lớn, trân trọng cả những bài viết khen lẫn chê của họ. Bởi nhà phê bình như người thầy chỉ dẫn giúp cho các đơn vị sân khấu nhìn nhận lại định hướng phát triển nghệ thuật của mình đã đúng chưa? Sau mỗi liên hoan, hội diễn sân khấu, sau mỗi tác phẩm, giới sân khấu rất cần các bài viết phê bình thẳng thắn, chân tình để có thể có một cách nhìn xa hơn, khách quan hơn. Dĩ nhiên phê bình sân khấu cũng cần có tính xây dựng, thẳng thắn và chân tình, không phải mang tính vùi dập, chan tương đổ mẻ làm tác phẩm thui chột đi, làm mất uy tín của đơn vị nghệ thuật. Trên thực tế đã có những bài báo phê bình mang dấu ấn cá nhân trong cách điểm, cách viết và cả phỏng vấn... đã gây ra sự mất đoàn kết, sự mất lòng tin đối với người làm sân khấu. Nhà phê bình cần phải công tâm, trung thực và theo tôi phải có thái độ cởi mở và hợp tác giữa người làm sân khấu với nhà phê bình.
´Xin ông cho thang điểm chấm từ 1 đến 7 (từ yếu cho tới cực tốt) để đánh giá thực trạng phê bình sân khấu hiện nay?
Về mặt phê bình sân khấu trên báo in theo tôi chưa đáp ứng được 50% sự mong đợi của người làm nghệ thuật. Giỏi lắm là điểm 3. Hiếm có một bài phê bình trên báo giấy nổi trội, hay, khiến người đọc trong nghề và ngoài nghề tâm phục khẩu phục. Có lẽ điều cơ bản nhất chính là ở trình độ tay nghề của các nhà báo theo dõi sân khấu hiện nay. Kiến thức về sân khấu không có, sự cảm thụ nghệ thuật kém... Mặt khác, nhiều tờ báo chủ trương không đăng những tác phẩm phê bình của các nhà phê bình như GS, TS, thạc sĩ đơn giản vì những vấn đề phê bình của họ không thể vẻn vẹn trong một vuông đất hạn chế khoảng 500 chữ.
Xin cảm ơn ông!
Hoài Hương (thực hiện)
Bài 3: Ý kiến người trong cuộc