Một đạo diễn tài năng
Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Đình Hạc sinh năm 1934 ở Phú Thọ. Tham gia cách mạng từ năm 1949, đến năm 1953, ông vào công tác trong ngành điện ảnh tại An toàn khu Việt Bắc. Sau khi tốt nghiệp trường Điện ảnh Hà Nội, ông tiếp tục theo học ở Đại học Điện ảnh Quốc gia Liên Xô (VGIK).
Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Đình Hạc được giới trong nghề đánh giá là một tài năng hiếm có của điện ảnh Việt. Trong suốt hơn 50 năm gắn bó với điện ảnh, ông làm song song cả phim tài liệu cùng phim truyện điện ảnh và thành công ở cả hai lĩnh vực.
Ở thể loại phim tài liệu, nhắc đến Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Đình Hạc, công chúng nhắc đến những kiệt tác tài liệu như "Nước về Bắc Hưng Hải", "Nguyễn Ái Quốc đến với Lênin", "Đường về Tổ Quốc", "Hồ Chí Minh - chân dung một con người", "Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi"…
Trong đó, bộ phim tài liệu "Nước về Bắc Hưng Hải" ghi lại quá trình xây dựng hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải để đưa nước sông Hồng đến các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương. Đây là sự kiện xây dựng công trình đại thủy nông đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam sau khi được tái lập hòa bình vào năm 1954. Bộ phim do Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Đình Hạc viết kịch bản và làm đạo diễn và ra mắt vào năm 1959. Cũng trong năm này, bộ phim được đưa đi tham dự Liên hoan Phim Moscow và được trao giải Vàng. Đây là giải thưởng quốc tế đầu tiên cho điện ảnh Việt Nam, trở thành cột mốc quan trọng khích lệ sự phát triển của điện ảnh Việt Nam nói riêng và nhiều ngành nghệ thuật khác.
Năm 1978, Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Đình Hạc được giao nhiệm vụ làm phim tài liệu "Nguyễn Ái Quốc đến với Lênin" để kỷ niệm 90 năm Ngày sinh của Bác. Được sự giúp đỡ từ phía bạn, đoàn làm phim Việt Nam đã đến Liên Xô (cũ) và đã vào hầu hết thư viện, bảo tàng, viện lưu trữ phim khai thác trong vô số tài liệu, hàng vạn mét phim, ảnh chụp; gặp gỡ nhiều nhân chứng, để có tư liệu chính xác những hoạt động của Bác trong những năm 20 của thế kỷ trước, nhằm tái hiện lại chặng đường Nguyễn Ái Quốc đến với Lê-nin...
Năm 1980, ông bắt tay vào thực hiện phim "Đường về Tổ quốc" - bộ phim kể câu chuyện về chuyến đi đầy gian nan, vất vả của Bác, khi Người hoạt động ở Trung Quốc. Bộ phim đọng lại ở hình ảnh ông Ké Nùng - Nguyễn Ái Quốc trong bộ quần áo giản dị, trở về Tổ quốc. Bên cột mốc địa đầu, ánh mắt Người rưng rưng, để rồi sau đó là những tháng ngày "Cháo bẹ rau măng" ở hang Pác Bó lãnh đạo toàn dân làm cách mạng.
Với lòng kính yêu vô bờ với Người cha già dân tộc, năm 1990, Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Đình Hạc lại tiếp tục thực hiện bộ phim "Hồ Chí Minh, chân dung một con người", nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Bác. Bộ phim là dòng suy tưởng về cuộc đời bôn ba của Bác gắn với vận mệnh đất nước. Bộ phim với nhiều thước phim tư liệu quý chưa từng được công bố đã mang đến cho công chúng hình ảnh đầy xúc động, tự hào về chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh - một con người vừa là lãnh tụ, là danh nhân, vừa là một người cha già, một người ông đôn hậu, một chiến sỹ cách mạng kiên cường...
