Theo thông tin từ Bảo tàng Văn học Việt Nam, nhà văn Lê Lựu sinh năm 1942 tại xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, là hội viên hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1974.
Nhà văn Lê Lựu nhập ngũ sớm, từng làm phóng viên Báo Quân khu Ba, phóng viên mặt trận tại chiến trường 559. Ông đã theo học Trường Bồi dưỡng viết văn Quảng Bá (của Hội Nhà văn Việt Nam), làm biên tập viên, Trưởng ban văn xuôi rồi Thư ký tòa soạn Tạp chí Văn nghệ quân đội. Ông về hưu với quân hàm Đại tá; từng là Giám đốc Trung tâm Văn hoá doanh nhân Việt Nam.
Trong sự nghiệp văn chương của mình, nhà văn Lê Lựu đã cho ra đời nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng. Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu của ông như: “Người cầm súng” (truyện ngắn, 1970); “Mở rừng” (tiểu thuyết, 1977): “Thời xa vắng” (tiểu thuyết, 1986); “Một thời lầm lỗi” (bút ký, 1988); “Trở lại nước Mỹ” (bút ký, 1989); “Đại tá không biết đùa” (tiểu thuyết, 1990); “Chuyện làng Cuội” (tiểu thuyết, 1993); “Sóng ở đáy sông” (tiểu thuyết, 1994)…
Ông từng giành giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ (1967-1968) với truyện ngắn “Người cầm súng”; giải A Hội nhà văn Việt Nam 1990 cho tiểu thuyết “Thời xa vắng”. Ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt I năm 2001 với các tác phẩm: “Người cầm súng”, “Thời xa vắng”, “Mở rừng”.
Nhắc đến nhà văn Lê Lựu, giới văn nhân cũng như công chúng yêu văn học nhớ ngay đến tiểu thuyết “Thời xa vắng” - bởi đây là tác phẩm nổi tiếng trong sự nghiệp của ông. Tiểu thuyết ra đời năm 1986, xoay quanh cuộc đời của Giang Minh Sài - anh nông dân học giỏi, là niềm tự hào của gia đình, dòng họ, nhưng chịu nhiều áp lực, buộc phải làm theo những điều mà gia đình cho là tốt nhất.
Khi mới 12 tuổi, Sài bị bố mẹ ép cưới Tuyết - cô gái hơn mình 3 tuổi. Anh sống ngột ngạt, như một con rối vì không có tình cảm với vợ. Mọi thứ thay đổi khi Giang Minh Sài gặp Hương - cô gái anh yêu thực sự và bỏ vào miền Nam theo tiếng gọi của tình yêu.
Khi hòa bình, Giang Minh Sài ly hôn Tuyết và kết hôn với Châu - một người yêu khác. Tuy nhiên, bi kịch xảy ra khi anh phát hiện con gái Giang Minh Thùy không phải là con đẻ, mà là cốt nhục của Châu và người tình cũ. Cuối cùng, anh chọn trở về quê hương…
Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, “Thời xa vắng” giống như hồi ký phân thân của nhà văn Lê Lựu, ở đó có nhiều dấu ấn của ông. Nhân vật Giang Minh Sài trong tiểu thuyết như hình bóng của Lê Lựu, là cuộc đời riêng của ông, nên ông viết nó rất thật. Đó là một cuốn tiểu thuyết sâu sắc về một thời mà chúng ta đã sống.
Tiểu thuyết “Thời xa vắng” đã được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên năm 2003, do nghệ sỹ Hồ Quang Minh làm đạo diễn. Phim được công chúng yêu mến, đoạt giải Cánh diều Bạc (không có Cánh diều Vàng) của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2005.
Ngoài “Thời xa vắng”, tác phẩm “Sóng ở đáy sông” của nhà văn Lê Lựu ngay sau khi công bố vào năm 1994 đã thu hút độc giả, giới phê bình và cả giới làm phim. Tiểu thuyết này sau đó được chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình cùng tên.
Đến năm 2000, bộ phim truyền hình “Sóng ở đáy sông” do Lê Đức Tiến làm đạo diễn khi được phát sóng trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam đã gây tiếng vang và lấy đi nhiều nước mắt khán giả.
Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Lê Lựu là nhà văn lớn, ông nổi tiếng từ những năm chống Mỹ cứu nước với tập truyện “Người cầm súng”, “Người về đồng cói”, nhiều tác phẩm truyện ngắn, tiểu thuyết, đặc biệt tiểu thuyết “Thời xa vắng” là tiểu thuyết mở đầu của thời kỳ đổi mới. Chính “Thời xa vắng” đã làm nên tên tuổi của Lê Lựu.
Nhân vật Giang Minh Sài trong tác phẩm này của Lê Lựu đã trở thành một “tuýp người” sống bằng cái mình không có, là tuýp người bi kịch của một thời đại đã qua, điều này không phải nhà văn nào cũng làm được điều đó.
“Tiểu thuyết của Lê Lựu rất hay và sâu sắc, đặc biệt khi ông viết về người quê, cảnh quê, phong tục tập quán ở thôn quê, có thể nói, Lê Lựu là một cây bút đặc sắc viết về nông thôn”, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.
Nói đến nhà văn Lê Lựu, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đánh giá, nhà văn Lê Lựu là tác giả của những tác phẩm làm rung động đời sống văn học Việt Nam, như: “Mở rừng”, “Đại tá không biết đùa”, “Sóng ở đáy sông”, “Chuyện làng Cuội”, “Một thời lầm lạc”, “Thời xa vắng”…
Trong đó, tiểu thuyết “Thời xa vắng” là một tác phẩm lớn với thông điệp "Con người chỉ là người đúng nghĩa khi họ được sống là chính họ chứ không phải sống bằng những cái (hay) những giá trị của người khác".
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, với “Thời xa vắng”, Lê Lựu đã thay đổi đời sống văn học Việt Nam trong những năm 80 của thế kỷ trước. Tư tưởng của “Thời xa vắng” đã "bẻ một bước ngoặt" trong nền văn học Việt Nam kể từ năm1954.
“Lê Lựu đã sáng tạo ra những nhân vật còn sống mãi với người đọc Việt Nam như Giang Minh Sài. Ông cũng là một nhân vật đặc biệt của nền văn học Việt Nam”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định...