Ở thể loại phim truyện điện ảnh, Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Đình Hạc là "cha đẻ" của nhiều bộ phim nổi tiếng như: Nguyễn Văn Trỗi (1966), Đường về quê mẹ (1971), Hoa thiên lý ((1973), Hà Nội, 12 ngày đêm (2002)…
Trong đó, "Đường về quê mẹ" do ông cùng viết kịch bản giành giải Bông Sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2 (1973), giải nhất tại Liên hoan phim quốc tế New Delhi (Ấn Độ) năm 1973. Giải A của Bộ quốc phòng tặng cho tác phẩm Văn học Nghệ thuật xuất sắc về đề tài Lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Năm 2002, ở tuổi 68, ông là đạo diễn bộ phim truyện "Hà Nội 12 ngày đêm", tái hiện trận Điện Biên Phủ trên không - một cuộc chiến đấu ác liệt của nhân dân Hà Nội chống lại cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào cuối tháng 12/1972. "Hà Nội 12 ngày đêm" là một bộ phim có giá trị về lịch sử và nghệ thuật, được đánh giá cao trong nước, được tặng giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam và đã được nhiều Liên hoan phim Quốc tế uy tín chọn mời tham dự như: Liên hoan phim Fukuoka (Nhật Bản- 2003); Cairo (Ai Cập - 2003); Locarno (Thuỵ Sĩ - 2004); Fajr (Iran - 2004); Vesoul (Pháp - 2005); La Laguna Tenerife (Tây Ban Nha - 2005)…
Trong sự nghiệp điện ảnh của mình, Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Đình Hạc đã từng nhận 3 giải Nhất, 1 giải Nhì tại các Liên hoan phim lớn của quốc tế. Ông cũng giành 7 giải Bông sen Vàng, 1 giải thưởng Bông sen Bạc tại các Liên hoan phim ở Việt Nam. Ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân (đợt 1), năm 2007 ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật cho 7 tác phẩm điện ảnh đặc sắc của mình. Ông từng đảm nhận các cương vị quan trọng: Giám đốc Hãng phim Thời sự Tài liệu Trung ương, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Phó tổng thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam.
Cây đại thụ của điện ảnh Việt
Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Đình Hạc là một "cây đại thụ" của nền điện ảnh nước nhà. Ông là một trong những nghệ sỹ tiêu biểu thế hệ đầu của điện ảnh Việt Nam, có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của điện ảnh dân tộc, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam ngày hôm nay.
Sinh thời, Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Đình Hạc từng chia sẻ, ông yêu thích tính đa dạng trong sáng tác. Với ông, phim sau làm phải khác phim trước, khác nhau về hình thức thể hiện, về sự tìm kiếm thăm dò, thể nghiệm và hoàn thiện. Ông từng làm ba bộ phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng mỗi phim, ông đều cố gắng tìm cách thể hiện khác nhau và đã thành công. Những thước phim, những cảnh quay qua bàn tay của đạo diễn Bùi Đình Hạc đều trở nên chân thực, sống động và mang một sức sống mới…
Trong con mắt của bạn bè và đồng nghiệp, trong cuộc sống, Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Đình Hạc là người thân thiện, cởi mở. Ông luôn chân thành, sẵn sàng giúp đỡ đồng nghiệp và mọi người. Trong công việc, ông là người say mê, kiên nhẫn và luôn mong muốn làm mọi cách để tác phẩm của mình được hoàn thiện, tạo được sự xúc động sâu sắc cho người xem.
Đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân Đặng Nhật Minh chia sẻ, sự ra đi của Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Đình Hạc để lại một khoảng trống không gì bù đắp được trong nền điện ảnh nước nhà.
Đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Thanh Vân, đạo diễn phim "Đời cát" cho biết, ông đã rất ấn tượng với bộ phim truyện điện ảnh "Đường về quê mẹ" của Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Đình Hạc, đặc biệt là dấn ấn của các nghệ sỹ Trúc Quỳnh, Lâm Tới - là những vai diễn chính trong phim.
"Với tôi, bộ phim "Đường về quê mẹ" là những thước phim tuyệt đẹp về chiến tranh. Sau này, Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Đình Hạc còn đạo diễn bộ phim truyện "Hà Nội 12 ngày đêm" - lưu giữ và tái hiện lại cho thế hệ sau những hình ảnh rất đẹp đẽ, quý giá về Hà Nội trong thời điểm lịch sử đặc biệt đó", Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Thanh Vân chia sẻ.
Theo Đạo diễn, Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Thanh Vân, ngoài dấu ấn về phim truyện, Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Đình Hạc còn có thành tựu rất lớn về bộ ba phim tài liệu về Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh gồm: "Nguyễn Ái Quốc đến với Lênin", "Đường về Tổ quốc", "Hồ Chí Minh, chân dung một con người". Dù cùng làm về một nhân vật, nhưng ông đã có sự tìm tòi, sáng tạo để mang đến cho công chúng những câu chuyện, những hình ảnh, chân dung khác nhau.
Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Thanh Vân bày tỏ sự ngậm ngùi, nuối tiếc khi điện ảnh Việt Nam mất đi một "cây đại thụ" - một thế hệ đã tạo nên một nền điện ảnh giá trị cho một giai đoạn lịch sử đặc biệt: "Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Đình Hạc gần như là người cuối cùng thuộc thế hệ đầu đầu tiên của điện ảnh Việt Nam mất đi. Đó là sự nuối tiếc, là nỗi buồn không kể siết đối với những người trong nghề".
Đạo diễn - Nghệ sỹ Ưu tú Đỗ Duy Hùng (Hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương) cho biết, ông có cơ duyên làm việc cùng Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Đình Hạc trong 3 phim tài liệu về Bác Hồ: "Nguyễn Ái Quốc đến với Lênin", "Đường về Tổ quốc và "Hồ Chí Minh, chân dung một con người". Với Nghệ sỹ Ưu tú Đỗ Duy Hùng, Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Đình Hạc vừa là người đồng nghiệp, là người anh và người thấy lớn trong cuộc đời mà ông vô cùng kính trọng, nể phục.
Nghệ sỹ Ưu tú Đỗ Duy Hùng chia sẻ: "Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Đình Hạc là đạo diễn cực kỳ nghiêm túc và sáng tạo trong lao động nghệ thuật. Tôi đặc biệt ấn tượng bởi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, chịu khó tìm tòi và sáng tạo của ông. Làm phim tư liệu lịch sử rất khó, để lựa chọn những thước phim ưng ý, ông Hạc đã từng ngồi trong những căn phòng nóng nực xem phim hết ngày này qua ngày khác, để tìm kiếm những hình ảnh quý giá cho bộ phim. Đặc biệt, lần sang Liên Xô tìm tư liệu, ông từng ngồi hàng tháng trời để xem những thước phim tư liệu và chắt lọc những hình ảnh quý giá về Bác Hồ trong thời gian hoạt động ở nước ngoài, ở Quốc tế cộng sản… từ những thước phim đó, ông đã sáng tạo nên những bộ phim tư liệu quý giá về Bác Hồ...".
Theo Nghệ sỹ Ưu tú Đỗ Duy Hùng, Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Đình Hạc là người thân thiện, hòa nhã với mọi người, ông đặc biệt có tài trong việc tập hợp và cộng tác với mọi người. Để sản xuất một bộ phim, cần có một ê kíp đông đảo từ quay phim, dựng phim, làm tư liệu, viết lời bình… Và ông Hạc đã rất giỏi trong việc tập hợp, phân công, động viên mọi người cùng chung tay góp sức để bộ phim hoàn thành tốt nhất.
Chia sẻ cảm xúc khi nghe tin Nghệ sỹ Nhân dân Bùi Đình Hạc qua đời, Nghệ sỹ Ưu tú Đỗ Duy Hùng cho biết, ông có cảm giác hụt hẫng, mất mát khi mất đi một người đồng nghiệp, một người anh, người thầy lớn mà ông đã từng cộng tác làm việc trong nhiều năm.
"Tôi biết ơn Đạo diễn Bùi Đình Hạc, bởi chính ông đã dẫn dắt tôi đến với nghề đạo diễn. Khi còn làm cùng ông, tôi mới chỉ là quay phim. Chính những ngày tháng làm việc cùng ông đã giúp tôi học hỏi được rất nhiều trong nghề đạo diễn của mình sau này", Nghệ sỹ Ưu tú Đỗ Duy Hùng xúc động nói.